1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

"Nước Mỹ sẽ rất nhớ Barack Obama"

Nhà báo kì cựu David Brooks không ít lần bày tỏ quan điểm không ủng hộ các chính sách của Barack Obama, nhưng ông phải thẳng thắn thừa nhận: “Khi nhiệm kì Tổng thống sắp qua đi, tôi bỗng thấy một cảm giác kì lạ bao trùm: Tôi nhớ Barack Obama.”

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Doug Mills
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: Doug Mills

Tờ The New York Times vừa đăng tải một bài báo của cây viết kì cựu David Brooks, trong đó thể hiện những quan điểm thú vị của ông về Tổng thống sắp hết nhiệm kì – Barack Obama.

David Brooks viết: “Khi nhiệm kì Tổng thống cũ sắp qua đi, tôi bỗng thấy trong mình có một cảm giác kì lạ bao trùm: Tôi nhớ Barack Obama.

Rõ ràng, tôi từng nhiều lần bày tỏ sự không đồng tình và thất vọng với các chính sách của Barack Obama. Tôi hi vọng nhiệm kì Tổng thống mới sẽ mang đến những khởi đầu mới.

Nhưng trong quá trình tranh cử của các ứng viên Tổng thống, tôi cảm thấy các tiêu chuẩn dường như đang ngày càng bị hạ thấp. Nhiều người trong số đó không có những phẩm chất mà Obama có, những phẩm chất mà chúng ta coi là điều đương nhiên phải có ở một Tổng thống Mỹ.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà Obama có là sự chính trực. Ông Obama và chính quyền của mình gần như không dính líu tới bất cứ scandal nào. Trong khi các cựu Tổng thống như Reagan hay Clinton lại ghi dấu với những vụ bê bối như Iran-Contra hay Lewinsky.

Chúng tôi rất ít khi moi móc được những điều xấu về ông Obama. Cả ông và các nhân viên thân cận đều rất ngay thẳng. Trong khi bà Hillary Clinton thường xuyên phải tổ chức họp báo để giải thích về những việc bị cho là mờ ám mà bà đã làm, thì ông Obama không bao giờ phải làm việc tương tự.

Cả ông Obama và vợ ông đều chú trọng chọn lựa những nhân viên có lý lịch trong sạch. Người không đủ tiêu chuẩn không bao giờ được tham gia vào đội ngũ nhân viên của Obama.

Thứ hai, ông Obama là một người rất nhân đạo. Trong khi Donald Trump luôn khẳng định sẽ ngăn chặn những người Hồi giáo nhập cư, thì ông Obama lại hành động ngược lại. Ông đến một nhà thờ Hồi giáo, nhìn thẳng vào mắt những tín đồ đạo Hồi và đưa ra một bài phát biểu tuyệt vời khẳng định vị trí của họ như những người Mỹ.

Ông Obama luôn dành sự quan tâm đến quyền lợi và tôn trọng phẩm giá của người khác. Hãy tưởng tượng nếu bạn tham gia vào một tổ chức từ thiện nơi có Barack và Michelle Obama quản lý. Chắc hẳn bạn sẽ rất hạnh phúc khi được làm việc với những người như vậy. Sự nhân đạo của một Tổng thống thường được thể hiện trong những giây phút bất ngờ nhưng lại rất quan trọng.

Thứ ba, ông Obama luôn thận trọng mỗi khi đưa ra quyết định. Trong nhiều năm, tôi đã nói chuyện với nhiều người trong chính quyền - những người thất vọng vì ông Obama không làm theo lời khuyên của họ. Tuy nhiên, bản thân họ cũng cảm thấy rằng ý kiến của mình đã được ông Obama cân nhắc, chứ không hề bị gạt bỏ hoàn toàn.

Ông Obama luôn biết cách phát huy những giá trị của mình, làm những điều mình có thể tùy theo tình hình. Ngược lại, Bernie Sanders (một trong những ứng viên tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới) lại quá tập trung vào những giá trị của bản thân mà dường như không để ý đến tình hình thực tiễn.

Tổng thống Obama có lẽ cũng quá thận trọng, đặc biệt là trước những vấn đề liên quan đến tình hình Trung Đông, nhưng ít nhất ông vẫn có thể nắm bắt được tình hình thực tế.

Thứ tư, ông Obama có khả năng chịu áp lực cao. Tôi đã tình cờ nhìn thấy Marco Rubio (một trong những ứng viên tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tới) tỏ ra lo lắng, cầm vội chai nước, đổ mồ hôi như tắm và ăn nói mất tự nhiên trong một cuộc tranh luận. Điều đó cho thấy Marco Rubio rất... con người.

Trong khi đó, Obama dường như ít khi mất bình tĩnh như vậy. Tôi từng nghĩ có thể sự tự tin thái quá là một điểm yếu của Obama. Nhưng một Tổng thống luôn phải là người có khả năng bình tĩnh trước áp lực. Obama đã thể hiện điều đó, đặc biệt trong những cuộc khủng hoảng kinh tế.

Thứ năm, ông Obama là một người lạc quan. Khi nghe các ứng viên Sanders, Trump, Cruz và Ben Carson tranh luận, người dân Mỹ được thấy hình ảnh một đất nước đang trên bờ vực của sự sụp đổ. Đó là điều không đúng sự thật. Đúng là chúng ta có nhiều vấn đề, nhưng những vấn đề đó thậm chí không nghiêm trọng bằng những vấn đề mà nhiều quốc gia khác phải đối mặt.

Khi con người có hi vọng, có cơ hội, họ sẽ đưa ra những sự lựa chọn sáng suốt hơn việc phải lựa chọn trong nỗi sợ hãi, căm ghét và tuyệt vọng. Khác với các ứng viên tranh cử Tổng thống hiện tại, Obama không thể hiện sự bi quan về tình hình đất nước.

Ông Obama, theo tôi, chưa phải là hình mẫu lãnh đạo hoàn hảo. Ông thường thể hiện mình là người "khinh khỉnh, sống khép kín". Thế nhưng, trong một xã hội mà sự căm ghét đang leo thang thì chúng ta hẳn sẽ nhớ một Obama chỉn chu, nhân đạo, có cách cư xử đúng mực và sang trọng; cho dù bất kì ai thay thế cương vị Tổng thống của ông".

Theo Minh Hạnh/ New York Times

Tiền phong