Nữ nghệ sĩ piano Trang Trịnh: Mong muốn đưa âm nhạc cổ điển đến với khán giả quê nhà

Sinh năm 1986, Trang Trịnh bắt đầu theo học âm nhạc từ năm 4 tuổi và sớm bộc lộ năng khiếu. Lên 7 tuổi cô bắt đầu học piano tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh

Năm 2004 cô được nhận vào Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh (RAM). Cũng từ đây, Trang Trịnh lần lượt giành được nhiều giải thưởng âm nhạc quan trọng. Trong số này có giải nhất cuộc thi dành cho chương trình biểu diễn xuất sắc RAM năm 2007, giải nhất cuộc thi chọn người độc tấu tác phẩm "Điệu nhảy Thần Chết” của Franz Liszt tại London, giải nhì cuộc thi piano Lilian Davis (dành cho bài biểu diễn sonata Beethoven xuất sắc), giải nhì cuộc thi Beethoven RAM, London năm 2008; Giải thưởng Mozart cuộc thi Jacque Samuel năm 2009 và cô được mời biểu diễn tại khá nhiều liên hoan âm nhạc quốc tế…

Với quá trình học tập và trải nghiệm qua nhiều lần biểu diễn tại các buổi hòa nhạc lớn tại nhiều quốc gia châu Âu, Trang Trịnh tâm sự: "Theo như Trang được biết ở Việt Nam bây giờ số lượng người học và chơi piano đã tăng lên rất nhiều. Trang nhận thấy ở phương Tây, chẳng hạn nước Anh hiện có rất nhiều chương trình giảng dạy dành cho những nghệ sĩ trẻ. Như ở trường Hoàng gia Anh cũng có chương trình giảng dạy giúp các nghệ sĩ trẻ nhận biết được sự thay đổi của khán giả, sự thay đổi của thời đại và biết cách làm thế nào để trường phái âm nhạc của mình có thể tiếp tục sống và đến với công chúng hiện đại”.

Cũng theo lời Trang Trịnh: "Không giống như nước Anh, Trang cũng biết rằng việc dạy âm nhạc, nhất là bộ môn piano ở Việt Nam vẫn còn không ít những rào cản. Đầu tiên là về cơ sở vật chất, cơ hội để tiếp xúc với văn hóa phương Tây. Thật ra âm nhạc cổ điển không hẳn là một thể loại nghệ thuật riêng biệt mà nó gắn rất chặt chẽ cả với lịch sử và nghệ thuật, chẳng hạn như điêu khắc, hội họa, văn học… 

Điều thứ hai là phương pháp giảng dạy piano trên thế giới vẫn đang được cập nhật thường xuyên nhưng phương pháp dạy piano ở nước mình thực tế vẫn còn phải cập nhật nhiều hơn. Dĩ nhiên ở thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay với Youtube, các mạng xã hội cũng như sự phát triển của mạng internet cũng đã có nhiều hơn những cánh cửa để tìm hiểu về âm nhạc phương Tây cũng như văn hóa phương Tây”.

Dù còn khá trẻ tuổi nhưng Trang Trịnh vẫn luôn mong muốn đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng Việt Nam. Cô đã tổ chức các chương trình biểu diễn và cung cấp thông tin, thực hiện những dự án âm nhạc. Tại Việt Nam cô cũng có những buổi giới thiệu về âm nhạc cơ bản cho trẻ em mồ côi tại Center of Hope (Lập Thạch - Vĩnh Phúc) vào các năm 2007, 2008. Một dự án khác gần đây của Trang Trịnh mang tên "Rethinking Beethoven” được thiết kế đặc biệt cho giới trẻ đã được đánh giá là đầy sự sáng tạo, táo bạo và rất có giá trị giáo dục. 

Trang Trịnh nói thêm: "Trang còn có một số dự án nữa là các chương trình biểu diễn ở một số vùng miền ở Việt Nam. Chẳng hạn đã từng được triển khai lần đầu tiên vào tháng 2-2011 (mang tên Nhật ký Dương cầm) và vào cuối năm 2012 vừa qua (mang tên Beethoven Fantasy). Ở Việt Nam, một trong những điều khó khăn nhất để tổ chức một buổi biểu diễn piano chính là vấn đề tìm kiếm nguồn tài trợ bên cạnh việc chuẩn bị về mặt chuyên môn. Ngoài Hà Nội dự kiến các địa điểm tiếp theo trong thời gian tới sẽ là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ...”.

Theo Như Quỳnh
Đại Đoàn Kết