1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nguy cơ hình thành thông lệ nguy hiểm

Giới quan sát quan ngại rằng, việc các bên tham chiến ở Syria và Iraq chĩa hỏa lực vào nhau như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể trở thành một thông lệ nguy hiểm.

Nguy cơ hình thành thông lệ nguy hiểm - 1

Vài ngày sau khi tham chiến ở Syria, máy bay Su-30 của Nga đã bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara tung F-16 chặn lại, đồng thời dọa sẽ bắn rơi nếu máy bay Nga còn tái phạm.

Và hôm 24/11 vừa qua, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thấy họ không dọa “suông” khi bắn rơi một chiếc máy bay cường kích Su-24 của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ là “cú đâm sau lưng”, đồng thời công khai cáo buộc Ankara hỗ trợ cho lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bằng việc bí mật tiêu thụ dầu mỏ do IS khai thác tại vùng chúng chiếm được tại Iraq.

Trên thực tế, việc Thổ Nhĩ Kỳ cùng đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “tố” Nga vi phạm không phận thành viên là điều không hề mới, không chỉ ở Trung Đông mà ở cả Đông Âu. Nhưng trong tất cả những lần trước, máy bay NATO chỉ phát cảnh báo, hoặc cùng lắm là xuất kích bám theo máy bay Nga. Cho dù có lần chiến đấu cơ hai bên so kè sát sườn nhau thì cuối cùng “ai về nhà nấy”, không xảy ra đụng độ.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vốn là nước theo đuổi chính sách quyết đoán, thậm chí rất liều lĩnh. Điều này thể hiện rõ trong chính sách với Syria, nơi từ lâu Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp đỡ tích cực các nhóm nổi dậy chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Moscow. Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên án hành động can thiệp quân sự của Nga vào Syria mùa hè vừa qua và liên tục cảnh báo Ankara sẽ xét lại mối quan hệ với Moscow.

Còn một lý do khác khiến Thổ Nhĩ Kỳ rất khó chịu với Nga, đó là suốt tuần qua, Nga liên tục dội bom người Turk – lực lượng nổi dậy gốc Thổ ở Syria. Đây là lực lượng Ankara từ lâu xem là công dân Thổ Nhĩ Kỳ không chính thức, giúp đỡ họ “tới nơi tới chốn” nhằm lập một vành đai an toàn sát biên giới nước này. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất để nói rằng nước này “chống lại cuộc tấn công dã man” đối với người Turk, rằng hành động của Nga “có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng”. Diễn biến trên không có nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm bắn rơi máy bay để trả thù Nga, nhưng việc Nga tăng cường tấn công người Turk như những thùng dầu đổ vào chảo lửa từ lâu đã nóng vì những bất đồng sâu sắc Nga – Thổ.

Bên cạnh đó, thái độ cứng rắn với Nga có thể là hành động của Ankara nhằm thắt chặt quan hệ và tìm kiếm lợi ích từ các đồng minh NATO. Ngày 24/11, Tổng thống Erdogan đã đề nghị các thành viên NATO họp khẩn ở Bỉ để kêu gọi hỗ trợ thêm quân sự và chính trị, nhằm đảo bảo an ninh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là cách khôn ngoan để ngăn chặn Nga có bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào với sự cố này. Ông Erdogan có lẽ hy vọng sau sự cố, các đối tác NATO sẽ hợp tác gần gũi hơn với Ankara thay vì với Nga và Iran, nhất là sau khi Pháp có những động thái phối hợp chặt chẽ hơn với Nga trong cuộc chiến chống IS.

Về phía Nga, theo giáo sư Mark Galeotti (Đại học New York), Điện Kremlin sẽ không mở một cuộc chiến ngoại giao mới khi vấn đề Ukraine đang bế tắc và Nga còn tiếp tục chiến dịch can thiệp ở Syria. Ông Galeotti dự báo Nga sẽ thực hiện một số biện pháp trả đũa mang tính “hình thức”, bởi quan hệ kinh tế giữa hai bên là khá lớn. Trong khi đó, chuyên gia Ian Bremmen nhận định trên tờ International Business Times rằng Nga sẽ có lợi nếu phản ứng một cách kiềm chế, vì Nga còn nhiều mục tiêu địa chính trị quan trọng khác cần tính đến.

Có thể nói, kể từ sự vụ hôm 24/11, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tránh để những chuyện tương tự lặp lại trong tương lai. Dù vậy, giới quan sát vẫn quan ngại rằng, việc các bên tham chiến ở Syria và Iraq chĩa hỏa lực vào nhau như Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể trở thành một thông lệ nguy hiểm. Ở khu vực này hiện có máy bay của Mỹ, Nga, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động, thậm chí Nga còn sử dụng tên lửa hành trình. Nếu các bên không tăng cường đối thoại trực tiếp và tôn trọng các lợi ích quốc gia của nhau, thì những sự cố chắc chắn sẽ xảy ra nhiều hơn và hoàn toàn có thể leo thang thành xung đột trên diện rộng.

Theo Trịnh Quang

Thế giới và Việt Nam

Nguy cơ hình thành thông lệ nguy hiểm - 2