1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhà ngoại giao say làm báo

Có dịp trò chuyện với TS. Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao) nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, đề tài câu chuyện giữa chúng tôi không phải về chiến lược ngoại giao mà lại về công việc và niềm đam mê của một nhà ngoại giao say viết báo.

TS. Hoàng Anh Tuấn (
TS. Hoàng Anh Tuấn (phải) và PGS. TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học KHXH & NV trong một chương trình bình luận trên kênh truyền hình QPVN.

TS. Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Tôi có khá nhiều nghề, làm ngoại giao, nghiên cứu, làm báo, tạp chí, rồi cả diễn thuyết nữa... Nhưng dường cái duyên với nghề báo đã ăn vào máu hay sao mà đi đâu làm gì thì vẫn dành thời gian, tâm tư để viết và... viết".

Từ những bài báo đầu đời

TS. Hoàng Anh Tuấn xuất thân là người làm công tác nghiên cứu. Nghiên cứu nhiều và lâu, ông rút ra rằng: phải có các kỹ năng: viết, nói và tổng hợp. Trong các kỹ năng ấy, ông thấy kỹ năng quan trọng nhất chính là kỹ năng viết. Ông bảo: "Tôi cố gắng tập trung kỹ thuật làm sao để viết cho tốt, cho logic, mạch lạc và dễ hiểu đối với độc giả. Muốn vậy, phải tạo ra được sự khác biệt, văn phong riêng của mình. Đó là điều tôi làm trước tiên để phục vụ cho công tác nghiên cứu".

Rồi qua một số lần, có người góp ý với ông rằng những bài nghiên cứu ấy hoàn toàn có thể được chia sẻ tới nhiều bạn đọc hơn dưới dạng một bài báo. "Thấy ý tưởng này cũng thú vị vì nghiên cứu xong mà chỉ xếp vào ngăn kéo thì đấy không phải là những nghiên cứu tốt. Vì vậy, tôi bắt đầu tập viết báo. Viết nhiều thành quen, rồi tôi trở thành nhà báo lúc nào không hay".

Bài báo đầu tiên của TS. Hoàng Anh Tuấn được đăng trên báo Đầu tư năm 1991. Đây là bài báo được phát triển từ bài phát biểu của ông trong buổi tọa đàm với Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay). Tình cờ, trong số những người dự buổi tọa đàm hôm đó có Tổng biên tập báo Đầu tư tham dự. Thấy tâm đắc với nội dung phát biểu của TS. Tuấn, vị Tổng biên tập đề nghị ông viết lại dưới dạng một bài báo để đăng trên tờ báo của mình.

TS. Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Sau khi bài viết được đăng, tôi có một cảm xúc rất lạ. Tôi nghĩ, mình hoàn toàn có thể viết báo được. Tất nhiên, bài báo đầu tiên này bị sửa đi, sửa lại nhiều lần. Từ đó, tôi biết đâu là điểm mạnh, đâu là điểm yếu của mình. Từ cảm hứng, niềm vui khi bài viết đầu tiên được đăng, tôi tiếp tục viết bài cho nhiều tờ báo, tạp chí và các ấn phẩm khác. Nghiệp làm báo bắt đầu từ đấy".

Đến trách nhiệm với truyền thông

Nhờ cộng tác viết báo cho nhiều nơi, TS. Hoàng Anh Tuấn rút ra một điều: Mỗi tờ báo có tiêu chí và cách viết khác nhau, không thể áp dụng cách viết của báo này cho báo khác được. Để viết được bài báo tốt, phải đọc rất nhiều, đặc biệt là các nguồn khác nhau. Đồng thời, ông đọc lại các bài cùng chuyên mục đã được đăng trước đấy, nắm bắt văn phong tờ báo để có cách tiếp cận phù hợp, tạo ra phong cách riêng của mình. Có lẽ nhờ đó mà cái tên "anh Tuấn - Viện Chiến lược" nằm trong danh sách cộng tác viên quan trọng của rất nhiều báo lớn, phát thanh và truyền hình.

Tuy không phải nhà báo chuyên nghiệp nhưng số bài viết cho báo chí trong và ngoài nước cũng như số lần trả lời phỏng vấn truyền thông của TS. Hoàng Anh Tuấn thật đáng nể. Chính bản thân ông cũng không thống kê nổi con số cụ thể. Nhưng ông bảo: "Ngày nào tôi cũng viết. Có những chủ đề tôi chỉ viết vài tiếng đồng hồ, nhưng có những bài phải mất cả tháng. Có điều, tôi viết vài chủ đề một lúc nên gần như ngày nào tôi cũng viết. Đã mang cái nghiệp cầm bút mà dừng vài hôm là khi viết trở lại rất khó khăn".

TS. Hoàng Anh Tuấn tâm sự: "Nhu cầu thông tin của người dân rất lớn. Trong thời buổi thông tin số đang phát triển như vũ bão, người làm chính trị, các nhà ngoại giao cần chủ động tiếp cận độc giả để chuyển tải cho họ những thông tin mới nhất, chính xác nhất nhằm định hướng cho độc giả. Khi độc giả cần, mình phải cung cấp. Nếu không, bằng cách này hay cách khác, họ sẽ có được thông tin đó từ những nguồn khác nhau, nhưng có thể đã bị sai lệch, méo mó. Đây không dừng lại ở vấn đề giao tiếp thông thường mà đó còn là nghĩa vụ của người nghiên cứu, người làm ngoại giao".

Là một trong những nhà ngoại giao "thức thời" với công nghệ, TS. Hoàng Anh Tuấn không những đều đặn chia sẻ thông tin nghiên cứu của mình trên các phương tiện truyền thông mà còn thường xuyên cập nhật trang mạng xã hội Facebook của mình những quan điểm, cách nhìn rất báo chí về rất nhiều vấn đề mà ông mắt thấy tai nghe trong công việc hay những chuyến công tác dày đặc của mình.

Đam mê làm báo và ý thức trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho độc giả của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp như ông, có lẽ, chưa có nhiều người làm được.

Theo Liên Châu (ghi)
Thế giới và Việt Nam