1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nghị sỹ Mỹ hối thúc tuần tra Biển Đông thường xuyên

(Dân trí) - Các nghị sỹ Mỹ ngày 27/4 đã hối thúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama triển khai thêm các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải tại Biển Đông...


Tàu khu trục USS Lassen từng tuần tra ở Biển Đông. (Ảnh: US Navy)

Tàu khu trục USS Lassen từng tuần tra ở Biển Đông. (Ảnh: US Navy)

... Trong bối cảnh Bộ Ngoại giao nước này cho rằng Bắc Kinh "chấp nhận rủi ro" trước nguy cơ xung đột và bị cô lập khi tiếp tục các hoạt động vi phạm tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền này.

Kể từ mùa Thu năm ngoái, Hải quân Mỹ đã hai lần cử các tàu chiến tới tuần tra bảo đảm tự do hàng hải xung quanh các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông. Mới đây, trả lời trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken cho rằng những hoạt động như vậy của Mỹ sẽ diễn ra đều đặn.

Tuy nhiên, nhiều nghị sỹ thuộc đảng Cộng hòa cho rằng các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải nêu trên cần được tổ chức định kỳ. Thượng Nghị sỹ Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói: "Tôi không hiểu tại sao chúng ta không triển khai hoạt động đó hàng tuần hoặc hàng tháng".

Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Cory Gardner cho rằng nên cử tàu chiến Mỹ tới khu vực đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông 3 tháng 1 lần.

Thượng nghị sỹ Corker cũng lưu ý rằng Bắc Kinh đang củng cố vị trí của Trung Quốc như một đối thủ về địa chính trị của Mỹ. Ông đánh giá: "Chúng ta chưa thành công trong quá trình quản lý những bất đồng với Trung Quốc, đặc biệt là khi cách quản lý như vậy tác động tới ảnh hưởng của Mỹ, cũng như đặt các lợi ích của chúng ta trước những mối nguy tại khu vực xuyên Thái Bình Dương và xa hơn thế".

Về phần mình, ông Blinken đã nhất trí với Thượng nghị sỹ Marco Rubio rằng tham vọng của Trung Quốc là nhằm kiểm soát toàn bộ các khu vực ở Biển Đông. Thứ trưởng Blinken cho rằng, Bắc Kinh đang xa lánh các quốc gia láng giềng và "chấp nhận mạo hiểm trước nguy cơ xung đột, bất ổn và tự cô lập trừ khi Trung Quốc thay đổi cách tiếp cận và chứng minh những đòi hỏi về chủ quyền của nước này ở Biển Đông phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế" (?)

Ông Blinken nói: "Trong thời điểm Mỹ còn duy trì đầy đủ sự hiện diện trong khu vực, bất cứ động thái chiến thuật nào từ những tiền đồn của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ bị cản trở bởi những quốc gia láng giềng ngày càng cảm thấy không hài lòng và nghi ngờ họ".

Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ, ông Robert Menendez cho rằng Trung Quốc đang "thống trị" khu vực. Do vậy, ông ủng hộ Washington đưa ra một quan điểm cứng rắn hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng các công cụ để thể hiện sức mạnh quốc gia "sẽ chỉ hữu dụng khi được triển khai đầy đủ".

Tới nay, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền phi lý với phần lớn các khu vực tại Biển Đông. Dù Mỹ khẳng định không ủng hộ bất cứ bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại vùng biển này, song Washington cho biết nước này có lợi ích quốc gia trong việc duy trì bảo đảm tự do hàng hải và ổn định tại đây.

Ngọc Anh

Theo NavyTimes