1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nước ở châu Á, cuộc khủng hoảng nhãn tiền

(Dân trí) - “Chúng tôi thực sự tin rằng châu Á đang rơi vào cuộc khủng hoảng nước và tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng”, chuyên gia quốc tế khẳng định sau khi dẫn con số dự báo đến năm 2030, khu vực có thể thiếu 40% nước so với nhu cầu.


Nước ở châu Á, cuộc khủng hoảng nhãn tiền - 1


80% lượng nước ở châu Á được dùng cho nông nghiệp

Tại Singapore vừa tổ chức Tuần lễ Nước Quốc tế hàng năm với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các doanh nhân và các chuyên gia nhằm mục tiêu xác định các giải pháp mới cho vấn đề nước và tìm ra các cơ hội kinh doanh. Những cảnh báo trên đã được các chuyên gia minh họa bằng thực tế những con số. Vấn đề là các chính phủ liệu đã sẵn sàng để thay đổi và tìm ra giải pháp đương đầu với cuộc khủng hoảng này hay chưa.

Châu Á đang phát triển bùng nổ nhưng nguồn nước của khu vực này đang cạn kiệt dần. Khi một lục địa không đủ khả năng đảm bảo đủ nguồn nước cho các đô thị cũng như các vùng nông thôn thì đây sẽ thực sự là một thảm họa. Theo ông Arjun Thapan, cố vấn cao cấp đặc biệt của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về lĩnh vực nước và cơ sở hạ tầng, viễn cảnh này sẽ trở thành hiện thực chỉ trong vòng 20 năm nữa.

Với 80% nước của châu Á được dùng cho tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, việc thiếu nước có thể dẫn đến những tác động nghiêm trọng đối với cung cấp lương thực. Trong khi đó, khoảng 10 đến 15% nước của châu Á dùng cho công nghiệp. Nhưng hiệu quả của việc dùng nước trong nông và công nghiệp chỉ tăng có 1% một năm kể từ năm 1990. Thapan cảnh báo trừ phi cải thiện triệt để tỷ lệ hiệu quả dùng nước trong cả nông nghiệp và công nghiệp, châu Á không thể thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu trong năm 2030.
 
Nước ở châu Á, cuộc khủng hoảng nhãn tiền - 2

Khí hậu thay đổi, kiểm soát tình trạng ô nhiễm kém và dùng nước hoang phí cũng là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng nước ngọt

Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ồ ạt là hai lý do dẫn đến cuộc khủng hoảng này nhưng chủ nghĩa tiêu dùng là lý do không kém phần quan trọng. Một ví dụ là mức tiêu thụ thịt của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vòng 20 năm qua và dự đoán sẽ tiếp tục tăng gấp đôi trong 20 năm nữa. Để sản xuất một kg thịt cần đến khoảng 35.000-70.000 lít nước và để sản xuất một kg gạo cần đến 10.000 lít nước.

Bộ trưởng Phát triển Dân tộc Singapore, Mah Bow Tan cho biết mỗi ngày có hơn 200.000 người từ các khu vực nông thôn di chuyển tới các thành phố hoặc thị trấn. Như vậy, cứ 3 ngày, một lượng người tương đương với một thành phố mới với dân số bằng Seattle hoặc Amsterdam lại xuất hiện. Đến năm 2050, 70% dân số toàn cầu sẽ sống trong các thành phố, tăng so với con số 50% ở thời điểm hiện tại. Thapan nói rằng “trừ phi châu Á lường được lượng nước được dùng và trả tiền cho lượng nước này, còn thì không còn cách gì có thể quản lý được nhu cầu”.

Một vấn đề nữa là khối lượng nước đã qua sử dụng ở châu Á phần lớn vẫn chưa được sử lý, dẫn đến tình trạng ô nhiễm các nguồn nước như sông hồ.

Trong số 412 con sông ở Philippines, 50 sông đã bị “khai tử” về mặt sinh học. Chỉ riêng việc làm sạch vịnh Manila và sông Pasig ở Manila đã tốn khoảng từ 2 đến 2,5 tỷ USD. Tại Trung Quốc, khoảng 50% lượng nước trên sông Hoàng Hà bị ô nhiễm đến mức không thể dùng cho nông nghiệp, và hơn 50% nước bề mặt ở lưu vực sông Hai của đất nước này không thể dùng cho bất kỳ mục đích nào. Ở Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, trong số các nước châu Á khác, có tổng lượng nước sẵn có trên đầu người một năm đã giảm xuống dưới 1.700m3 – ngưỡng quốc tế báo động về căng thẳng về nước khi mức cầu vượt quá lượng sẵn có trong một quãng thời gian nhất định.
 
Nước ở châu Á, cuộc khủng hoảng nhãn tiền - 3

300 triệu người ở khu vực nông thôn trên thế giới không được tiếp cận với nguồn nước sạch.

Những vùng như Đông Bắc Ấn Độ và Tây Bắc Trung Quốc đang đối mặt với việc thiếu nước trầm trọng và có thể dẫn đến việc cả cộng đồng dân cư phải di dời đi nơi khác. Nếu không đầu tư để đưa ra những sáng chế mới thì sẽ không thể tìm ra được giải pháp. Ở góc độ này, Singapore đã được nêu gương.

Singapore đặt mục tiêu trở thành nước đi đầu trong khu vực về kinh doanh nước. Quốc gia này là một ví dụ điển hình về việc đưa ra và thực hiện một giải pháp khả thi cho vấn đề nước, trong đó gồm áp dụng công nghệ tiên tiến để tái chế nước thải và đưa ra một mức giá thị trường để mua bán nước. Mỗi người dân ở nước này dường như đều ý thức được rằng nếu họ không sẵn sàng trả tiền cho việc sử dụng nước thì khủng hoảng chắc chắn sẽ bao trùm.

Ngoài ra, thực tế đã có những giải pháp được người dân áp dụng và cần được lưu ý cũng như được các chính phủ ghi nhận. Ví dụ như ở Ấn Độ hay Philippines, một biện pháp đơn giản là hứng nước mưa đã phát huy hiệu quả ở những vùng thiếu nước. Không nhất thiết cứ phải sử dụng những công nghệ tốn kém nhập khẩu từ các quốc gia phát triển. “Chúng ta có thời gian, nhưng một lần nữa, phần lớn lại phụ thuộc vào việc chúng ta thực thi các chương trình nhanh chóng hay không. Đây là vấn đề nghiêm trọng và nếu các chính phủ và cộng đồng không coi đó là vấn đề nghiêm trọng ngay từ bây giờ, những căng thẳng về nước sẽ tăng nhanh chóng”, chuyên gia của ADB nói.

Việt Hà