1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tiến sĩ Trần Công Trục:

“Phán quyết Tòa trọng tài tạo niềm tin ngăn chặn âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông”

(Dân trí) - “Có thể khẳng định đây là thắng lợi rất lớn, tạo cơ sở pháp lý và niềm tin cho chúng ta cũng như các nước trong khu vực và quốc tế đấu tranh, ngăn chặn những hành động, âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông”, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Quốc gia nói.

Chiều 12/7, ngay sau khi Tòa trọng tài thường trực có trụ sở tại La Hay (Hà Lan) đưa ra những phán quyết quan trọng liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về biển Đông, Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Quốc gia đã có những phân tích với phóng viên Dân trí làm rõ những vấn đề liên quan.

Thắng lợi lịch sử

Tòa trọng tài thường trực tại La Hay (Hà Lan) vừa đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về biển Đông, trong đó điểm quan trọng nhất là khẳng định yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý; Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế với việc quấy rối hoạt động đánh bắt, và xây dựng các đảo nhân tạo... Ông đánh giá thế nào với những phán quyết đó của Tòa trọng tài?

Có thể nói nội dung quan trọng nhất trong phán quyết của tòa án quốc tế là bác bỏ đòi hỏi phi lý của Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò” và việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Philippines. Đó là một phán quyết công bằng, khách quan, đặc biệt có ý nghĩa với nhân dân Philippines và cả Việt Nam cũng như những nước có liên quan đến biển Đông trong khu vực, cộng đồng quốc tế.

Có thể khẳng định đây là thắng lợi rất lớn, tạo cơ sở pháp lý và niềm tin cho chúng ta cũng như các nước trong khu vực và quốc tế đấu tranh, ngăn chặn những hành động, âm mưu của Trung Quốc trên biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Quốc gia
Tiến sĩ Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Quốc gia

Ngay sau khi Tòa trọng tài thường trực bác bỏ những yêu sách về “đường chín đoạn”, Trung Quốc vẫn lớn tiếng tuyên bố không chấp nhận và sẽ không tuân thủ phán quyết này. Vậy theo ông, Tòa trọng tài, cũng như Liên Hợp Quốc cần có biện pháp gì để buộc Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết?

Thực tế cho thấy cơ chế thi hành án của các cơ quan tài phán Quốc tế Liên Hợp Quốc không có cơ chế thi hành cưỡng bức, cho nên có thể Trung Quốc không thi hành phán quyết của Tòa trọng tài. Về mặt pháp lý nếu Trung Quốc không thi hành phán quyết của Tòa trọng tài thì Phippines có thể đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thế nhưng ở đây Trung Quốc lại là một bên có quyền phủ quyết. Do vậy, Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc buộc Trung Quốc phải thi hành là rất hạn chế.

Do vậy, chúng ta cần phải có một cách khác để dùng tổ chức Liên Hợp Quốc có hình thức gây sức ép mạnh mẽ với Trung Quốc buộc họ phải thi hành phán quyết của Tòa trọng tài. Chúng ta cũng cần phải tiếp tục sử dụng những biện pháp khác đấu tranh với Trung Quốc. Cụ thể như tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đều đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc chấp hành phán quyết này.

Có những lo ngại cho rằng, Trung Quốc sẽ hung hăng hơn trên Biển Đông sau phán quyết không có lợi cho họ của Tòa trọng tài thường trực?

Những lo ngại đó là có căn cứ, có thực tế. Thế nhưng việc Trung Quốc hung hăng hơn thông qua những hành động quân sự như tập trận quy mô lớn trên Biển Đông, tiếp tục xây dựng đảo, đưa vũ khí ra đảo, lập vùng nhận dạng phòng không… là những tính toán của họ chứ không phụ thuộc vào những phán quyết của Tòa trọng tài. Tôi xin nhắc lại, việc Trung Quốc làm như vậy hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược của Trung Quốc là độc chiếm Biển Đông, từ đó vươn ra cạnh tranh vị trí siêu cường với Mỹ. Đó mới là nguyên nhân đích thực, còn phán quyết của Tòa trọng tài có lẽ chỉ là cái cớ cho Trung Quốc.

Đấu tranh pháp lý phát huy thế mạnh của Việt Nam

Với những phán quyết của Tòa trọng tài thường trực vừa được công bố có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, thưa ông?

Có thể nói đây là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử không chỉ với đất nước, nhân dân Philippines mà cả Việt Nam và các nước trong khu vực. Với Việt Nam, phán quyết này tạo tiền đề, bài học quan trọng để chúng ta tiếp tục sử dụng công cụ pháp lý chống lại những hành động bành trướng và âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo ông, chúng ta sẽ vận dụng những phán quyết của Tòa trọng tài như thế nào để đấu tranh với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?

Trước mắt chúng ta cần tích cực tuyên truyền rộng rãi cho những người làm công tác quản lý và người dân hiểu rõ ý nghĩa, tác động của phán quyết của Tòa trọng tài. Chúng ta cần tiếp tục cùng Philippines và các nước trong khu vực để phán quyết được thực thi. Với tất cả những động thái đó, chúng ta vẫn phải bình tĩnh, khôn khéo, để Trung Quốc phải chấp hành những phán quyết Tòa trọng tài. Chúng ta cũng không được để Trung Quốc lợi dụng cơ chế này đẩy vấn đề lên khiến các quốc gia trong khu vực lao vào cuộc xung đột, chiến tranh. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cần phải có tính toán, chỉ đạo hết sức chặt chẽ với quan điểm duy trì chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tránh xung đột.

Với những thắng lợi của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, chúng ta cũng có thể đưa những tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông ra Tòa trọng tài thường trực?

Thắng lợi của Philippines là tiền đề tốt, bài học kinh nghiệm cho chúng ta. Như tôi đã nói, chủ trương của chúng ta là giải quyết mọi tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình gồm có đàm phán song phương và đàm phán đa phương những vấn đề có liên quan đến nhiều nước. Những vấn đề đàm phán hiệp thương không thành thì phải đưa ra cơ quan tài phán quốc tế. Đó là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất, văn minh nhất.

Thông qua vụ kiện của Phippines, theo tôi Việt Nam nên nghiên cứu kỹ, rút ra những bài học quý giá để chuẩn bị tiến hành các bước cần thiết liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông trong thời gian tới. Tôi nghĩ rằng đó là biện pháp hiệu quả nhất, phát huy được thế mạnh của chúng ta. “Vũ khí” đó mới là việc cần phải làm trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta không muốn chiến tranh xảy ra, không muốn đổ máu, không muốn xung đột với hàng xóm thì phải sử dụng giải pháp pháp lý. Đó là giải pháp hiệu quả nhất, nhân văn nhất trong thời đại hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (thực hiện)