1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bầu cử Afghanistan:

Những con số và các kịch bản sắp diễn ra

(Dân trí) - Chính phủ Afghanistan tuyên bố “hài lòng” với số cử tri tham gia cuộc bầu cử ngày 20/8. Dư luận thế giới cũng đánh giá sự kiện lịch sử này là thành công. Nhưng sau thành công là những con số đáng suy nghĩ và những dấu hỏi khiến không chỉ Afghanistan phải đau đầu.

 
Những con số và các kịch bản sắp diễn ra  - 1
Kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố vào ngày 3/9.
 
Những con số "biết nói"

17 triệu cử tri đã đăng ký tham gia cuộc bầu cử tổng thống và hội đồng địa phương tại 7.000 điểm bỏ phiếu, trong tổng số 33 triệu dân, nhưng Ủy ban Bầu cử thừa nhận con số đi bầu sẽ thấp hơn - có thể dưới 50% số cử tri đăng ký, vì lo ngại bạo lực. Kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố vào ngày 3/9 và kết quả cuối cùng 2 tuần sau đó. 

Có tất cả 41 ứng cử viên tổng thống, trong đó có 2 phụ  nữ, nhưng sau đó báo chí nước này đưa tin khoảng 10 ứng cử viên đã rút lui và chỉ có 1 người chính thức thông báo cho Ủy ban Bầu cử. Ngoài ra, bầu cử hội đồng cấp tỉnh có 3.196 ứng cử viên, bầu 420 ghế cho các hội đồng ở 34 tỉnh. Ít nhất1/4 số ghế hội đồng cấp tỉnh dành cho phụ nữ. 

Cho dù khoảng 100.000 lính phương Tây, trong đó có 63.000 lính Mỹ, cùng 90.000 binh sĩ và 90.000 cảnh sát Afghanistan đã được triển khai bảo vệ bầu cử, nhưng ngay trong ngày bỏ phiếu, đã xảy ra hơn 130 vụ tấn công của Taliban hoặc đọ súng giữa nhóm này với lực lượng an ninh. Ít nhất 27 người thiệt mạng, biến vấn đề bạo lực trở thành mối quan tâm hàng đầu trong chính “ngày lịch sử” của Afghanistan.

Cuộc bầu cử do chính ủy ban bầu cử của Afghanistan điều hành, với chi phí khoảng 223 triệu USD, trong đó các nhà bảo trợ đã hỗ trợ 220 triệu USD. Một số tổ chức quốc tế đã cử người đến quan sát. 

3 kịch bản kết quả bầu cử

Nếu hai ứng cử viên chính là Tổng thống đương nhiệm Hamid Karzai và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Abdullah Abdullah đều không giành được quá 50% số phiếu, cử tri Afghanistan phải lần thứ hai đi bỏ phiếu - dự kiến là ngày 1/10. Nhưng một vòng bỏ phiếu thứ hai đồng nghĩa với ít nhất 6 tuần bất ổn và tạo cơ hội nữa cho Taliban leo thang bạo lực.

Nếu ông Karzai là ứng cử viên duy nhất thắng cử với hơn 50% số phiếu, người ta phải tính đến thực tế: Ông này đã từng giành hơn 55% phiếu trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên năm 2004 và lập tức vấp phải sự phản đối của một số thủ lĩnh đối lập. Cho dù hiện tại, ông Karzai vẫn là ứng cử viên được ủng hộ nhất, thì người Afghanistan vẫn có những quan điểm khác nhau về ông. Chiến thắng của ông Karzai ngay từ vòng một có thể làm tăng nguy cơ bạo loạn trong nước nếu phe đối lập không chấp nhận kết quả, mặc dù đối thủ chính của ông đã bác bỏ khả năng những người ủng hộ ông sẽ xuống đường. 

Đó là chưa kể đến những cáo buộc gian lận bầu cử. Nếu có, nó sẽ làm tiêu tan mục đích chính của phương Tây là bảo đảm một cuộc bỏ phiếu hợp pháp và đáng tin cậy tại một đất nước mà tỷ lệ mù chữ rất cao và thiếu kỹ thuật để đảm bảo cho một cuộc kiểm phiếu chính xác. 

Điều người Afghanistan muốn và người Mỹ muốn

Afghanistan là một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Chiến tranh liên miên suốt 3 thập kỷ qua đã làm kiệt quệ nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến giáo dục - khiến chỉ có 1/3 dân số biết chữ. Cơ sở hạ tầng giao thông cực kỳ xuống cấp. Các phần tử nổi dậy Taliban mạnh hơn bao giờ hết kể từ khi lực lượng này bị đuổi khỏi Kabul 8 năm trước. Một hệ thống cơ quan pháp luật và bảo vệ an ninh nghèo nàn, không có khả năng ngăn chặn tham nhũng và những việc làm sai trái. 

Cuộc bầu cử là  phép thử với nỗ lực suốt 8 năm qua của chính phủ Afghanistan, còn người Afghanistan hy vọng cuộc bầu cử sẽ tiếp thêm sinh lực cho Afghanistan giải quyết những những vấn đề của nước này như buôn bán ma túy, tham nhũng và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp. 

Cuộc chiến ở  Afghanistan được gọi là “cuộc chiến của Obama”, nên với với Mỹ, kịch bản đáng lo ngại nhất sẽ là một kết quả bầu cử bị người dân Afghanistan coi là không đáng tin. Họ sẽ không còn hy vọng nhiều cũng như ủng hộ chính quyền mà Mỹ đã lựa chọn thay thế chế độ Taliban. Chưa hết, đây cũng là phép thử với Tổng thống Obama, khi hiện tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ đối với cuộc chiến này đã giảm xuống mức thấp nhất. 

Ngoài ra, nếu không ứng cử viên nào thắng được hơn 50% số phiếu, cuộc bầu cử vòng hai sẽ càng kéo theo những tháng ngày bất ổn ở Kabul và trên khắp Afghanistan, đẩy Lực lượng Hỗ trợ Hòa bình quốc tế do Mỹ đứng đầu ở nước này vào thế khó khăn mới. 

Dù vậy, lãnh đạo nhiều nước - trong đó có Mỹ và Anh, cùng Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đều có chung đánh giá là cuộc bầu cử đã diễn ra tốt đẹp. Nhà Trắng tuyên bố chính sách của Mỹ về cuộc chiến tranh đã kéo dài 8 năm này vẫn không thay đổi, cho dù cuộc bầu cử cho kết quả như thế nào. 

Nguyễn Viết
Tổng hợp