1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga-Syria trong trò chơi nguy hiểm với Thổ Nhĩ Kỳ

Do thiếu lực nên Nga-Syria buộc phải làm ngơ trước các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây sẽ là nguy cơ lớn đối với Moscow và Damascus trong tương lai.

Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng can thiệp quân sự vào Syria

Khi mở chiến dịch Lá chắn Euphrates hôm 24/8 vừa qua, Ankara tuyên bố đưa quân vào Syria để tiêu diệt khủng bố, lập một “vùng đệm không khủng bố” đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nằm sâu trong lãnh thổ Syria khoảng 15km, với tổng diện tích khoảng 5000 mét vuông.

Từ sau khi mở chiến dịch quân sự ở miền Bắc Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân tiêu biểu là Quân đội Syria Tự do (FSA) đánh chiếm các thị trấn Jarabulus, al-Rai, Dabig và các làng Akhtarin, Edle; bước đầu lập hành lang an toàn dọc tuyến biên giới Thổ-Syria.

Đồng thời Ankara cũng tăng cường vũ khí cho khủng bố al-Nusra ở thành phố Azaz, ngăn chặn các tay súng của YPG (Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd) ở khu tự trị Afrin đánh chiếm Azaz, cắt đôi hành lang Azaz-Jarabulus, dọc tuyến biên giới giữa hai nước.

Bên cạnh đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng điều động thêm lính đặc nhiệm Mũ nồi tím với trang bị nặng tiến sâu vào lãnh thổ Syria, lập căn cứ quân sự ở làng Akhtarin và làng Edle, nhằm chặn con đường nối từ Afrin và Azaz tới al-Bab, đi lên Manbij để tiến tới Kobani ở phía đông bắc.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến quân xuống al-Bab hỗ trợ cho phiến quân FSA đánh chiếm thành phố này từ tay IS. Nếu kế hoạch này thành công, chính quyền Erdogan sẽ lập các cứ điểm liên tuyến, chạy theo hướng Bắc-Nam vào sâu trong nội địa Syria là al-Rai - Dabig/Akhtarin/Edle - al-Bab.

Al-Bab (tiếng Ả Rập: الباب / ALA-LC: al-Bab) là một thành phố có diện tích 30 km vuông (12 dặm vuông), thuộc phạm hành chính của tỉnh Aleppo. Thành phố này nằm cách thành phố Aleppo khoảng 40 km về phía Đông Bắc, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 30km về phía Nam.

Hành lang cứ điểm này sẽ lấn sâu vào lãnh thổ Syria tới hơn 30km chứ không phải là 15km như tuyên bố ban đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan về một “hành lang an ninh biên giới” (dĩ nhiên là nằm trong lãnh thổ Syria) sâu từ 8 - 15km, rộng 5000km2.

Cuộc chiến ở Syria trở nên vô cùng phức tạp với sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc chiến ở Syria trở nên vô cùng phức tạp với sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ

Rõ ràng là chính quyền Ankara đã đi quá xa so với tuyên bố của mình, ngang nhiên mang quân vào sâu trong lãnh thổ Syria để lập vùng đệm an ninh cho mình. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn không giấu được âm mưu lật đổ chính quyền hợp Hiến của quốc gia láng giềng.

Thổ Nhĩ Kỳ không che giấu mục đích

Trước đây, khi đưa quân vào Syria với danh nghĩa đánh IS, ông Erdogan đã tuyên bố rằng, Thổ Nhĩ Kỳ muốn thành lập một vùng đệm an ninh “không khủng bố”, đồng thời xua đuổi người Kurd về phía đông sông Euphrates. Sự thực có phải vậy không?

Ngày 29/11/2016, phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về Jerusalem ở Istanbul, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã “lỡ mồm” tuyên bố mục đích Ankara tham gia chiến dịch quân sự tại Syria để chấm dứt “chế độ độc tài” của Tổng thống Bashar al-Assad.

Theo ông Erdogan, nước này không có tham vọng chiếm đất của Syria, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện tại quốc gia Trung Đông này nhằm “khôi phục lại sự công bằng và chấm dứt ách thống trị hà khắc của bạo chúa Assad, người đã tiến hành khủng bố cấp Nhà nước ở Syria”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan khi đó đã cam kết “duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria”, nên hoạt động sẽ kết thúc khi “các mối đe dọa bị loại bỏ”. “Chúng tôi không muốn gì ở lãnh thổ của Syria mà trao hoàn toàn vấn đề này cho nhân dân nước họ. Sự xuất hiện của Thổ Nhĩ Kỳ là để thành lập công lý”, ông Erdogan nói.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria mới đạt được dưới sự bảo đảm của Moscow và Ankara cùng với hành động hỗ trợ của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ ở al-Bab khiến nhiều người lầm tưởng rằng, chính quyền Erdogan đã thoát khỏi sự ảnh hưởng của Mỹ và hợp tác thiết thực với Nga và Syria để chống khủng bố.

