1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhà Trắng tranh cãi về chuyến đi của ông Trump tới "cửa ngõ" Triều Tiên

(Dân trí) - Chuyến đi của một vị tổng thống kiêm Tổng tư lệnh tối cao quân đội Mỹ tới khu phi quân sự liên Triều (DMZ), nơi chia tách biên giới Triều Tiên - Hàn Quốc từ 64 năm nay và được coi là “nguy hiểm bậc nhất thế giới”, đã trở thành biểu tượng cho quyết tâm chống lại mối đe dọa Triều Tiên của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, động thái này cũng ẩn chứa những rủi ro nhất định.

Cựu Tổng thống Obama đứng trên đài quan sát Ouellette tại khu DMZ liên Triều năm 2012 (Ảnh: AP)
Cựu Tổng thống Obama đứng trên đài quan sát Ouellette tại khu DMZ liên Triều năm 2012 (Ảnh: AP)

Kể từ thời cựu Tổng thống Ronald Reagan đến nay, chỉ trừ cựu Tổng thống George H.W. Bush và đương kim Tổng thống Donald Trump, tất cả các tổng thống Mỹ đều đã đặt chân tới khu phi quân sự liên Triều. Các nhà lãnh đạo Mỹ đều mặc áo khoác rộng, đeo ống nhòm và đứng giữa vòng vây của các sĩ quan quân sự khi họ có mặt trên dải đất cằn cỗi tại vĩ tuyến 38 chia tách bán đảo Triều Tiên.

Từ sau chuyến đi của cựu Tổng thống Reagan tới DMZ liên Triều vào năm 1983, cựu Tổng thống George H.W. Bush là nhà lãnh đạo Mỹ duy nhất không tới thăm khu vực này khi đang đương nhiệm. Tuy vậy, ông Bush cũng từng đặt chân đến đây khi ông giữ chức phó Tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Reagan.

Cựu Tổng thống Obama tới DMZ năm 2012 trong khuôn khổ chuyến thăm tới Seoul để tham dự hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân. Khi đó, ông Obama đã nói với các binh sĩ rằng “sự đối ngược giữa Hàn Quốc và Triều Tiên chưa khi nào rõ rệt đến thế, xét cả về mức độ tự do lẫn thịnh vượng”.

Cựu Tổng thống Bill Clinton dùng ống nhòm quan sát từ đài quan sát Ouellette (Ảnh: AP)
Cựu Tổng thống Bill Clinton dùng ống nhòm quan sát từ đài quan sát Ouellette (Ảnh: AP)

Cựu Tổng thống George W. Bush tới DMZ vào tháng 2/2002, chưa đầy một tháng sau khi ông xếp Triều Tiên, Iran và Iraq vào “trục ma quỷ”. Năm 1993, cựu Tổng thống Bill Clinton từng nói với các nhà báo khi tới thăm DMZ rằng nếu Triều Tiên có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân thì đó sẽ là “ngày tàn” của nước này. Khi đó, ông Clinton thậm chí còn đi qua “Cây cầu không trở lại” nối hai miền Triều Tiên ở khu DMZ và Mật vụ Mỹ được cho là đã phải mang theo súng trường để bảo vệ ông.

Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump từ tháng 1 đến nay, Phó Tổng thống Mike Pence hiện là quan chức cấp cao nhất của chính phủ Mỹ có chuyến đi tới khu DMZ hồi tháng 4 và dư luận đang đặt câu hỏi về việc liệu ông Trump có trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo đặt chân tới khu vực này trong chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày, bắt đầu từ 3/11 tới hay không.

Chuyến đi gây tranh cãi

Cựu Tổng thống George W. Bush nhìn về phía Triều Tiên từ đài quan sát Ouellette năm 2002 (Ảnh: AFP)
Cựu Tổng thống George W. Bush nhìn về phía Triều Tiên từ đài quan sát Ouellette năm 2002 (Ảnh: AFP)

Theo Washington Post, chính quyền Mỹ vẫn đang chia rẽ về việc liệu Tổng thống Trump có nên thực hiện chuyến đi tới khu DMZ liên Triều hay không và cuộc tranh luận cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ dù thời điểm bắt đầu chuyến công du châu Á của ông chủ Nhà Trắng đã tới rất gần. Một số trợ lý của ông Trump nhận định một chuyến đi như vậy có thể sẽ làm thổi bùng lên ngọn lửa căng thẳng vốn đang thường trực trên bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, một số người khác lo ngại về sự an toàn cho cá nhân Tổng thống Trump khi ông đến một nơi được xem là “nguy hiểm bậc nhất thế giới”.

