1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga: Triều Tiên rất muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ

(Dân trí) - Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Triều Tiên cực kỳ quan tâm tới việc tiến hành các cuộc đối thoại trực tiếp với Mỹ, tuy nhiên Washington chưa chắc đã mong muốn điều này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un họp bàn với các quan chức cấp cao Triều Tiên (Ảnh: AP)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un họp bàn với các quan chức cấp cao Triều Tiên (Ảnh: AP)

“Triều Tiên cực kỳ quan tâm tới việc đối thoại trực tiếp với Mỹ. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa tin rằng chính quyền Mỹ có đủ ý chí chính trị cũng như quyết tâm để bước vào các cuộc đối thoại với Triều Tiên”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với Sputnik ngày 13/9.

Nhận định về chương trình vũ khí của Triều Tiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết Bình Nhưỡng đang phát triển theo hướng ngày càng cải thiện năng lực tên lửa đạn đạo. Hiện Đặc phái viên của Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên, Đại sứ Joseph Yun, đang ở thủ đô Moscow của Nga để thảo luận về vấn đề Triều Tiên với giới chức Nga.

Là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Nga ngày 11/9 đã nhất trí thông qua dự thảo nghị quyết mới do Mỹ soạn thảo nhằm trừng phạt Triều Tiên. Tuy nhiên, cùng với Trung Quốc, Nga cũng yêu cầu Washington không được tìm cách lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã gọi nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc là “những biện pháp mạnh mẽ nhất từng được áp đặt lên Triều Tiên”. Theo Bloomberg, bình luận của Đại sứ Haley khiến Nga và Trung Quốc lo ngại rằng Mỹ có thể sẽ đơn phương hành động nếu chính quyền của ông Kim Jong-un không dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa.

Đại sứ của Nga và Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc đã nhắc lại lập trường “bốn không” để nhắc nhở Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, gồm: không thay đổi chế độ, không lật đổ chính quyền, không thúc đẩy thống nhất liên Triều và không triển khai quân đội tới phía bắc của vĩ tuyến 38 phân chia bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, Mỹ đã phải chỉnh sửa dự thảo nghị quyết theo hướng giảm nhẹ hơn, không cấm vận hoàn toàn dầu thô với Triều Tiên cũng như không đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nhằm thuyết phục lá phiếu của Trung Quốc và Nga.

Thành Đạt

Tổng hợp