1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Kỷ vật của người lính họ Phan

“Nhìn những kỷ vật này tôi như thấy con trai của mình”

(Dân trí) - Đôi tay già nua lật từng trang giấy đã nhuốm màu thời gian, hình ảnh thân yêu của người con bỗng ùa về khiến bà Hiểu không cầm nổi nước mắt. “Cảm ơn ông, nhìn những kỷ vật này tôi như thấy con trai của mình”.

“Nhìn những kỷ vật này tôi như thấy con trai của mình”
Cựu binh Úc cúi mình trao kỷ vật cho người mẹ chiến sĩ họ Phan
 
Từ TPHCM lên đường về Đồng Nai trong buổi sáng nhẹ nắng, gương mặt của ông cựu binh Úc Laurens Wildeboer không giấu nổi sự hồi hộp. Ông sắp đối mặt với giây phút mà mình đã phấp phỏng suốt 43 năm qua “nhiều lúc tôi cảm thấy lo sợ bởi không biết điều gì sẽ xảy đến với tôi khi gặp người thân của các chiến sĩ Việt Nam trước đây”.
 
Nỗi niềm của người cựu binh trong thoáng chốc được xua tan khi những bước chân của ông đặt xuống mảnh đất nơi gia đình người lính họ Phan đang sinh sống. Biết có đoàn khách nước ngoài đến thăm nhà, bà Phan Thị Thúy (người em gái thứ năm của chiến sĩ họ Phan) đã đứng chờ sẵn dưới lũy tre đầu ngõ đon đả chào. Hai ngôn ngữ thuộc hai dân tộc khác nhau nhưng họ đều hiểu, tình người đang đưa họ xích lại gần nhau để xóa đi mọi khoảng cách.
 
“Nhìn những kỷ vật này tôi như thấy con trai của mình”
Bà Hiểu nghẹn ngào lật từng trang giấy lưu nét chữ của người con trai
 
“Nhìn những kỷ vật này tôi như thấy con trai của mình”
Tay nắm chặt tay và món quà đầy ý nghĩa của những người bạn Úc

Đôi chân của Wildeboer như chùng xuống khi bắt gặp ánh mắt hiền hậu của người mẹ chiến sĩ họ Phan. Ông cẩn trọng mở chiếc hộp mình đã gìn giữ suốt 43 năm qua “Thưa bà, vào tháng 3 năm 1969 tôi đã tìm được một số vật dụng của những người lính Việt Nam trong đó có 2 cuốn sổ với những hình ảnh rất đẹp. Bao nhiêu lâu nay tôi luôn ao ước sẽ mang những kỷ vật này để trao lại cho người thân của những người lính anh hùng… Đây là chữ viết của con trai bà bà! Và đây là chiếc khăn đi cùng với quyển sổ khi tôi tìm được chúng, nó cũng có thể là của con trai bà.” Ông Wildeboer run run truyền những kỷ vật sang tay người mẹ già sau gần nửa thế kỷ gìn giữ.

Bên cạnh những kỷ vật của người lính họ Phan, ông Wildeboer còn trao tặng bà Hiểu cùng gia đình một chú chuột túi bông, một lá cờ nhỏ của đất nước ông và chiếc khăn khác được mang đến từ Úc: “Tôi mong bà đón nhận chiếc khăn của con mình cùng chiếc khăn này và gìn giữ chúng như gìn giữ tình cảm gắn kết của hai nước Việt - Úc.” Ngoài ra đoàn cựu binh người Úc còn photo tặng gia đình cuốn sổ tay có ghi chép nhiều bài thơ trong đó có bài “lá thư xuân”.
 
“Nhìn những kỷ vật này tôi như thấy con trai của mình”
Nén nhang thơm thay cho lòng cảm phục của ông Wildeboer

Như một hành động cảm ơn chia sẻ nỗi đau mất mát với bà Hiểu, vị cựu binh người Úc nghẹn ngào cúi mình đặt nụ hôn lên gò má đã sạm đi vì thời gian của bà. Ông nghẹn ngào: “Tôi vô cùng cảm phục con trai bà và những người lính Việt Nam, họ đã chiến đấu không tiếc máu xương để bảo vệ đất nước mình.” Đáp lại tấm thiện tình ấy, bà Hiểu chia sẻ: “Tôi rất quý mến và vô cùng cảm ơn các ông, 43 năm qua các ông đã gìn giữ kỷ vật của con tôi để giờ đây lặn lội từ bên ấy (nước Úc – PV) sang đây trao lại cho tôi. Con tôi mất đến giờ vẫn chưa tìm được phần mộ nhưng nhìn những kỷ vật này tôi như thấy con trai của mình.”

Bà Hiểu bùi ngùi nhớ lại, đúng đêm rằm tháng 8 năm 1970 người con trai của bà bất ngờ từ đơn vị trở về nhà. “Sau khi ăn bánh trung thu tôi vừa thắp nhang, thằng Hai nó cầm đèn soi khắp mặt các em đang nằm trong hầm rồi trở lại đơn vị. Hai mươi ngày sau gia đình nhận được tin báo nó đã hy sinh. Mãi sau này tôi mới biết nó mất là do lọt vào ổ phục kích của giặc khi trở lại đơn vị trong đêm về thăm nhà.”
 
“Nhìn những kỷ vật này tôi như thấy con trai của mình”
Ông Wildeboer chia sẻ: "Chắc chắn tôi sẽ còn trở lại Việt Nam"

Rời gia đình bà Hiểu, trong nỗi xúc động lâng lâng ông Wildeboer cho biết: “Sau chuyến đi này chắc chắn tôi sẽ còn trở lại Việt Nam, đất nước và con người của các bạn thật đẹp, thật thân thiện. Tôi rất yêu quý các bạn. Các bạn đã chiến đấu để giành lại hòa bình độc lập, tôi muốn góp một phần công sức của mình để củng cố nền hòa bình và xây dựng đất nước của các bạn ngày càng giàu đẹp hơn.”

Để minh chứng cho điều đó, ông Wildeboer quay sang phía vợ mình: “Roni - vợ tôi nhiều năm nay đã đến Việt Nam, bà ấy rất hăng say với việc giúp đỡ trẻ em tại những trại trẻ mồ côi trên khắp đất nước của các bạn. Tôi hy vọng sắp tới mình cũng sẽ làm được những điều thật tốt đẹp cho các bạn.”

Vân Sơn – Trung Kiên