1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nước Nga năm 2017: Chờ đợi gì ở Tổng thống Putin?

2017 là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 6 năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây cũng là năm bản lề đánh dấu cho một cuộc chuyển giao chính trị.

Mềm dẻo và cân bằng hơn

Mặc dù một số người vẫn tỏ ý hoài nghi về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 vào năm 2018, song nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, giai đoạn 2012-2017 sẽ là nhiệm kỳ cuối của ông Putin. Giới chuyên gia hy vọng, ông Putin sẽ có những chính sách cũng như quan điểm thận trọng hơn để đặt nền tảng cho một cuộc chuyển giao chính trị.

Thông điệp liên bang hàng năm được ông Putin đưa ra hồi đầu tháng 12 có thể xem là một tín hiệu cho thấy nhà lãnh đạo này sẽ tỏ ra mềm dẻo và cân bằng hơn. Thông điệp năm nay của ông Putin mặc dù vẫn chứa đựng các quan điểm ủng hộ giới doanh nghiệp và xã hội như trước đây, song được đánh giá là khá “dịu giọng”.

Tổng thống Putin, người bị truyền thông phương Tây coi là một “kẻ quậy phá” sau cuộc xung đột ở Ukraine, đã kiềm chế những chỉ trích gay gắt vốn thường nhằm vào phương Tây. Thay vào đó, ông Putin chỉ nói rằng, mặc dù đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt, song các vấn đề kinh tế của Nga đơn thuần mang tính nội bộ.

Nước Nga năm 2017: Chờ đợi gì ở Tổng thống Putin? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra nhiều dự báo khả quan về nền kinh tế nước này. (Nguồn: Telegraph)

Konstantin Kalachev, một chuyên gia chính trị có mối liên hệ với Điện Kremlin, người miêu tả thông điệp liên bang vừa qua của ông Putin là một thông điệp mang tính hòa bình, bày tỏ hy vọng rằng vị Tổng thống Nga sẽ theo đuổi chính sách “cân bằng và trung dung nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.

Chuyên gia Kalachev cho rằng, mặc dù các lệnh trừng phạt kinh tế và giá năng lượng thấp đang làm tổn hại nền kinh tế Nga, nhưng Moscow vẫn cần tìm nhiều cách khác nhau để thúc đẩy tăng trưởng.

Bảo đảm ổn định trong nước

Các chuyên gia nhận định rằng, 2017 sẽ là một năm khó khăn đối với nước Nga, mặc dù ông Putin vẫn nhận được sự ủng hộ trên khắp cả nước. Theo bà Tatyana Golikova, người đứng đầu Viện Kiểm toán Liên bang Nga, Nga sẽ sớm đối mặt với các vấn đề kinh tế lớn bởi quỹ bình ổn quốc gia sẽ cạn kiệt trong năm 2017.

Việc nới lỏng các quy định cho doanh nghiệp quy mô nhỏ và triển khai các dự án cơ sở hạ tầng mới được chính phủ bảo trợ sẽ rất hữu ích, nhưng những người ủng hộ và chỉ trích các biện pháp này đều cho rằng, vấn đề lớn nhất mà Nga đang đối mặt là tình trạng tham nhũng tràn lan.

Nhiều người dự đoán Tổng thống Putin có thể sẽ bắt đầu các chiến dịch chống tham nhũng công khai hơn, thậm chí là nhằm vào cả những nhân vật trong nội các của ông. Điện Kremlin đã bày tỏ dấu hiệu rằng họ rất nghiêm túc trong việc bài trừ tệ nạn tham nhũng của giới quan chức sau vụ bắt giữ Bộ trưởng Kinh tế Alexei Ulyukayev vì bê bối hối lộ mới đây.

Tuy nhiên, chuyên gia Kalachev cho rằng, cuộc chiến này sẽ được tiến hành “không quá quyết liệt” để bảo đảm sự ổn định chung. “Điều căn bản mà người dân Nga coi trọng đó là sự ổn định”, chuyên gia Kalachev nhận định.

