1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những lần cuộc giải cứu đội bóng Thái Lan suýt thành thảm họa

(Dân trí) - Đối mặt với vô vàn thách thức, chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan kéo dài hơn 2 tuần đã có lúc suýt trở thành thảm họa với những mất mát thậm chí có thể lớn hơn.

Những người quan tâm đã có thể thở phào nhẹ nhõm khi những thành viên cuối cùng của đội bóng nhí và đội cứu hộ thoát ra ngoài hang Tham Luang vào tối 10/7. Tuy nhiên, cách đây chỉ khoảng 2 tuần, chiến dịch giải cứu đội bóng vẫn bị coi là "nhiệm vụ bất khả thi" và thậm chí suýt trở thành thảm họa cho đến tận những phút cuối cùng.

Mất liên lạc suốt 23 giờ


Lực lượng SEAL từng mất liên lạc suốt 23 giờ với hai nhóm cứu hộ cử vào bên trong hang. (Ảnh: Getty)

Lực lượng SEAL từng mất liên lạc suốt 23 giờ với hai nhóm cứu hộ cử vào bên trong hang. (Ảnh: Getty)

Khi đội cứu hộ phát hiện xe đạp và đồ dùng cá nhân của đội bóng để lại ở cửa hang Tham Luang hôm 23/6, ban đầu họ vẫn nghĩ rằng cuộc tìm kiếm các cậu bé sẽ đơn giản. Tuy nhiên, sau một vài ngày tìm kiếm, họ đã nhận ra điều ngược lại khi phải đối mặt với không ít thách thức. Mưa lớn làm mực nước trong hang dâng lên nhanh, buộc đội cứu hộ phải quay trở ra.

"Chúng tôi chiến đấu nhưng thất bại, phải nhường chỗ cho nước", Tỉnh trưởng Chiang Rai Narongsak Osatanakorn, người chỉ huy chiến dịch cứu hộ, thừa nhận.

Khi lực lượng đặc nhiệm SEAL của Hải quân Thái Lan bắt đầu tiến sâu hơn vào trong hang lại tiếp tục đối mặt với thách thức khác đó là nước đục ngầu bùn đất làm giảm tầm nhìn của các thợ lặn trong khi đó nhiều đoạn trong hang hẹp, rất khó để tiến sâu vào bên trong.

"Chúng tôi chưa từng khám phá hang Tham Luang, bên trong rất tối", Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm SEAL, Chuẩn Đô đốc Apakorn Youkongkaew, cho biết.

Theo lời ông Apakorn, ban chỉ huy SEAL thậm chí đã mất liên lạc suốt 23 giờ đồng hồ với hai nhóm cứu hộ được điều vào trong hang.

Chạy đua với thời gian khi nước trong hang có nguy cơ dâng lên trong khi lượng oxy cạn kiệt, đội cứu hộ buộc phải lựa chọn phương án mà theo đánh giá là nguy hiểm: thợ lặn kèm cầu thủ vượt qua đoạn hang ngập nước.

Wang Yingjie, người đứng đầu nhóm cứu hộ Trung Quốc tham gia chiến dịch giải cứu, cho biết hôm qua 11/7: “Khi bắt đầu chiến dịch cứu hộ, tôi không dám chắc điều gì. Nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Khi thấy cậu bé đầu tiên được đưa ra tôi cảm thấy chúng tôi đã thành công bước một. Khi thấy cậu bé thứ hai được đưa ra thì tôi cho rằng kế hoạch của chúng tôi chắc chắn có hiệu quả”.

Chuyên gia này cho biết thêm, trong chiến dịch cứu hộ, vấn đề khác biệt ngôn ngữ không trở thành rào cản bởi các nhân viên cứu hộ cố gắng sử dụng những thuật ngữ chuyên ngành.

Suýt mắc kẹt vào phút chót


Hệ thống bơm bất ngờ trục trặc sau khi giải cứu thành công thành viên cuối cùng đội bóng khiến đội cứu hộ suýt mắc kẹt. (Ảnh: AFP)

Hệ thống bơm bất ngờ trục trặc sau khi giải cứu thành công thành viên cuối cùng đội bóng khiến đội cứu hộ suýt mắc kẹt. (Ảnh: AFP)

Các thợ lặn Australia hôm qua cho biết với Guardian rằng, đội cứu hộ suýt đối mặt với thảm họa sau khi đưa thành viên cuối cùng của đội bóng ra khỏi hang.

Họ cho biết, khoảng vài giờ sau khi thành viên cuối cùng của đội bóng Lợn Rừng được giải cứu, hệ thống bơm chính dùng để hút nước khỏi hang suốt hơn 2 tuần qua bất ngờ trục trặc, nước trong hang bắt đầu dâng lên nhanh chóng.

Lúc này vẫn còn khoảng 100 nhân viên cứu hộ ở lại trong hang làm nhiệm vụ thu hồi các bình dưỡng khí. Một thợ lặn Australia cho biết, anh đã nghe thấy những tiếng hét lớn vọng từ phía sâu trong hang.

Nước ngập hốc thứ 3 của hang (cách cửa hang khoảng 2km), rồi hốc thứ hai, hốc thứ nhất. May mắn thay, các đặc nhiệm và đội cứu hộ kịp nhận thấy nước dâng lên nhanh nên đã nhanh chóng rời khỏi hang. Nhờ đó đội cứu hộ đã tránh được nguy cơ bị mắc kẹt lại trong hang giống đội bóng.

Minh Phương

Theo Guardian