1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những “thám tử giấu mặt” trong cuộc săn lùng nghi phạm đánh bom Bangkok

(Dân trí) - Có mặt ở khắp mọi nơi và thuộc nằm lòng đường đi lối lại của thành phố, khoảng 100.000 tài xế xe ôm, taxi tại Bangkok đang được xem là những "thám tử giấu mặt", giúp bắt giữ các nghi phạm trong vụ đánh bom ngày 17/8.

Mạng lưới tai mắt

 

Những “thám tử giấu mặt” trong cuộc săn lùng nghi phạm đánh bom Bangkok - 1

Nghi phạm đánh bom. (Ảnh: Bangkok Post)

Tối 17/8, ông Kasem Pooksuwan đang ngồi chờ khách như thường lệ thì nghe thấy một tiếng nổ lớn, ngước lên nhìn thì khói đen đã bốc lên cuồn cuộn. Ông tin rằng có một vụ chập điện ở ở đâu đó, nhưng không có thời gian nghĩ thêm bởi một khách hàng áo vàng vừa tiến lại và muốn đi xe.

Trở lại điểm đỗ sau khi đưa vị khách kia đi, ông mới được biết một quả bom đã phát nổ ngay trên tuyến phố trung tâm mua sắm của Bangkok, khiến 20 người, chủ yếu là du khách, thiệt mạng. Vụ nổ còn khiến hơn 100 người khác bị thương.

Nhưng phải đến ngày hôm sau, khi cảnh sát công bố hình ảnh của nghi phạm, Kasem mới nhận ra rằng vị khách áo vàng mình từng chở chính là đối tượng bị truy nã. Cảnh sát nghi ngờ đây chính là người đã bỏ lại một chiếc ba lô chứa chất nổ bên ngoài ngôi đền Erawan của người theo đạo Hindu.

Thái Lan bắt nghi phạm mặc áo vàng trong vụ đánh bom Bangkok

 

Đến thứ Bảy vừa qua, cảnh sát bắt giữ một nam giới người nước ngoài 28 tuổi, cùng rất nhiều vật liệu chế tạo bom, bên trong một căn hộ ở ngoại ô phía Bắc Bangkok. Đây là một trong năm đối tượng tình nghi đang bị cảnh sát truy nã vì có liên quan đến vụ nổ. Động cơ và mục đích của thủ phạm vẫn chưa được làm rõ.

Trong quá trình truy lùng các nghi phạm, cơ quan chức năng Thái Lan dựa nhiều vào những người như Kasem. Ông là một trong số hơn 100.000 lái xe ôm, ngày ngày len lỏi khắp các ngõ ngách Bangkok, sẵn sàng đưa khách hàng nhanh chóng luồn qua đám đông kẹt xe, hoặc xuyên qua những con hẻm nhỏ hẹp. Họ cũng chính là một mạng lưới tai mắt khắp Bangkok, hàng ngày chuyên chở đủ loại khách để kiếm sống, với thu nhập đôi khi chỉ tương đương 10 USD/ngày

Trong vụ đánh bom đền Erawan, điểm đón khách của các xe ôm chính là nơi đầu tiên nhiều cảnh sát tìm đến. Đó là lí do vì sao Kasem, một người đến từ vùng nông thôn đông bắc Thái Lan, nhận ra mình có thể đã vô tình giúp nghi phạm tẩu thoát.

“Tôi vẫn còn sốc và cảm thấy có lỗi về sự việc này bởi tôi đã chở hắn ta”, Kasem nói. “Hàng đêm tôi trằn trọc không ngủ được, nhưng vẫn phải tiếp tục công việc bởi không thể làm khác”.

Kasem và những lái xe khác có thể từng chở nghi phạm trong năm nay đều mô tả y là một người nước ngoài cao, da trắng và nói tiếng Thái lơ lớ. Một điều tra viên giấu tên cho biết, thông tin thu thập được từ những tài xế xe ôm, tài xế taxi và xe tuk-tuk là “rất hữu ích” và “nhất quán”. Người này cho biết thêm tài xế xe ôm là nguồn lực độc đáo của cảnh sát.

“Bangkok là một nơi rất đặc biệt bởi chúng tôi có những lái xe ôm và xe tuk-tuk, trong khi những thành phố khác không có”, vị điều tra viên nói. “Chúng tôi phải nói chuyện với họ bởi họ có mặt ở những nơi gần hiện trường vụ án. Đây là điều đầu tiên chúng tôi cần làm”.

