1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga-Syria: Hết đau đầu “thù trong” lại đến nỗi lo “giặc ngoài”

Thỏa thuận ngừng bắn Geneve vẫn còn rất mong manh bởi rất nhiều bất trắc đến từ cả bên trong lẫn bên ngoài Syria.

Nga-Syria đau đầu vì “thù trong”

Theo tin mới nhất, nguồn tin từ lực lượng dân quân người Kurd cho biết vào hôm 29-2 rằng, các tay súng của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đang triển khai lực lượng đến phía Bắc tỉnh Raqqa của Syria để chuẩn bị tấn công vào khu vực kiểm soát của người Kurd.

Đại diện của người Kurd Syria cho biết, các tay súng thuộc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đã triển khai lực lượng đến phía Bắc tỉnh Raqqa của Syria và chuẩn bị tấn công các vị trí của lực lượng tự vệ của người Kurd (Kurdish self-defense forces - KCC).

Theo nguồn tin, những kẻ khủng bố đã chiếm được làng Zaybakiya ở bắc Al-Raqqa trong các trận giao tranh ác liệt với lực lượng dân quân người Kurd. Sau khi chiếm giữ ngôi làng này, những tên khủng bố IS đã giết tất cả những người ủng hộ dân quân KCC.

Vào ngày 27-2, các phần tử khủng bố IS, xuất phát từ các bàn đạp bên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và Raqqa của Syria - thủ phủ không chính thức của nhóm IS, đã tấn công thị trấn Tell Abyad, thuộc khu vực kiểm soát của người Kurd.

Ngoài Tell Abyad, các chiến binh tấn công một số khu dân cư khác, ví dụ như thị trấn Suluk. Ngày 28-2, dân quân KCC chiếm lại thị trấn Tell Abyad và tiêu diệt 70 chiến binh khủng bố.

Trong bối cảnh lực lượng vũ trang người Kurd Syria phải căng mình đối phó với các tay súng của lực lượng khủng bố IS đang cố gắng “vùng vẫy” để nới lỏng vòng vây ở Raqqa thì quân đội Syria cũng phải nhẫn nhịn trước các đòn khiêu khích, nhằm phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.

Ngày 28-2, sau khi xuất hiện các vụ nã pháo vào thủ đô Damascus hôm 27-2, Nga đã yêu cầu quân đội Syria không dùng hỏa lực đáp trả các cuộc pháo kích mang tính khiêu khích, nhằm thực hiện âm mưu phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh mới đạt được hôm 22-2 vừa qua.

Máy bay trực thăng Mi-24 Nga vẫn xuất quân đánh IS
Máy bay trực thăng Mi-24 Nga vẫn xuất quân đánh IS

Theo yêu cầu của Trung tâm Nga về hòa giải, quân đội Syria đã không nổ súng đáp trả sau khi có trận pháo kích vào Damascus từ khu vực huyện Dzhaubar và Guta trong ngày đầu tiên thực hiện lệnh ngừng bắn - thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 28-2 cho biết.

Theo trung tâm này, từ lúc 6 giờ 25 đến 11 giờ 30 ngày 27-2-2016, đã có 6 vụ pháo kích vào các điểm dân cư ở Damascus bằng súng phóng lựu và rocket nhiều nòng… Hỏa lực phát ra từ khu vực Dzhaubar và Vostochnaya Guta hiện do các đơn vị "đối lập ôn hòa" chiếm giữ, nằm trong danh sách của Mỹ về địa bàn ngừng hoạt động chiến sự.

Theo yêu cầu của Trung tâm Nga về hòa giải, các binh sĩ quân đội chính phủ Syria đã không bắn đáp trả, để tránh xảy ra những cuộc đấu pháo qua lại, làm leo thang căng thẳng, phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh mới đạt được.

Đến nỗi lo “giặc ngoài”

Được biết, lệnh ngừng bắn đã được áp dụng ở Syria vào lúc nửa đêm 27-2, sau thỏa thuận được thiết lập với sự hỗ trợ của Nga và Hoa Kỳ. Nhóm công tác về ngừng bắn ở Syria đã họp tiếp vào lúc 17 giờ 00 giờ Moscow (21 giờ 00 giờ Hà Nội) ngày 29-2.

Trước thềm cuộc họp này, đại diện Bộ ngoại giao Nga là Thứ trưởng Sergei Ryabkov đã tuyên bố phản đối việc đặt vấn đề về kế hoạch “B” cho Syria. Ông phản bác quan điểm của một số người cho rằng, Nga có một kế hoạch dự phòng cho Syria, trong nỗ lực nhằm phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn.

Vị đại diện Bộ ngoại giao Nga nhấn mạnh, không giống như Mỹ và đồng minh, Moscow không cho phép - ngay cả trong suy nghĩ của mình - về một kế hoạch thay thế khác để giải quyết tình hình Syria và tập trung toàn tâm, toàn ý để giám sát thực hiện lệnh ngừng bắn.

