1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những thách thức “cản đường” lãnh đạo Mỹ - Triều tìm tiếng nói chung

(Dân trí) - Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un đồng ý gặp mặt và đối thoại trực tiếp, tâm lý ngờ vực giữa hai quốc gia từng trải qua hàng chục năm căng thẳng có thể sẽ khiến kết quả của các cuộc đàm phán không được như kỳ vọng.

Binh sĩ Hàn Quốc bước qua màn hình lớn chiếu bản tin về Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại một nhà ga ở Seoul (Ảnh: Getty)
Binh sĩ Hàn Quốc bước qua màn hình lớn chiếu bản tin về Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại một nhà ga ở Seoul (Ảnh: Getty)

Thông qua chuyến đi của đặc phái viên Hàn Quốc tới Washington, Triều Tiên trong tuần này đã đánh tiếng rằng nước này sẵn sàng đàm phán với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa - điều mà Bình Nhưỡng chưa bao giờ nhượng bộ trước đây. Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un được cho là cam kết sẽ không tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian đối thoại với Mỹ, đổi lại Triều Tiên cần sự đảm bảo về an ninh. Tín hiệu “xuống thang” của Bình Nhưỡng dẫn tới một quyết định gây xao dư luận của Tổng thống Donald Trump. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng chấp thuận lời mời tổ chức cuộc gặp cấp cao với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Trong hàng chục năm qua, Mỹ và Triều Tiên đã chứng kiến nhiều nỗ lực thất bại trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Do vậy, hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo được kỳ vọng có thể mang lại những tiến triển tích cực. Tuy nhiên, ngay cả khi gạt sang một bên những quan ngại về phong cách lãnh đạo khó đoán của Tổng thống Trump và đặt giả thiết Triều Tiên thực sự nghiêm túc về việc phi hạt nhân hóa, triển vọng thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn phải tính đến một số rào cản lớn.

Khoảng cách lòng tin

Theo Washington Post, để Triều Tiên có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải thực sự cảm thấy chắc chắn một điều rằng, Mỹ sẽ không làm tổn hại tới chính quyền của ông. Điều này được cho là không dễ dàng, nhất là sau các động thái can thiệp của Washington tại Iraq và Libya trước đây.

Để có thể củng cố lòng tin vào Mỹ, Triều Tiên cần một sự bảo đảm từ chính cá nhân Tổng thống Trump, một nghị quyết từ Quốc hội Mỹ, hoặc vai trò của Trung Quốc như một bên bảo lãnh cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ngay cả khi những yêu cầu “khó khăn” trên được đáp ứng, điều đó cũng chưa chắc sẽ làm hài lòng Triều Tiên - một chính quyền luôn bị “ám ảnh” bởi tâm lý rằng Mỹ đang tìm cách lật đổ họ.

Về phần mình, Triều Tiên cũng gặp thách thức trong việc chứng minh sự tin cậy của họ sau hàng loạt vụ vi phạm thỏa thuận do chính Bình Nhưỡng đặt bút ký trong quá khứ. Phần lớn các nhà quan sát tin rằng Triều Tiên sẽ “lật lọng” và tiếp tục mở rộng chương trình hạt nhân trong vài tháng tới.

Để chứng minh thực sự nghiêm túc với việc phi hạt nhân hóa, chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải chấp thuận để các thanh tra viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tới Triều Tiên, không chỉ để thanh tra các cơ sở hạt nhân mà còn các căn cứ quân sự chưa được công bố của nước này. Đối với nhiều nước, đây đã là điều kiện khó chấp nhận, chứ chưa nói đến một quốc gia bí ẩn như Triều Tiên.

Hố sâu kỳ vọng

Các quan chức Mỹ, Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên năm 2008 tại Bắc Kinh (Ảnh: Getty)
Các quan chức Mỹ, Triều Tiên, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên năm 2008 tại Bắc Kinh (Ảnh: Getty)

Đối với Mỹ, viễn cảnh lý tưởng mà nước này mong muốn đạt được là chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng quay trở lại Tuyên bố chung tháng 9/2005 của cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, trong đó Bình Nhưỡng đồng ý phi hạt nhân hóa để đổi lại sự bảo đảm về an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, văn bản này không cấm Triều Tiên tiến hành các động thái khiêu khích khác như các hoạt động quân sự thông thường hay tấn công mạng.

Trong khi đó, điều Triều Tiên chờ đợi nhất ở Mỹ là Washington sẽ không áp đặt thêm các lệnh trừng phạt hay tiến hành các biện pháp gây khó dễ khác cho Bình Nhưỡng trong quá trình đàm phán. Năm 2005, Triều Tiên từng rút khỏi các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân khi Bộ Tài chính Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào một ngân hàng ở Macau vì nghi ngờ rửa tiền cho Triều Tiên. Mỹ khi đó cho rằng các lệnh trừng phạt Triều Tiên là hợp lý và không liên quan tới các vòng đàm phán 6 bên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không nghĩ như vậy.

Lịch sử dường như đã lặp lại. Vào ngày 6/3, khi Triều Tiên loan tin sẵn sàng đối thoại với Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo lệnh trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học.

Không cùng tiếng nói

Đối thoại Mỹ - Triều sẽ không đi đến đâu nếu cả hai nước không tìm được tiếng nói chung về mục tiêu cuối cùng sau các cuộc đàm phán. Rốt cuộc Mỹ có thể sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên, trong đó cam kết không gây khó khăn cho chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong un và sẽ bình thường hóa quan hệ để đổi lại cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, Triều Tiên có thể đang chờ đợi một cái kết hoàn toàn khác.

Chẳng hạn, ông Kim Jong-un có thể yêu cầu Mỹ chấm dứt liên minh với Hàn Quốc và rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên. Đây được cho là điều bất khả thi với Washington và Seoul, dù cho Bình Nhưỡng có sẵn sàng chấp nhận đánh đổi bằng cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân đi chăng nữa.

Để có thể thu hẹp khoảng cách, Mỹ và Triều Tiên có thể cùng nhau vạch ra những nguyên tắc chi tiết về cam kết chung nhằm ngăn ngừa việc đàm phán sụp đổ. Điều này đòi hỏi hai bên phải có các cuộc đàm phán “tiền trạm” toàn diện. Trên bàn đàm phán, Mỹ có thể tìm cách thúc đẩy một thỏa thuận toàn diện vượt ra ngoài phạm vi của chương trình hạt nhân Triều Tiên để tránh việc hai nước “vỡ mộng” về nhau như sau thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ không đồng ý mở rộng phạm vi đàm phán sang các lĩnh vực phi hạt nhân.

Thành Đạt

Tổng hợp