Chuyên gia chính trị cánh tả Nikolai Mironov, hiện làm việc tại viện nghiên cứu chính sách Trung tâm Cải cách Chính trị và Kinh tế, hy vọng Tổng thống Putin sẽ tập trung các nỗ lực để cải thiện tình hình an sinh xã hội đang có nhiều bất cập, đồng thời tăng chi tiêu dành cho giáo dục và y tế.

Theo ông Nikolai Mironov, những vấn đề như dân chủ và nhân quyền chỉ là thứ yếu đối với nhiều người Nga, an sinh xã hội mới là vấn đề quan trọng hơn. Trên thực tế, nguồn ngân sách để đáp ứng các nhu cầu này của Nga hiện đang rất eo hẹp.

Không nhiều người kỳ vọng Tổng thống Putin, một người theo quan điểm bảo thủ, sẽ chấp nhận các giá trị tự do, song nhiều chuyên gia hy vọng ông Putin có thể sẽ kiềm chế các nhóm chủ nghĩa dân tộc chủ nghĩa cực đoan, những người tự nhận rằng họ đang giúp đỡ Kremlin.

Thông điệp liên bang vừa qua của ông Putin có đoạn: “Tôi muốn nhấn mạnh rằng không ai có thể ngăn cấm ai được tự do phát biểu và bày tỏ ý kiến công khai”. Ông Putin thậm chí còn nói rằng, ông sẵn sàng xem xét lại luật về các tổ chức phi chính phủ (NGO), theo đó những tổ chức nào tham gia vào “hoạt động chính trị” sẽ bị gắn mác là “mật vụ nước ngoài”. Trong cuộc họp mới đây với các nhà hoạt động vì nhân quyền Nga, ông Putin nhất trí rằng, cụm từ “hoạt động chính trị” cần được định nghĩa cụ thể hơn.

Nhiều chuyên gia cho rằng để bảo đảm ổn định trong nước, ông Putin sẽ tìm cách “kết nối” mục tiêu chống các cuộc nổi dậy với những nỗ lực hạn chế mâu thuẫn giữa các phe phái chính trị khác nhau. Bên cạnh đó, căng thẳng với phương Tây cũng là điều cần ông Putin xoa dịu. Ý tưởng này ngày càng khả thi sau khi ông Donald Trump, người có tư tưởng mới mẻ, đắc cử Tổng thống Mỹ.

Simon Saradzhyan, Giám đốc Dự án Các vấn đề nước Nga thuộc Trường Chính phủ Kennedy (Đại học Harvard), cho rằng việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các thành viên chủ chốt trong EU “sẽ là một trong các ưu tiên của ông Putin trong năm tới”.

Nước Nga năm 2017: Chờ đợi gì ở Tổng thống Putin? - 2

Việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ là một trong các ưu tiên của ông Putin trong năm tới. (Nguồn: AP)

Ông Saradzhyan lý giải nhận định này của mình xuất phát từ thực tế khả năng thắng cử tổng thống của ông François Fillon - thuộc phe cánh hữu ở Pháp và ông Frank-Walter Steinmeier ở Đức, hai nhân vật ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ với Nga.

Ông Saradzhyan cho rằng, các chiến thắng này sẽ mở ra cho ông Putin cơ hội nới lỏng các lệnh trừng phạt của EU, “đặc biệt nếu có bất kỳ tiến triển nào trong việc thực thi thỏa thuận Minsk-2 và nếu ông Assad và các đồng minh, vốn được không quân Nga yểm trợ, ngừng tìm cách giành lại thêm lãnh thổ sau khi tái chiếm Aleppo”.

Tuy nhiên, theo ông Saradzhyan, trong khi ông Putin cố gắng bình thường hóa quan hệ với phương Tây, người ta cũng nên chuẩn bị trước cho việc nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục các nỗ lực để đảm bảo rằng cả Ukraine và Georgia không “thoát khỏi” vòng tay Nga để gia nhập NATO.

Ông Saradzhyan nói: “Ông Putin sẽ sẵn sàng hy sinh để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Nga trong khu vực, hy vọng đưa Nga hội nhập vào một liên minh kinh tế, chính trị và quân sự để giúp Nga trở thành một cực độc lập, nếu không muốn nói là không thể thiếu, trong trật tự thế giới cùng Mỹ và Trung Quốc”.

Theo Việt Nam và Thế giới/ Russia Beyond The Headlines