1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga, Trung Quốc lên án kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ

(Dân trí) - Trung Quốc và Nga hôm qua đã lên án mạnh mẽ kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ trong chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của tân Tổng thống Nga Dmitry Medvedev.

Tại thủ đô Bắc Kinh, Tổng thống Nga Medvedev và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký tuyên bố chung nêu rõ sự nhất trí về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng.

 

“Hai bên tin rằng việc xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, bao gồm cả việc triển khai hệ thống này tại các khu vực nào đó của thế giới hoặc các kế hoạch hợp tác tương tự, sẽ không giúp duy trì sự ổn định và cán cân chiến lược, gây tổn hại tới những nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát vũ khí và tiến trình không phổ biến vũ khí hạt nhân”, tuyên bố chung viết.

 

Mặc dù không nhắc tới Mỹ, nhưng ai cũng hiểu tuyên bố này ám chỉ điều gì. 

 

Mỹ đang muốn đặt một trạm radar ở Cộng hoà Séc và một căn cứ lá chắn tên lửa ở Ba Lan.

 

Mỹ khẳng định hệ thống này là nhằm bảo vệ phương Tây khỏi các cuộc tấn công tên lửa từ các quốc gia thù địch như Iran và CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, kế hoạch này đã góp phần làm xấu đi quan hệ Nga-Mỹ do Mátxcơva lo ngại hệ thống phòng thủ có thể được sử dụng để chống lại Nga.

 

Mátxcơva và Bắc Kinh đã xây dựng quan hệ quân sự và chính trị thân thiết kể từ khi Liên Xô sụp đổ nhằm đối đầu với sự ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Trước đây, hai nước cũng đã lên tiếng phản đối kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ nhưng tuyên bố chung hôm thứ 6 giữa Tổng thống Medvedev và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cho thấy một quan điểm cứng rắn hơn.

 

Nga, Trung Quốc lên án kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ - 1
 Tổng thống Medvedev và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào trong buổi kí kết tuyên bố chung.
 

Tuyên bố chung được kí kết khi nhà lãnh đạo Nga bắt đầu chuyến thăm 2 ngày tới Trung Quốc, chặng dừng chân thứ 2 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng này. Trước đó, ông Medvedev đã tới Kazakhstan, quốc gia Trung Á nhiều dầu mỏ.

 

Hai nhà lãnh đạo Nga-Trung cũng nhất trí phản đối việc triển khai vũ khí trên vũ trụ - một thông điệp rõ ràng khác gửi tới Mỹ. “Hai bên ủng hộ sử dụng vũ trụ một cách hoà bình và phản đối triển khai các vũ khí cũng như cuộc chạy đua vũ trang trên vũ trụ”.

 

Bình luận về tuyên bố chung này, Nhà Trắng cho biết không thất vọng khi Medvedev có chung quan điểm với người tiền nhiệm, cựu Tổng thống Nga Vladimir Putin.

 

Phát ngôn viên Nhà Trắng Tony Fratto nói: “Chúng tôi sẽ hợp tác với họ để vượt qua những lo ngại này. Chúng tôi có thể giải quyết bất kỳ lo ngại nào về bản chất thật của kế hoạch phòng thủ tên lửa”.

 

Tuyên bố chung cũng thể hiện sự phản đối mạnh mẽ đối với việc NATO mở rộng sang những nước láng giếng của Nga như Grudia và Ukraine. “An ninh của các quốc gia không thể được đảm bảo bằng tiền của các nước khác thông qua việc mở rộng các liên minh chính trị-quân sự”, hai nhà lãnh đạo tuyên bố.

 

Cũng trong ngày hôm qua, Nga đã ký một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD để xây dựng một nhà máy làm giàu uranium tại Trung Quốc và cung cấp uranium cho ngành sản xuất điện hạt nhân của Trung Quốc trong thập kỷ tới.

 

Sau giai đoạn không mấy thân thiết vào những năm 1990, quan hệ Nga- Trung Quốc trong những năm gần đây đã trở nên nồng ấm khi hai nước có cùng quan điểm phản đối độc lập của Kosovo và cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran. Hai nước đã tổ chức các cuộc tập trận trung và tạo ra một nhóm an ninh vùng nhằm "giữ chân" phương Tây khỏi tiếp cận với khu vực Trung Á giàu năng lượng.

 

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc cũng là các đối thủ trong việc kiểm soát nguồn trữ lượng dầu và khí đốt ở Trung Á. Chuyến công du của ông Medvedev tới Kazakhstan trước khi thăm Trung Quốc dường như nhằm gửi một thông điệp tới Bắc Kinh và phương Tây rằng Mátxcơva sẽ tiếp tục coi quốc gia Trung Á này là “đất nhà mình”.

 

Bắc Kinh và Mátxcơva cũng bất đồng về giá xuất khẩu năng lượng của Nga, làm chậm lại việc xây dựng một đường ống dẫn dầu từ Siberia và chặn đứng kế hoạch một đường dẫn khí đốt tự nhiên.

 

Một đường ống dẫn dầu khác từ bờ biển Thái Bình Dương của Nga sẽ buộc Trung Quốc phải cạnh tranh nguồn dầu thô từ Siberia với Nhật Bản.

 

Trung Quốc là khách hàng khổng lồ của Nga trong ngành vũ khí quân sự. Bắc Kinh đã trả cho Mátxcơva hàng tỷ USD để mua các máy bay, tên lửa, tàu ngầm, tàu khu trục.

 

Nhưng việc mua bán vũ khí đã bị đình trệ trong thời gian gần đây do Trung Quốc muốn mua nhiềucác vũ khí tiên tiến hơn, điều mà Nga không muốn.

 

VTH

Theo BBC, AP, AFP