1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga rút quân, thúc Syria tấn công mạnh mẽ chiếm Palmyra

Quân đội chính phủ Syria buộc phải tiến quân mạnh mẽ vào Palmyra, đánh phá dữ dội ở ngoại vi Damascus.

Ngày 9/1, Bộ Tư lệnh quân đội Syria buộc phải đẩy nhanh tiến trình lên kế hoạch tấn công Palmyra khi các chiến binh IS, với bản chất phi nhân tính phá hủy nguồn cung cấp khí gas quan trọng nhất cho hàng triệu người Syria.

Trước đó, hôm 8/1, các tay súng khủng bố IS đã tấn công phá hoại nhà máy của công ty gas Hayyan, nhà máy vốn cung cấp nguồn nguyên liệu cho người dân ở Syria.

Nhà máy của công ty gas Hayyan bị IS thiêu rụi. Ảnh: Al-Masdar News
Nhà máy của công ty gas Hayyan bị IS thiêu rụi. Ảnh: Al-Masdar News

Mặt trận Palmyra hiện do quân đội chính phủ Syria kiểm soát vẫn còn nấn ná chờ đợi những cuộc thảo luận kéo dài trong việc hoạch định kế hoạch tấn công mùa xuân năm 2017. Nhưng những cuộc tấn công mới đây vào nguồn nguyên liệu cung cấp cho các khu vực dân cư đã buộc các sĩ quan tham mưu cao cấp của quân đội Syria phải khẩn cấp triển khai kế hoạch giải quyết chiến trường then chốt này.

Một nguồn tin từ Damascus cho biết, các cố vấn Nga đặc biệt nóng ruột trong tình trạng trì hoãn các cuộc tấn công hiện nay từ phía quân chính phủ. Hiện Không quân Nga đã chuyển hướng sang tấn công các mục tiêu khác, mặc dù đặt trọng tâm vào chiến dịch giải quyết chiến trường tỉnh Homs nhằm triệt tiêu nguồn cung cấp nhiên liệu của IS.

Thực tế, IS đã chiếm hầu hết các mỏ khí gas trên vùng sa mạc phía đông tỉnh Homs, chính phủ Syria không còn nguồn nhiên liệu dự trữ để cung cấp cho hàng triệu dân thường ở các tỉnh Damascus, Homs và Hama, đặc biệt vô cùng cần thiết trong những tháng giao mùa đông - xuân giá lạnh.

Mặt trận Palmyra rất quan trọng đối với quân đội Nga. Trước thông tin Nga rút quân khỏi Syria, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá rằng, thực tế lực lượng quân đội Nga không thể rút khỏi Syria chừng nào còn chưa chiếm được Palmyra.

Neil Hauer, một nhà phân tích xung đột ở Trung Đông cho rằng Palmyra đã một lần nữa rơi vào tay IS vào giữa tháng 12/2016, khi quân đội Syria chiếm được miền đông Aleppo từ tay phe đối lập. Điều này khiến Nga có thể giảm các cuộc không kích ở miền bắc Syria, họ sẽ không giảm đáng kể vị thế của mình ở đây cho đến khi Palmyra được giải phóng.

"Đặc biệt là việc để thành phố nơi họ tổ chức một buổi hòa nhạc sau khi giành được chiến thắng trước phiến quân khủng bố vào tháng 5/2015 một lần nữa rơi vào tay IS sẽ là cực kỳ hổ thẹn” - ông Neil Hauer nói.

Tuy vậy, ông Michael Kofman, một thành viên tại Viện Kennan thuộc trung tâm Wilson cho rằng, động thái tuyên bố rút quân của Nga không nhằm vào việc Nga có tập trung toàn lực cho cuộc chiến ở Palmyra, mà mang một ý nghĩa biểu tượng khác.

