1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nhân tố nào sẽ chi phối diễn đàn kinh tế thế giới 2017?

(Dân trí) - Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 47 đang diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) là hội nghị lớn nhất trong lịch sử của tổ chức này. Các yếu tố chi phối được dự báo là sự thể hiện của Trung Quốc, động thái từ đại diện của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và chi tiết kế hoạch của Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại WEF 2017 ngày 17/1 (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại WEF 2017 ngày 17/1 (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên tham dự

Tham dự WEF 47 có hơn 3.000 đại diện của 70 nước, gồm các nguyên thủ quốc gia, thủ tướng chính phủ, quan chức tài chính, lãnh đạo doanh nghiệp. Đáng chú ý, Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc lần đầu tiên tham dự sự kiện này.

Theo BBC, ông Tập dẫn đầu đoàn đại biểu lớn nhất của Trung Quốc đến họp với giới tinh hoa của các nước ở Davos và sự có mặt của ông được xem là nỗ lực thể hiện Trung Quốc là nhà lãnh đạo thế giới. Đoàn gồm một số các doanh nhân thành công nhất của Trung Quốc, như Jack Ma - người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, và ông trùm bất động sản Wang Jianlin - người điều hành tập đoàn Dalian Wanda.

CNN cho rằng sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình là những dấu hiệu cho thấy “trọng lượng” ngày càng tăng của Bắc Kinh trên trường quốc tế tại thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ giành “quyền ưu tiên trước hết cho người dân Mỹ”, còn châu Âu đang bận tâm với những rắc rối của khu vực, từ Brexit đến khủng bố.

Ngày 17/1, ông Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khai mạc và sau đó có cuộc đối thoại với người sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành WEF Klaus Schwab cùng một số quan chức khác, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May. Sự hiện diện của ông Tập được ông Schwab hoan nghênh. AP dẫn lời ông Schwab nói: “Tôi hy vọng ông Tập Cận Bình sẽ thể hiện Trung Quốc sẽ gánh vác như thế nào các vấn đề toàn cầu trong vai trò lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm".

Trước đó, Tân Hoa xã dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đông cho biết ông Tập Cận Bình sẽ trình bày chủ trương của Trung Quốc về các mối quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề toàn cầu hóa kinh tế, tích cực dẫn dắt tiến trình toàn cầu hóa kinh tế theo hướng bao dung và ưu đãi phổ cập hơn.

Dù quan hệ Mỹ và Trung Quốc gần đây dậy sóng, ông Tập Cận Bình từng đề cập đến một kênh liên lạc thông suốt với đội ngũ của ông Trump và ngụ ý rằng ông sẵn sàng gặp đại diện Tổng thống đắc cử Mỹ ở Davos. Đây cũng là động thái được dư luận hướng đến Davos dõi theo.

Chủ tịch Điều hành WEF Klaus Schwab tại WEF 2017 (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Điều hành WEF Klaus Schwab tại WEF 2017 (Ảnh: Reuters)

Brexit và Donald Trump

Thủ tướng Anh Theresa May hôm qua đến Davos một ngày sau khi có bài phát biểu cung cấp thông tin chi tiết hơn về kế hoạch Brexit ở London. Tại Davos, bà May đề cập tới chiến lược đàm phán của Anh trong vấn đề Brexit. Theo AP, giới đầu tư quan ngại khả năng Thủ tướng Anh thiên về kịch bản Brexit “cứng” khi đề cập tới việc nước Anh rời Thị trường chung châu Âu và Liên minh thuế quan. Kết quả của việc này có thể sẽ tác động tới kinh tế Anh.

Động thái của lãnh đạo Anh tại Davos càng được chú ý, khi ngay trước khi sang Davos, Brexit đã nhận được những tín hiệu ủng hộ từ Tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ Donald Trump. Ông Trump hôm 15/1 nói với Times rằng “Brexit là một điều tuyệt vời”.

Dù ông Trump không đến Davos, một trong những cố vấn hàng đầu của ông - Anthony Scaramucci, phụ trách hợp tác với doanh nghiệp - đã tham dự và phát biểu về các kế hoạch của nhà lãnh đạo mới của Mỹ vào ngày 17/1. Thế giới sẽ không thể bỏ qua phát biểu này, khi ông Trump, nhậm chức vào ngày 20/1, là người chủ trương phản đối các thỏa thuận thương mại quốc tế và dọa tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo Reuters, WEF 47 diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, dự kiến sẽ đề cập tới vấn đề toàn cầu ở mọi góc độ chính trị, xã hội và kinh tế. Hội nghị tập trung vào chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm" nhằm đề cao vai trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới.

Dự kiến có khoảng hơn 300 phiên thảo luận về hàng loạt vấn đề. Các vấn đề chính trị và xã hội sẽ thu hút sự quan tâm hàng đầu, trong bối cảnh những căng thẳng này sẽ tiếp tục gây sức ép đặc biệt tới châu Âu với các cuộc bầu cử tại một loạt quốc gia trong đó có Pháp, Đức, có thể cả Italy.

"Về cơ bản, cả thế giới đang chuyển biến về công nghệ, kinh tế, xã hội và chính trị. Không có giải pháp ăn sẵn đơn giản. Những gì chúng ta cần khẩn trương thực hiện là những hành động thực tế và hướng tới tương lai, ngay cả dưới hình thức những bước tiến nhỏ, để mang đến những câu chuyện tích cực", ông Schwab nói trước khi khai mạc WEF 47.

Tuệ An

Tổng hợp