Nhiều thành phố của Mỹ trước nguy cơ bị nước biển "nhấn chìm"
(Dân trí) - Một nghiên cứu mới nhất cho thấy nhiều thành phố của Mỹ đang đối diện với nguy cơ bị "nhấn chìm" trong hàng chục năm tới do tình trạng nước biển dâng vì biến đổi khí hậu.
CNN ngày 12/7 đưa tin, một nghiên cứu do Liên minh các nhà khoa học quan tâm (UCS) có trụ sở tại Mỹ thực hiện đã chỉ ra rằng nhiều thành phố của Mỹ, cả to lẫn nhỏ, có thể bị "nhấn chìm" trong giai đoạn 20, 40 hoặc 80 năm tới do nước biển dâng.
Chuyên gia phân tích về biến đổi khí hậu của UCS, bà Erika Spanger-Seigfried, cho hay: "Trong khoảng từ 165-180 cộng đồng dân cư sẽ đối diện với nguy cơ bị ngập lụt thường xuyên trong vòng 15 đến 20 năm tới, trong khi con số này là 270-360 cộng đồng trong khoảng 40 năm tới, và vào cuối thế kỷ 21 là khoảng 490 cộng đồng bị ảnh hưởng, tuỳ vào tình trạng nước biển dâng. Khi nước biển dâng cao hơn, con số cộng đồng bị ảnh hưởng sẽ là 670".
Theo nghiên cứu, khoảng 30 thành phố của Mỹ với dân số hơn 100.000 người sẽ đối mặt với tình trạng ngập lụt thường xuyên vào năm 2100. Trong một dự báo nghiêm trọng hơn, 50 thành phố của Mỹ, trong đó có các thành phố lớn như Boston, Miami, Oakland và 4 khu vực thuộc thành phố New York, sẽ đối diện với nguy cơ ngập lụt thường xuyên.
Trong báo cáo, ông Benjamin Strauss, Phó Chủ tịch Trung tâm Khí hậu về Mực nước Biển và Tác động Khí hậu, nhận định: "Nghiên cứu cho thấy mức độ nước biển dâng cao sẽ tác động trực tiếp tới chúng ta như thế nào. Số người có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng lụt có thể sẽ tăng nhanh cùng trong giai đoạn nước biển tăng".
Theo dự báo, số lượng các thành phố ở Mỹ bị ảnh hưởng bởi tình trạng ngập lụt vào năm 2035 bao gồm các thành phố dọc vùng duyên hải Jersey và ở các vùng thuộc bang Bắc Carolina, nam Louisiana. Vào năm 2060, danh sách này sẽ có thêm các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng ở những thành phố thuộc các bang Texas, Florida, Maryland...
Đi tìm giải pháp?
Các khu vực ven biển Mỹ bị ngập lụt do nước biển dâng vì bão Sandy (ảnh trên) và dự báo tình trạng ngập lụt thường xuyên vào năm 2100 (Ảnh: UCS)
Cũng theo nghiên cứu, người dân của khoảng 500 thành phố tại Mỹ sẽ phải đối mặt với một sự lựa chọn vào cuối thế kỷ này: tìm cách giảm nhẹ tác động của tình trạng ngập lụt hay là từ bỏ nhà cửa? Bà Spanger-Siegfried nhận định: "Hàng trăm thành phố và thị trấn duyên hải của Mỹ sẽ không thể hoạt động bình thường khi bị tác động bởi tình trạng ngập lụt do nước biển dâng cao trong tương lai".
Tuy nhiên, vấn đề chi phí để chống lại tình trạng ngập lụt được cho là quá cao và chỉ là những giải pháp tạm thời. Báo cáo đã kêu gọi các thành phố cần ngay lập tức đưa ra những quyết định liên quan để hạn chế những ảnh hưởng của ngập lụt. Ngoài ra, trong báo cáo, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, đồng thời bày tỏ quan ngại về việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút khỏi thoả thuận này.
Bà Spanger-Siegfried nói: "Chúng tôi muốn giúp người dân và các cộng đồng hiểu về mối đe doạ ngập lụt đang xảy đến. Chúng tôi muốn giúp họ có cảm nhận rõ ràng về khoảng thời gian mối đe doạ xảy ra trước khi đưa ra các quyết định về công việc, cũng như vạch ra các giải pháp mà chúng ta có thể thực hiện để kiềm chế và giải quyết mối đe doạ từ ngập lụt".
Bà Spanger-Siegfried cũng cho rằng các cá nhân và cộng đồng không thể tự mình giải quyết mối đe doạ trên. "Các cơ quan liên bang cần phải nhận thức rõ về vấn đề nước biển dâng lên và coi đây là mối đe doạ thực sự với an ninh quốc gia. Từ đây, các giải pháp mới nhận được những chính sách hỗ trợ và ngân sách để triển khai".
Ngọc Anh