1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nghi bị CIA nghe lén, Tổng thống Philippines tính bỏ điện thoại thông minh

(Dân trí) - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang cân nhắc không sử dụng điện thoại thông minh vì sợ rằng Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thường xuyên nghe lén các cuộc trò chuyện của ông.

Tổng thống Rodrigo Duterte (Ảnh: AFP)
Tổng thống Rodrigo Duterte (Ảnh: AFP)

“Tôi biết Mỹ đang nghe lén. Tôi chắc chắn đó là CIA, họ cũng là những người sẽ ám sát tôi”, Tổng thống Duterte nói tại thành phố Cebu hôm 21/8.

Theo RT, phát biểu trên của nhà lãnh đạo Philippines ám chỉ mối lo ngại về việc Mỹ có thể ám sát ông vì chính sách đối ngoại độc lập của Philippines cũng như việc Manila sẵn sàng mua các vũ khí từ các nhà cung cấp khác, thay vì của Washington.

Để tránh nguy cơ bị các thế lực bên ngoài, mà theo ông Duterte có thể bao gồm cả Nga, Trung Quốc, Israel và Indonesia, nghe lén qua điện thoại thông minh, vị tổng thống 73 tuổi đang cân nhắc quay lại sử dụng một chiếc điện thoại nghe gọi bình thường. Theo ông, việc nghe lén hoặc can thiệp thông qua một chiếc điện thoại cơ bản như vậy sẽ khó khăn hơn.

Tự nhận mình là một nhà lãnh đạo không giỏi về công nghệ, Tổng thống Duterte từng vô tình gửi tin nhắn mật cho tất cả các số liên lạc trong danh bạ ứng dụng Viber sau khi ấn nhầm vào nút “gửi cho tất cả”.

Tổng thống Duterte từ lâu vẫn lo sợ rằng CIA sẽ tìm cách tấn công ông trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Mỹ và Philippines đang xấu đi. Hôm 17/8, ông Duterte từng nói rằng CIA “muốn ông phải chết”.

Việc Mỹ từ chối bán súng trường tấn công cho Philippines do lo ngại về vấn đề nhân quyền tại nước này trong cuộc chiến chống ma túy đã buộc ông Duterte phải tìm đến các nhà cung cấp vũ khí mới. Mặc dù trước đây Philippines phụ thuộc nhiều vào vũ khí của Mỹ, nhưng bây giờ nước này đã chuyển sang Trung Quốc và Nga.

Nga và Philippines đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng vào năm ngoái, trong đó Moscow cam kết viện trợ miễn phí hơn 5.000 súng trường tấn công Kalashnikov cho Philippines nhằm giúp nước này đối phó với sự nổi dậy của phiến quân Hồi giáo. Bất chấp sức ép từ Mỹ, chính quyền Philippines vẫn cân nhắc mua thêm các tàu tuần tra, xe bọc thép và cả tàu ngầm từ Nga.

Chỉ trích Mỹ

Tổng thống Duterte hôm qua một lần nữa khẳng định mong muốn của ông trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp vũ khí mới sau khi Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver đề nghị Manila suy nghĩ “kỹ lưỡng” về những hậu quả nếu mua vũ khí của Nga.

“Các bạn không chỉ mua vũ khí, các bạn đang đầu tư vào một mối quan hệ”, Randall Schriver nói.

Đáp lại, Tổng thống Duterte nói mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines chưa bao giờ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau. Theo ông Duterte, Washington không coi Manila là một đối tác bình đẳng.

“Tại sao? Tại sao ông lại ngăn các nước khác? Tại sao lại ngăn cản chúng tôi? Ông cảnh báo chúng tôi ư, ông là ai mà cảnh báo chúng tôi?”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh.

“Mối quan hệ? Từ khi nào đó là một mối quan hệ dựa trên sự bình đẳng lẫn nhau?”, ông Duterte nói, đồng thời cho biết trong khi Mỹ trước đây thường chỉ cung cấp các trang thiết bị quân sự cải tiến cho Philippines, còn nay Nga và Trung Quốc sẵn sàng viện trợ thiết bị mới cho Manila mà không đặt ra bất kỳ điều kiện nào.

Thành Đạt

Theo RT