“Việc chiếm giữ Aleppo là một dấu mốc khác trong hoạt động của quân Nga ở Syria, và điều này mang lại cơ hội tuyên bố chiến thắng ở nước Nga, chiến thắng này được biểu thị bằng thông báo rút quân. Đó là một công cụ để tuyên bố đây là thành tựu chính trị trước người dân trong nước, và thực tế, tôi cho rằng một số lực lượng đặc nhiệm của Nga cùng với các đơn vị hải quân sẽ rút quân trở về. Tuy nhiên, việc rút quân có thể là một sự xoay vòng các đơn vị”, ông Kofman lập luận.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov rút khỏi Syria.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov rút khỏi Syria.

Vị chuyên gia đánh giá: “Nhưng Nga lại có thể duy trì binh lực khá mạnh trong thời gian dài ở Syria. Việc rút quân của Nga hiện nay có khả năng nhằm tái định hình lực lượng nước này tại Syria. Nga đã có kế hoạch mở rộng cả căn cứ không quân Hmeymim và biến căn cứ hải quân Tartus thành một cảng quân sự thực thụ. Những việc này có thể hỗ trợ cho sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Nga ở Syria với mục tiêu phóng chiếu sức mạnh trong toàn khu vực, sau khi việc mở rộng hoàn tất trong một vài năm tới".

Thực tế cho thấy, khi Nga tuyên bố rút quân khỏi Syria, quân đội Nga lại càng cắm rễ thật chắc tại Syria.

Hồi tháng 3/2016, Nga từng tuyên bố rằng sẽ rút phần lớn quân đội ở Syria, chỉ là để xoay vòng lực lượng của mình. Thậm chí sau đó, điện Kremlin còn nhấn mạnh rằng Nga có thể nhanh chóng tái triển khai lực lượng nếu cần thiết. Vào cuối tháng đó, Nga đã yểm trợ đắc lực quân đội Syria tái chiếm thành phố Palmyra từ tay IS.

Chiến trường Damacus đỏ lửa

Trong một diễn biến liên quan, quân đội Syria hôm 9/1 đã phối hợp với Hezbollah, tiếp tục cuộc tấn công quy mô lớn trong khu vực Wadi Barada phía tây Damascus, đánh phá dữ dội tuyến phòng thủ của các tay súng thánh chiến trên nhiều hướng vào thị trấn nhỏ Bassima và Deir Maqran.

Các lực lượng vũ trang Syria, chủ công là lữ đoàn 42 thuộc sư đoàn cơ giới số 4 cùng với binh sĩ lực lượng Hezbollah bắt đầu trận đánh bằng loạt tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM), bắn phá các trận địa phòng ngự của lực lượng thánh chiến, phá hủy một số xe bọc thép và trận địa cố thủ vững chắc trong khu vực Wadi Barada.

Sau các đợt tập kích bằng tên lửa ATGM, quân đội Syria và Hezbollah tấn công vào hệ thống phòng thủ của địch trên hướng bắc thị trấn Deir Maqran. Đối phương chống trả dữ dội và quyết tử thủ khiến nhịp độ tấn công rất chậm, chưa đạt được địa bàn nào trong cuộc chiến.

Sử dụng hỏa lực mạnh và đặc biệt là tên lửa ATGM, quân đội Syria đang quyết chiến tiêu diệt đich. Mục đích của cuộc tấn công là cưỡng bức các tay súng khủng bố phải chấp nhận thỏa thuận hòa bình, giao nộp khu vực Wadi Barada và di chuyển về Idlib.

Khu vực Wadi Barada, đang bị Jabhat Fateh Al-Sham (nguyên Al-Nusra Front) và Harakat Ahrar al-Sham tạm chiếm là chìa khóa giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nước sạch ở Damascus. Khi nguồn nước sạch này vẫn còn đang bị khủng bố chiếm giữ, Chính quyền Syria hiện đang gặp khó khăn trong việc cung cấp nước cho khoảng 5 triệu người tại Damascus.

Clip quân đội Syria đánh chiếm Wadi Barama:

Theo Đông Phong

Đất Việt