Theo các cựu chiến binh phụ trách chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và George W. Bush, sẽ là thiếu khôn ngoan nếu ông Trump không thực hiện chuyến đi tới biên giới liên Triều. Trong khi đó, Nhà Trắng đang vấp phải sự phản đối từ cả chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Bộ Ngoại giao Mỹ vì lo ngại rằng chuyến đi này sẽ khiến cho cuộc khẩu chiến giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thêm nghiêm trọng.

Phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này, đồng thời cho biết chính phủ Mỹ chưa sẵn sàng công bố lịch trình chi tiết chuyến đi của Tổng thống Trump ở thời điểm hiện tại. Về phần mình, khi được hỏi liệu ông có lo ngại kế hoạch thăm DMZ sẽ "khiêu khích" Triều Tiên không, ông Trump cho biết "sẽ cân nhắc đến điều này".

Phó Tổng thống Mike Pence tới thăm làng đình chiến Panmunjom ở DMZ liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: AFP)
Phó Tổng thống Mike Pence tới thăm làng đình chiến Panmunjom ở DMZ liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: AFP)

Nếu không tới thăm DMZ, ông Trump vẫn có nhiều cách khác để gửi thông điệp cứng rắn tới Triều Tiên trong chuyến công du châu Á lần này. Nhà lãnh đạo Mỹ dự kiến sẽ tới Trân Châu Cảng và thăm Đài Tưởng niệm USS Arizona ở Hawaii vào ngày 3/11. Đây cũng là sự kiện mở màn cho chuyến công du của ông. Tiếp theo tại Tokyo, Tổng thống Trump dự kiến sẽ gặp cha mẹ của bé gái Nhật Bản bị đặc vụ Triều Tiên bắt cóc cách đây 40 năm. Sau đó, ông chủ Nhà Trắng sẽ tới Seoul và có bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc và Triều Tiên có thể sẽ là chủ đề được nhắc tới trong bài phát biểu này.

Mặc dù vậy, các quan chức Mỹ cho rằng việc tổng thống đích thân tới DMZ sẽ gửi một thông điệp sâu sắc hơn tới các binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc - những người đang tuần tra tại khu vực biên giới chỉ cách phía bắc thủ đô Seoul gần 50 km cũng như các lực lượng thù địch rằng, Mỹ sẽ vẫn duy trì cam kết đối với hiệp ước quốc phòng song phương với đồng minh Hàn Quốc từ sau chiến tranh liên Triều (1950-1953).

“DMZ đóng vai trò như một chiếc máy kích âm. Thông điệp sẽ mang sức nặng hơn khi nó được phát đi từ một chốt chỉ huy quân sự ở ngay cửa ngõ Triều Tiên”, Daniel Russel, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Obama, nhận định.

Tổng thống Donald Trump phát biểu trước các binh sĩ thuộc lực lượng hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump phát biểu trước các binh sĩ thuộc lực lượng hải quân Mỹ (Ảnh: Reuters)

Giới chức Nhật Bản và Hàn Quốc rất mong chờ chuyến đi của ông Trump tới DMZ để tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các hiệp ước quốc phòng giữa Washington và các đồng minh châu Á. Trước đó, ông Trump đã khiến Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cảm thấy bất an khi chỉ trích cán cân thương mại chênh lệch giữa Mỹ và hai quốc gia này, cùng với đó là quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và yêu cầu đàm phán lại hiệp ước song phương với Hàn Quốc do cựu Tổng thống Obama ký từ năm 2011.

Tuy vậy, các cố vấn của Tổng thống Hàn Quốc lo sợ rằng chuyến đi của ông Trump tới DMZ cũng có thể làm gia tăng khả năng tính toán sai lầm, từ đó kích động nguy cơ đối đầu quân sự và dẫn tới những hệ quả khó đoán trước như gây tổn hại tới thị trường tài chính châu Á, hay phá hỏng kế hoạch tổ chức Thế vận hội mùa đông, dự kiến diễn ra ở PyeongChang, Hàn Quốc vào tháng 2 năm sau.

Thành Đạt

Theo Washington Post