1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump tính bổ nhiệm quan chức đặc biệt về Triều Tiên

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét khả năng bổ nhiệm một đặc phái viên phụ trách vấn đề Triều Tiên bên cạnh Ngoại trưởng Rex Tillerson sau khi Bình Nhưỡng phát tín hiệu đàm phán.

Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)
Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Getty)

CBS dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết chính quyền Trump đang xem xét khả năng bổ nhiệm một chuyên gia giữ vai trò là đặc phái viên phụ trách các vấn đề liên quan tới Triều Tiên bên cạnh Ngoại trưởng Rex Tillerson nếu các cuộc đối thoại giữa hai nước có thể diễn ra. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là đã thông báo với phía Hàn Quốc về ý định đàm phán với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Mặc dù chưa có quyết định chính thức được đưa ra, song thông tin Tổng thống Trump tính tới phương án bổ nhiệm đặc phái viên về Triều Tiên cũng phần nào cho thấy sự thiếu sót của chính quyền Mỹ trong việc xử lý một trong những vấn đề hóc búa nhất của chính sách đối ngoại.

Bộ Ngoại giao Mỹ đang thiếu trầm trọng đội ngũ các nhà ngoại giao cấp cao với bề dày kinh nghiệm để xử lý vấn đề Triều Tiên. Tuần trước, nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ về Triều Tiên, ông Joseph Yun, cũng đã thông báo quyết định thôi chức sau hàng chục năm gắn bó. Trong khi đó, Mỹ cho đến nay vẫn chưa bổ nhiệm vị trí đại sứ thường trực tại Hàn Quốc kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Vị trí trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về Đông Á hiện vẫn chưa được xác nhận, trong khi bà Susan Thornton mới chỉ được bổ nhiệm làm quyền trợ lý. Bộ trưởng Rex Tillerson vẫn đang cần một nhân vật đặc biệt chuyên xử lý vấn đề Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ cho biết chính quyền Trump đang cân nhắc tìm kiếm một chuyên gia bên ngoài Bộ Ngoại giao - người có đủ năng lực và kinh nghiệm để phụ trách vấn đề Triều Tiên. Chuyên gia này có thể sẽ chịu trách nhiệm chuẩn bị các cuộc đàm phán trước khi Ngoại trưởng Tillerson trực tiếp tham gia đàm phán.

Việc lựa chọn chuyên gia đặc biệt về Triều Tiên có thể cho thấy cách tiếp cận của chính quyền Trump trong bối cảnh tồn tại hai trường phái khác biệt trong nội các Mỹ về vấn đề này. Ngoại trưởng Tillerson cùng Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis kêu gọi gia tăng sức ép tối đa về kinh tế và cô lập ngoại giao với Triều Tiên để buộc Bình Nhưỡng bước vào bàn đàm phán. Trong khi đó, một số tiếng nói khác tại Nhà Trắng, bao gồm cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster, ủng hộ tiến hành cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Mỹ bằng chương trình vũ khí.

Thành Đạt

Tổng hợp