Nga đã phải yêu cầu quân đội Syria không đáp trả các hành động nã pháo khiêu khích
Nga đã phải yêu cầu quân đội Syria không đáp trả các hành động nã pháo khiêu khích

Trong bối cảnh chế độ ngừng bắn vừa được thiết lập ở Syria, thỉnh thoảng lại xuất hiện những thông tin đồn thổi, hoặc là Nga, hoặc là Mỹ đang có một kế hoạch dự phòng cho Syria. Phía Nga, đến lượt mình, kiên quyết bác bỏ những khẳng định tương tự như trên.

Nga kêu gọi tất cả mọi người, những ai tham gia phân tích, xem xét và đánh giá các thông tin về việc tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, thể hiện tinh thần trách nhiệm tối đa, không đưa ra những thông tin sai lệch, gây nhiễu loạn tiến trình hòa bình ở Syria.

Thứ trưởng Sergei Ryabkov tuyên bố “…ngay trong những giờ đầu tiên sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, đã bắt đầu những cuộc tấn công thông tin vào thỏa thuận này và xuất hiện những tin đồn nặc danh về việc vi phạm chế độ ngừng bắn từ phía chính quyền Syria và phía Nga.

Cũng trong ngày 29-2, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov còn tuyên bố rằng, Moscow đang hết sức lo ngại về hoạt động ráo riết chuẩn bị cho chiến tranh quân sự ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông lưu ý rằng, nếu như chính phủ của những quốc gia hiện đang tiến hành hoạt động này có ý định sử dụng các phương pháp vũ lực hòng đạt được mục đích riêng của mình, thì đó sẽ là một cú đánh chết người đối với thỏa thuận hòa bình đã xây dựng được một cách hết sức khó khăn.

Nga đang giúp phương Tây đấu tranh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo nhưng Hoa Kỳ lại sẵn sàng cáo buộc Nga những vấn đề hết sức phi lý trong cuộc xung đột Syria, theo hướng có lợi cho các đồng minh Trung Đông, cụ thể là Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đang nhăm nhe can thiệp vào Syria là hành động hết sức nguy hiểm, có thể biến lò lửa Trung Đông bùng lên thành một cuộc chiến tranh khu vực

Báo Mỹ: Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm mọi cách diệt người Kurd

Hiện nay, xung đột ở Syria đang có rất nhiều phía tham gia, lợi dụng tình hình phục vụ mục đích riêng của họ. Những lợi ích này đôi khi trùng lặp, đôi khi mâu thuẫn lẫn nhau. Hiện trạng này không chỉ xảy ra ở các phía đối nghịch, mà còn diễn ra giữa các nước là đồng minh với nhau.

Trong thực tế, không chỉ Nga và Mỹ mà hầu hết các nước Trung Đông đang bị cuốn vào cuộc xung đột Syria ở các cấp độ khác nhau, với những mục đích khác nhau, vì những lý do khác nhau như: Tôn giáo, chính trị, kinh tế hoặc quân sự, dẫn đến rất khó tìm được tiếng nói chung.

Chuyên viên Adriel Kasonta viết trong bài báo đăng trên National Interest rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã liều lĩnh dò dẫm kiểm tra sự bền chặt trong quan hệ với phương Tây, bằng cả chiêu thức manh động là bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga, trên biên giới với Syria.

Xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở khu vực Suruç, giáp biên giới Syria ở khu vực Kobani
Xe thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở khu vực Suruç, giáp biên giới Syria ở khu vực Kobani

Đây rõ ràng là hành động hiếu chiến, chống lại các đồng mình của Hoa Kỳ và châu Âu trong cuộc chiến chống IS. Tất cả những gì mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tìm kiếm là khôi phục lại quyền lực quá khứ của đất nước và hồi sinh Đế chế Ottoman.

Như vậy, có cảm tưởng rằng những tuyên bố sai lệch về Nga ở Syria của phương Tây thực ra chỉ là vì sợ làm mếch lòng Ankara, hiện đang rất lo ngại bởi thực tế tăng cường sự hợp tác giữa Nga và Liên minh Dân chủ của người Kurd ở Syria - nhà báo Adriel Kasonta viết.

Tác giả lưu ý rằng, Thổ Nhĩ Kỳ căm ghét người Kurd và coi họ mới là mối đe dọa to lớn chứ không phải là IS. Trong cố gắng vô ích để tìm sự hỗ trợ ở Washington nhằm chống người Kurd, có lúc Erdogan tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã biến Trung Đông thành "biển máu".

Đồng thời Erdogan coi sự tương tác của Moscow và người Kurd Syria là nỗ lực của điện Kremlin nhằm làm suy yếu ảnh hưởng của Ankara trong khu vực. Do đó, Ankara sẵn sàng làm tất cả để ngăn cản người Kurd mở rộng phạm vi kiểm soát ở Syria và nâng cao uy tín trước cộng đồng quốc tế.

Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria là hành động vô cùng nguy hiểm bởi người Kurd là một trụ cột trong cuộc chiến chống IS. Sự hậu thuẫn của Ankara đối với các phần tử khủng bố và hành động quân sự của nước này chống lại người Kurd có thể là “liều thuốc độc” đối với hòa bình ở Syria.

Theo Toàn Thắng

Đất Việt