Hợp tác tự nguyện

Cảnh sát Bangkok và các tài xế tại đây có “lịch sử” hợp tác từ lâu, dù mối quan hệ không phải lúc nào cũng gần gũi. Không lâu sau khi xe ôm bắt đầu nở rộ tại Bangkok đầu những năm 1980, các tài xế đã buộc phải chi tiền cho cảnh sát để họ làm ngơ nhiều sai phạm, ví dụ như chiếm dụng đất công làm nơi đón khách.

motorcycle-taxi-police-1441116434191
Các tài xế xe ôm là nguồn thông tin hữu ích cho cảnh sát Bangkok (Ảnh: Nation)

Chính sự phụ thuộc này đã dẫn tới một hệ thống kiểm soát theo kiểu mafia, khi cảnh sát và một số quan chức địa phương “sở hữu” các điểm đậu xe taxi, và cho một số lượng hạn chế tài xế mặc áo khoác màu cam thuê lại kiếm lời.

Hình thức tổ chức sơ khai giữa các tài xế, cộng với những cải cách luật pháp gần đây đã giúp các tài xế taxi được chính quyền trao thêm quyền tự quản, và ghi nhận vai trò của họ. Tuy nhiên, dù đã có những nỗ lực để tuyển dụng và huấn luyện một số tài xế làm người cung cấp tin tự nguyện, hầu hết những hợp tác giữa các tài xế và cảnh sát đều dừng lại ở mức độ không chính thức.

Chalerm Changthongmadan, chủ tịch của một hiệp hội lái xe ôm, muốn tăng cường hợp tác hơn nữa giữa chính quyền và các lái xe, những người thuộc lòng thành phố hơn bất kỳ ai khác. Tuy vậy, vẫn còn có những khó khăn nhất định cản trở sự hợp tác hiếm có này.

“Mối quan hệ của chúng tôi với cảnh sát vẫn gặp khó khăn do vấn đề lòng tin”, ông Chalerm nói. “Trong suốt 30 năm kinh nghiệm, tôi từng thấy những nhân viên cảnh sát và quân đội làm việc cho các nhóm buôn bán ma túy. Và đôi khi chúng tôi bắt được một tên tội phạm và gọi cảnh sát tới thì họ từ chối ghi nhận vụ việc, lại còn trách mắng chúng tôi làm gián đoạn công việc của họ”.

Quyết tâm đóng góp cho xã hội

Khó có thể biết chính xác thông tin cảnh sát có được từ các tài xế xe ôm đã giúp ích ra sao trong vụ bắt giữ nghi phạm hôm 31/8. Tuy nhiên, cảnh sát khẳng định họ chính là những người lập công lớn nhất. Trong ngày thứ Hai, cảnh sát trưởng quốc gia Thái Lan tuyên bố các nhân viên của mình sẽ nhận phần thưởng 84.000 USD từng được hứa trao cho bất kỳ ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ nghi phạm

Về phần mình, ông Chalerm dự định sẽ thay đổi hình ảnh của các tài xế xe ôm trong mắt công chúng, vốn thường bị xem là những lao động nhập cư vô tổ chức từ các tỉnh nông thôn Thái Lan. Nhiều người trong số họ lớn lên từ những ngôi làng thuần nông tại khu vực đông bắc hẻo lánh, nghèo khó nhất Thái Lan và hoàn toàn khác xa Bangkok, nơi có những tòa nhà chọc trời cùng trung tâm mua sắm xa xỉ.

Hình ảnh của những tài xế nhập cư, cũng như nhiều người Bangkok khác, đã chịu nhiều tổn thương năm 2010, khi không ít người quyết định đứng về phía người biểu tình “áo đỏ” hậu thuẫn cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

“Chúng tôi thực sự muốn giúp ích cho xã hội”, Chalerm nói. “Và chúng tôi thực sự muốn mọi người xem mình là một phần tốt đẹp trong xã hội”.

Pichit Seerueangphan, một lái xe ôm đến từ miền tây Thái Lan đã được cảnh sát lấy lời khai về vụ đánh bom gần đây, cho biết ông thường giúp đỡ cảnh sát xử lý các vụ trộm cắp vặt, nhưng chưa từng tham gia truy lùng một nghi phạm khủng bố.

Thường thì những lần hợp tác của ông với cảnh sát diễn ra tự phát, cũng tương tự như tuần trước, khi ông nhảy xuống xe tại một giao lộ để giúp cảnh sát chặn một kẻ cướp giật túi xách. Nhưng ông cho biết sẵn sàng hỗ trợ theo bất kỳ cách nào có thể, và để ý nhiều hơn tới những người bước lên xe của mình.

Thanh Tùng

Theo CS Monitor

 

Những “thám tử giấu mặt” trong cuộc săn lùng nghi phạm đánh bom Bangkok - 3