1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật báo động hạt nhân bằng thảm họa Chernobyl

(Dân trí) - Nhật Bản đã quyết định nâng báo động hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I từ mức 5 lên mức 7 - mức cao nhất theo thang báo động hạt nhân của quốc tế và bằng với báo động của vụ Chernobyl, nguồn tin chính phủ hôm nay xác nhận.

 
 
Nhật báo động hạt nhân bằng thảm họa Chernobyl - 1
Tin tức căng thẳng quanh Fukushima I lại xuất hiện, giữa những đợt dư chấn

Nguồn tin thân Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết chính phủ đã quyết định nâng báo động lên mức cao nhất theo Thang Sự cố Hạt nhân Quốc tế (INES), mức số 7 - mà cho đến trước thời điểm đó mới chỉ được áp dụng cho sự cố Chernobyl năm 1986.

Mức báo động số 5 áp dụng ngay trước đó tại Fukushima I bằng với mức báo động với sự cố Three Mile Island ở Mỹ năm 1979.

Uỷ ban An toàn Hạt nhân Nhật Bản hôm qua công bố đánh giá sơ bộ cho biết nhà máy điện hạt nhân Fukushima I có thời điểm có thể đã phát tán tới 10.000 terabecquerel phóng xạ một giờ. Nhật Bản cần xem xét nâng báo động hạt nhân lên mức cao nhất.

Chính phủ có quyết định trên cùng lúc có tin ở Fukushima I lại xảy ra hoả hoạn, nhưng người ta không nhìn thấy khói hay ngọn lửa bốc lên từ đây. Theo người phát ngôn của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), ngọn lửa bùng lên tại lò phản ứng hạt nhân số 4, nhưng sau đó đã được dập tắt.

Mức độ phóng xạ quanh lò phản ứng không có gì thay đổi.

Theo các nguồn tin chính phủ hôm qua, con số 10.000 terabecquerel phóng xạ một giờ khiến chính phủ phải cân nhắc nâng mức báo động về mức độ nguy hiểm từ nhà máy bị động đất/sóng thần tàn phá này lên số 7 - mức tồi tệ nhất theo thang điểm quốc tế, từ mức số 5 hiện nay.

Theo tính toán của INES, sự cố báo động ở mức số 7 tương ứng với sự phát tán vào môi trường lượng phóng xạ bằng hơn 10.000 terabecquerel phóng xạ i ốt 131. Một terabecquerel bằng 1 nghìn triệu becquerel (đơn vị đo phóng xạ trong hệ thống đo lường quốc tế).

Ông Haruki Madarame, chủ tịch Uỷ ban An toàn Hạt nhân Nhật Bản, nói cơ quan này ước tính lượng phát tán tới 10.000 terabecquerel phóng xạ một giờ đã tiếp diễn trong nhiều giờ. Lượng phóng xạ phát tán đã giảm, nhưng cơ quan này vẫn đang kiểm tra.

Phát ngôn viên chính phủ Nhật hôm qua tuyên bố là nguy cơ phóng xạ đã giảm đáng kể. Nhưng báo chí Nhật thì cho rằng chưa có dấu hiệu gì cải thiện thật sự, chính quyền Nhật, cũng như Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn chưa làm chủ được hoàn toàn các cơ sở hạt nhân ở Fukushima.

Một tháng sau thảm hoạ kép, các chuyên gia ở Fukushima I thẩm định đã tránh được kịch bản tệ hại nhất, cho dù tình hình vẫn còn rất bấp bênh. Các công nhân đã chặn đứng được tiến trình nóng chảy thanh nhiên liệu sau khi ngày đêm cật lực đổ hàng tấn nước vào các lò phản ứng. Họ cũng đã nối nguồn điện vào các máy bơm thủy lực, trong khi chờ cho vận hành trở lại các hệ thống làm nguội.

Theo lời một chuyên gia, nguy cơ xảy ra các vụ nổ mới vẫn còn đó, nhất là do tác động của các dư chấn gây đất lở và làm nguồn điện cho ba lò phản ứng ở Fukushima I bị gián đoạn.

Nói chung, theo các chuyên gia, phải mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng nữa, mới có thể ổn định tình hình. Trước mắt, để tránh nguy cơ lây nhiễm phóng xạ, chính quyền Nhật vừa thông báo sẽ mở rộng vùng cấm chung quanh nhà máy hạt nhân, tức là sẽ sơ tán thêm một số địa phương ngoài phạm vi 20 km hiện nay.

Nhật Mai
Theo Kyodo, AFP, Reuters