1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump với phép thử "kiểm soát và cân bằng"

Sắc lệnh nhập cư của ông Trump đã nhận “thuốc đắng” từ nhánh tư pháp của nước Mỹ.

Kể từ khi ông Donald Trump công bố sắc lệnh hành pháp vào ngày 27-1, đã có hơn 100.000 người bị hủy thị thực nhập cảnh vào Mỹ, một luật sư của Bộ Tư pháp nước này tiết lộ với tờ The Washington Post. Phần lớn trong số đó là người nhập cư, có người thân hoặc những người đã sinh sống, học tập và làm việc tại Mỹ.

“Phép thử” cho nước Mỹ

Tình hình có thể đã trở nên tồi tệ và rối loạn hơn nữa nếu như trong tuần qua không có hàng loạt thẩm phán liên bang nhảy vào can thiệp, yêu cầu hoãn thực thi sắc lệnh tại nhiều bang. Chỉ trong vòng một tuần, các tòa án của Mỹ đã tiếp nhận đến 40 đơn khởi kiện sắc lệnh cấm nhập cư của ông Trump.

Ngày 3-2, Thẩm phán James Robart tại Seattle tuyên bố đơn kiện của tổng chưởng lý các bang Washington và Minnesota là đủ điều kiện pháp lý. Dù không khẳng định sắc lệnh của Trump là vi hiến, vị thẩm phán đã ra lệnh kiềm chế trên toàn quốc việc thực thi lệnh cấm nhập cư. “Hiến pháp đã chiến thắng trong ngày hôm nay. Không ai được đứng trên luật pháp, kể cả tổng thống” - Tổng chưởng lý bang Washington Bob Ferguson tuyên bố về phán quyết của ông Robart.

Sự can thiệp của các thẩm phán giúp chặn đứng sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Trump đã thể hiện một góc độ đặc trưng của hệ thống chính trị Mỹ là cơ chế “kiểm soát và cân bằng” (checks and balances).

Vài ngày sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức, học giả nổi tiếng Francis Fukuyama từng nhận định nước Mỹ đang đứng trước một phép thử đầy thách thức đó. Cách các cơ chế kiểm soát quyền lực của nước Mỹ vận hành ra sao đối với những hành động của ông Trump sẽ thể hiện rõ liệu nước Mỹ có là một “quốc gia của luật pháp hay là một quốc gia của những người tầm thường”.

Người Mỹ tin tưởng mạnh mẽ rằng cơ chế “kiểm soát và cân bằng” đủ khả năng bảo vệ đất nước khỏi những nhà lãnh đạo độc đoán và lạm dụng quyền lực. Diễn biến những ngày qua giúp nhiều người tin tưởng rằng ông Trump vẫn có thể bị kiểm soát.

Ông Trump với phép thử "kiểm soát và cân bằng" - 1

Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump đã bị chặn đứng bởi tòa án. Ảnh: CNN

Chỉ đủ làm chậm bước ông Trump?

Nhưng liệu các cơ chế “kiểm soát và cân bằng” của hệ thống chính trị Mỹ có đủ sức để kìm hãm ông Trump? Trả lời phỏng vấn của báo Pháp Luật TP.HCM, TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), bình luận:

“Hiện nay lưỡng viện Quốc hội Mỹ do đảng Cộng hòa của Tổng thống Trump chiếm đa số, chính vì vậy nhiều người nhìn sang Tòa án Tối cao như cơ quan quyền lực chốt chặn cuối cùng có thể kiểm soát quyền lực của nhánh hành pháp. Tòa án Tối cao Mỹ bao gồm chín thẩm phán có nhiệm kỳ suốt đời (trừ khi từ chức, xin nghỉ hay bị buộc tội), để tránh bị tư duy nhiệm kỳ cũng như sức ép từ hai nhánh còn lại. Tuy nhiên, hiện nay Tòa án Tối cao chỉ có tám thẩm phán, đang khuyết một người sau khi Thẩm phán Antonin Scalia mất vào năm 2016. Neil Gorsuch, người được Tổng thống Trump đề cử thay thế vị trí Thẩm phán Antonin Scalia, hiện chờ Thượng viện phê chuẩn nhưng đang gặp nhiều phản đối từ các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, rất khó cho đảng Dân chủ lật ngược thế cờ khi hiện nay đảng Cộng hòa chiếm tới 52 ghế trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện”.

“Ở Mỹ có 94 tòa án liên bang khu (tòa án liên bang cấp thấp nhất của Mỹ - PV), chỉ có thể hoãn các sắc lệnh hành pháp của tổng thống. Tuy nhiên, chỉ có Tòa án Tối cao là nơi duy nhất có thể tuyên bố sắc lệnh hành pháp của tổng thống là vi hiến. Quá trình cho vụ việc đi tới Tòa án Tối cao có thể mất tới một năm và trong thời gian này Tổng thống Trump có thể thay đổi hệ thống nhập cư để lách các đình chỉ của tòa án liên bang khu”.

“Tuy nhiên, các tổng thống Mỹ thường có khuynh hướng “an ninh hóa” các vấn đề xã hội để tạo được sự ủng hộ từ hai nhánh lập pháp và tư pháp khi nhân danh an ninh để đưa ra các sắc lệnh hành pháp liên quan đến chính sách đối ngoại hay siết chặt quyền tự do cá nhân. Chính vì vậy, chế độ kiểm soát và cân bằng ở Mỹ không phải lúc nào cũng hiệu quả” - TS Nguyễn Thành Trung nhận định.

Một trong những tinh thần chính yếu của hiến pháp Mỹ là kiểm soát và cân bằng để đảm bảo rằng không một nhánh nào trong ba nhánh của chính quyền là hành pháp (tổng thống), lập pháp (Quốc hội lưỡng viện) và tư pháp (Tòa án Tối cao) trở nên quá mạnh. Quyền lực giữa ba nhánh này được bảo đảm cân bằng nhất có thể.

Chẳng hạn, nhánh lập pháp (tức Quốc hội) soạn luật nhưng cần phải chuyển qua nhánh hành pháp (tổng thống) để phê chuẩn hay bác bỏ dự luật đó. Tuy nhiên, Quốc hội sau đó cũng có thể vượt qua sự bác bỏ của tổng thống nếu có 2/3 thượng nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý ở thượng viện và 2/3 hạ nghị sĩ bỏ phiếu thuận ở hạ viện.

Tòa án Tối cao có thể kiểm soát Quốc hội bằng cách tuyên bố một đạo luật vi hiến hay Tòa án Tối cao cũng có thể kiểm soát tổng thống bằng cách tuyên bố sắc lệnh hành pháp vi hiến.

“Sau những ngày nhậm chức đầu tiên đầy náo động của Tổng thống Trump, cùng thực tế lưỡng viện nắm bởi đảng Cộng hòa sẽ ngoan ngoãn nghe lời tân tổng thống, nhánh tư pháp đã trở thành lằn ranh duy nhất ngăn cách chính quyền mới và viễn cảnh hiến pháp Mỹ rơi vào hỗn loạn” - Linda Greenhouse, nhà báo đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1998 cho tờ The New York Times, bình luận.

Theo Thanh Danh

Pháp luật TPHCM