Nhưng sự thực đâu có tốt đẹp như vậy. Vừa qua, quân đội Syria đã phục kích và tiêu diệt một đoàn xe chở trang bị, vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ cho nhóm khủng bố Jabhat Fatah al-Sham (tức Mặt trận al-Nusra, chi nhánh al-Qaeda ở Syria đổi tên) ở khu vực tỉnh Hama.

Điều này cho thấy sự “lá mặt lá trái” của chính quyền Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ một tay bắt tay Nga nhưng tay còn lại vẫn đang lăm le thọc dao vào sườn Syria, nước này vẫn tiếp tục âm mưu nuôi dưỡng khủng bố và phiến quân đối lập để lật đổ chính quyền Assad.

Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích nhận định rằng, việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng lực lượng, trang bị và tiến hành các hoạt động quân sự tích cực trong lãnh thổ Syria là điều vô cùng nguy hiểm bởi sự mù mờ trong tuyên bố của giới chức lãnh đạo Ankara.

Nga-Syria sau này sẽ gặp khó với Thổ Nhĩ Kỳ

Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ có quan điểm cụ thể thế nào về “các mối đe dọa” và tiêu chí nào xác định thời điểm “các mối đe dọa bị loại bỏ”? Nếu không làm rõ những vấn đề này thì lấy căn cứ nào làm giới hạn hoạt động và mốc thời gian chấm dứt các hoạt động quân sự và chiếm đất của Syria?

Hơn nữa, ông Erdogan tuyên bố rất rõ ràng là “không muốn gì ở lãnh thổ của Syria mà trao hoàn toàn vấn đề này cho nhân dân nước họ”. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ giao những vùng đất này cho chính quyền Assad mà cho “nhân dân Syria”.

Vậy Thổ Nhĩ Kỳ quan niệm “nhân dân Syria” ở đây là ai? Là “Quân đội Syria Tự do” (FSA) ? Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sát cánh cùng FSA đã cho thấy, chính quyền Ankara cương quyết bảo vệ nhóm phiến quân này trước sự truy sát của Nga và Syria.

Bản đồ khu vực tranh chấp phía Bắc tỉnh Aleppo (vòng tròn màu xanh là cứ điểm của người Kurd và màu đỏ là của Thổ Nhĩ Kỳ, vòng tròn 2 màu là khu vực đang giành giật al-Bab)
Bản đồ khu vực tranh chấp phía Bắc tỉnh Aleppo (vòng tròn màu xanh là cứ điểm của người Kurd và màu đỏ là của Thổ Nhĩ Kỳ, vòng tròn 2 màu là khu vực đang giành giật al-Bab)

Như vậy, lực lượng phiến quân đối lập đông đảo nhất Syria nghiễm nhiên đã có một kẻ bảo kê vô cùng chắc chắn mà Nga và Syria rất khó để đối đầu trực tiếp.

Do đó, khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Aleppo, cùng với mục đích ngăn chặn người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ còn có âm mưu là chiếm đất, đóng quân lâu dài trên lãnh thổ Syria để làm điều kiện mặc cả với Nga về vai trò của nước này trong “cuộc chiến chống khủng bố”.

Đồng thời, Ankara sẽ lấy sự hiện diện quân sự của mình ở Aleppo để ra điều kiện với Moscow về vấn đề hỗ trợ người Kurd và hạ bệ ông Assad, đẩy Nga vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi sự hiện diện quân sự của Nga ở Syria gắn liền với sự tồn tại của chính quyền Assad.

Đối với Syria, việc al-Bab và các thị trấn khác ở Aleppo thoát khỏi tay tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo thì lại rơi vào tay nhóm phiến quân đối lập FSA là điều chẳng có gì vui vẻ, thậm chí để ở tay IS thì có khi còn dễ chiếm lại hơn là rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa này” chẳng qua là do Quân đội Syria không đủ lực đương đầu với quá nhiều đối thủ nên Nga bắt buộc phải làm ngơ cho Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd tung hoành ở Aleppo và al-Hasakah, Raqqa…

Máu của binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã đổ ở al-Bab và hẳn Ankara không đổ máu để giành lại nó cho Nga hay chính quyền của ông Assad. Những mảnh đất mà Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm được ở Aleppo sẽ là món nợ không đòi được của Syria, hoặc nếu đòi được cũng phải trả giá rất đắt.

Trong trò chơi “đánh đu” với Thổ Nhĩ Kỳ, sau này Nga và Syria sẽ phải nhận phần thiệt. Ngoài ra, vấn đề người Kurd cũng là nỗi lo lắng lớn của ông Putin và chính quyền Assad sau này. Điều này chúng ta sẽ tìm hiểu trong kỳ sau.

Theo Thiên Nam

Đất Việt