1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhật Bản phát triển vũ khí thông minh mới để bảo vệ đảo xa

(Dân trí) - Nhật Bản đang phát triển bom lượn siêu âm thế hệ mới để tăng cường phòng thủ các đảo xa. Loại vũ khí này cho phép quân đội có khả năng phóng đầu đạn từ khoảng cách an toàn trong trường hợp các đảo mà Tokyo kiểm soát bị đối phương chiếm đóng hoặc tấn công.

Nhật Bản phát triển vũ khí thông minh mới để bảo vệ đảo xa - 1

Hãng tin Jiji của Nhật Bản ngày 25/9 dẫn lời giới chức Bộ Quốc phòng cho hay bộ này có ý định phát triển một nguyên mẫu trước và sau đó là một vũ khí đầy đủ chức năng vào năm 2025.

Nguồn vốn cho quá trình nghiên cứu ban đầu đã được phân bổ theo ngân sách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản năm nay, và khoản bổ sung 13,8 tỷ yên (122 triệu US) đã được đề nghị trong ngân sách của năm tới.

Garren Mulloy, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Daito Bunkyo của Nhật Bản và là một chuyên gia về các vấn đề quốc phòng, cho rằng vũ khí mới có thể được thiết kế để phù hợp với các tên lửa hành trình mà quân đội Nhật Bản đã triển khai.

“Cho tới nay, Nhật Bản rất thiếu các loại bom dẫn đường chính xác như thế này, đặc biệt là so với Mỹ, NATO hay Nga, vì vậy không có gì bất ngờ khi họ muốn phát triển các loại vũ khí này”, ông Mulloy nói.

Loại vũ khí mới được dự doán sẽ được triển khai trên các bệ phóng cố định và di động.

Các đảo tranh chấp sẽ được triển khai đầu tiên

Trong bối cảnh Tokyo lo ngại về khả năng Trung Quốc chiếm quần đảo tranh chấp Senkaku hiện do Nhật Bản quản lý và Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, có khả năng các vũ khí đầu tiên trên sẽ được triển khai trên các đảo nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra xung đột. Các đảo này bao gồm Miyako và Ishigaki, thuộc tỉnh Okinawa.

Hệ thống phóng có thể đưa tên lửa đạt độ cao trên 20km, trước khi bom lượn tách ra và được dẫn đường để lao tới mục tiêu với tốc độ cao. Tốc độ và góc tiếp cận dốc của vũ khí giúp nó khó bị đánh chặn.

Chuyên gia Mulloy nhiều khả năng loại bom mới sẽ được thiết kế để có thể tấn công các phương tiện quân sự, các hệ thống vũ khí cố định, các tòa nhà và các tàu nhỏ, như các tàu chở binh sĩ, trong khi tên lửa hành trình có thể vẫn được sử dụng để tấn công các tàu lớn hơn.

Các công ty Nhật Bản được biết đến là có khả năng phát triển các hệ thống vũ khí tiên tiến. Tuy nhiên, các vũ khí này chỉ được Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản sử dụng, vì hiến pháp Nhật Bản cấm các công ty bán chúng cho các quốc gia khác.

Lệnh cấm trên đã được chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe nới lỏng vào tháng 4/2014. Kể từ đó, Nhật Bản đã có các thỏa thuận nghiên cứu chung với Anh, Australia và Pháp.

Tuy nhiên, ông Mulloy cho rằng Nhật Bản nhiều khả năng sẽ không bán các vũ khí trên ra nước ngoài, vì Tokyo vẫn không muốn các quốc gia khác trong khu vực lo ngại.

Nhật Bản đã thúc đẩy chuyển giao các thiết bị quốc phòng cho các quốc gia Đông Nam Á để trợ giúp tăng cường năng lực hàng hải, trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông. Nhưng các thỏa thuận đã bị giới hạn, như việc bán máy bay do thám TC-90 cho Philippines.

An Bình

Theo Jiji, SCMP