1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Những điểm mấu chốt trong thỏa thuận hòa bình mới cho đông Ukraine

(Dân trí) - Kiev và lực lượng ly khai thân Nga ngày 12/2 đã nhất trí một lộ trình hòa bình sau các cuộc đàm phán marathon tại Minsk, Belarus với sự tham gia của lãnh đạo Nga, Pháp, Đức và Ukraine.

Lãnh đạo các nước tại Minsk, Belarus ngày 12/2 (Ảnh:
Lãnh đạo các nước tại Minsk, Belarus ngày 12/2 (Ảnh: AFP)

Thỏa thuận mới kêu gọi một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ ngày 15/2 và một vùng đệm mở rộng quanh chiến tuyến, với việc hai bên rút các vũ khí hạng nặng.

Kế hoạch hòa bình, được dựa trên một thỏa thuận thất bại trước đó được ký kết ở Minsk hồi tháng 9 năm ngoái, cũng vạch ra lộ trình cho sự tự trị tại các khu vực do phe ly khai kiểm soát ở đông Ukraine.

Dưới đây là những điểm chính trong thỏa thuận hòa bình mới:

1. Ngừng bắn toàn bộ và ngay tức thì tại các khu vực Donetsk và Lugansk từ ngày 15/2.

2. Rút tất cả các vũ khí hạng nặng để tạo thành một vùng đệm, có chiều rộng ít nhất 50 km đối với pháo 100 mm hoặc hơn, 70 km đối với các hệ thống phóng đa rocket, hoặc 140 km đối với các hệ thống phóng đa rocket Tornado và các loại khác.

Việc rút các vũ khí hạng nặng phải bắt đầu vào ngày thứ 2 sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, tức là ngày 17/2, và diễn ra trong thời gian không quá 14 ngày.

3. Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) sẽ kiểm tra lệnh ngừng bắn và việc rút vũ khí hạng nặng từ ngày đầu tiên, và có thể sử dụng vệ tinh cũng như máy bay do thám để giám sát.

4. Trong ngày đầu tiên sau khi rút các vũ khí hạng nặng, các cuộc đàm phán phải được khởi động về việc tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tại Lugansk và Donetsk cũng như về chính quyền tương lai tại các khu vực do phe ly khai kiểm soát, dựa trên luật pháp Ukraine cho phép các khu vực này có quyền tự trị tạm thời.

Trong vòng 30 ngày, quốc hội phải thông qua một sắc lệnh phân định khu vực địa lý nơi sẽ có quyền tự trị, dựa trên thỏa thuận hồi tháng 9.

Các khu vực ly khai có quyền quyết định ngôn ngữ họ sử dụng.

5. Một bộ luật phải có hiệu lực nhằm đảm bảo việc ân xá cho những người liên quan trong cuộc xung đột tại Donetsk và Lugansk. Họ sẽ không bị truy tố và trừng phạt.

6. Thả và trao đổi tất cả các con tin và các tù nhân bị bắt giữ trái phép, bắt đầu 5 ngày sau khi rút các vũ khí hạng nặng.

7. Đảm bảo việc phân bổ và tiếp cận nguồn viện trợ nhân đạo.

8. Hai bên phải hành động tiến tới việc phục hồi các mối quan hệ kinh tế và xã hội, trong đó có thuế và việc chi trả lương hưu.

Ukraine sẽ phục hồi hệ thống ngân hàng tại các khu vực xung đột, với khả năng sẽ có một cơ chế quốc tế sẽ hỗ trợ việc chuyển tiền.

9. Ukraine phải được trao quyền kiểm soát toàn bộ biên giới quốc gia dọc khu vực chiến sự. Tiến trình này có thể bắt đầu vào ngày sau khi diễn ra các cuộc bầu cử địa phương và phải hoàn thành vào cuối năm 2015, với điều kiện các cải cách hiến phép theo điều 11 phải được thực thi.

10. Rút toàn bộ các nhóm vũ trang, phương tiện quân sự nước ngoài và lính đánh thuê khỏi Ukraine. OSCE sẽ giám sát quá trình này. Giải trừ quân bị đối với tất cả các nhóm trái phép.

11. Một hiến pháp mới của Ukraine, với sự nhất trí của các đại diện từ Donetsk và Lugansk, phải có hiệu lực vào cuối năm 2015, cho phép phi tập trung hóa quyền lực. Việc thực hiện luật về tình trạng đặc biệt của các khu vực ly khai cũng kết thúc vào cuối năm 2015.

12. Các cuộc bầu cử địa phương tại các khu vực ly khai sẽ được tổ chức và do OSCE giám sát nhưng chưa ấn định ngày cụ thể.

13. Tăng cường hoạt động của nhóm liên lạc 3 bên, trong đó có việc thành lập các nhóm công tác để thực thi kế hoạch hòa bình.

Thỏa thuận ngày 12/2 được ký bởi nhóm tiếp xúc Ukraine - các lãnh đạo phe ly khai Donetsk và Lugansk, cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, Đại sứ Nga tại Kiev Mikhail Zurabov, đặc phái viên của OSCE Heidi Tagliavini.

An Bình
Theo AFP