1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Nga quyết bảo vệ vị thế cường quốc biển hàng đầu thế giới

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua đã tham dự lễ khởi công đóng một trong những tàu tàu thế hệ mới nhất của Nga và cam kết đẩy mạnh lực lượng hải quân hạt nhân nhằm bảo vệ vị thế cường quốc biển hàng đầu thế giới của nước này.

 
Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Lễ khởi công đóng mới tàu ngầm lớp Borei đã diễn ra tại xưởng đóng tàu Sevmash ở miền Bắc nước Nga. Đích thân nhà lãnh đạo Nga đã tới dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ.

Đó là chiếc tàu ngầm thứ 4 thuộc lớp Borei, được thiết kế để mang một trong những tên lửa hạt nhân liên lục địa mạnh nhất và hiện đại nhất của Nga, Bulava.

“Chúng ta tin rằng đất nước của chúng ta sẽ duy trì vị thế là một trong những cường quốc biển hàng đầu thế giới”, ông Putin phát biểu.

Tổng thống Putin cũng nhắc tới lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Mỹ ở biên kia bờ Đại Tây Dương mà Mátxcơva đã theo dõi chặt chẽ trong nhiều thập niên.

“Trước hết, chúng ta đang nói về sự phát triển của hải quân trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, về vai trò của hải quân nhằm duy trì thế cân bằng hạt nhân chiến lược”, ông nói.

Ông Putin muốn các tàu tàu ngầm lớp Borei và tên lửa mà chúng sẽ mang trở thành nền tảng cho hải quân Nga, vốn sẽ nhận được gần 1/4 trong khoản ngân sách 621,3 tỷ USD dành cho quân đội cho tới cuối thập niên này.

Dự án tàu ngầm Borei, khởi động ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, từ lâu đã vấp phải những trở ngại như thiếu kinh phí và các vụ thử nghiệm tên lửa Bulava thất bại.

Ngoài chiếc thứ 4 vừa được khởi công đóng, 3 chiếc tàu ngầm lớp Borei còn lại hiện đang ở các giai đoạn phát triển khác nhau tại xưởng đóng tàu Sevmash trên bán đảo Kola. Tàu Yury Dolgoruky hiện đang trải qua các cuộc thử nghiệm trên biển, trong khi tàu Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh đang trong quá trình đóng.

Sau gần 2 thập niên thiếu kinh phí, Nga đang đẩy mạnh việc hiện đại hoá lực lượng chiến đấu và thiết kế lại các vũ khí.

Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp quốc phòng, Dmitry Rogozin, ngày 30/7 còn cho biết rằng Mátxcơva nhiều khả năng sẽ đề nghị các ngân hàng nhà nước cấp từ 6,2-9,3 tỷ USD tín dụng hàng năm trong khuôn khổ một kế hoạch hiện đại hoá quốc phòng toàn diện.

Nhắm tới Bắc Cực

Hôm qua, Tổng thống Nga Putin cũng cho biết Nga sẽ có 8 tàu ngầm lớp Borei đến năm 2020. Vào thời điểm đó, hải quân Nga cũng nhận được 51 tàu mới.

Nhắc tới các tham vọng của Nga tại Bắc Cực, nơi Mátxcơva có kế hoạch mở rộng tuyên bố chủ quyền, ông Putin cho hay lực lượng hải quân sẽ bảo vệ các lợi ích của Nga trong khu vực.

“Rõ ràng, hải quân là một lực lượng nhằm bảo vệ các lợi ích kinh tế quốc gia, trong đó có các khu vực như Bắc Cực, nơi tập trung các nguồn tài nguyên sinh học, tài nguyên khoáng sản của thế giới”, nhà lãnh đạo Nga nói.

Mátxcơva đã lên kế hoạch đưa ra một tuyên bố trong năm nay nhằm vẽ lại bản đồ Bắc Cực và cho phép nước này sở hữu một vùng lãnh thổ rộng lớn hơn, nới có thể chứa trữ lượng lớn về dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản.

Nga, Na Uy, Mỹ, Canada và Đan Mạch đang bất đồng về việc phân chia vùng biển Bắc Cực, nơi được cho là chứa 90 triệu thùng dầu thô và 30% nguồn khí đốt chưa khai thác của thế giới, theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS).

Nga đã cho biết sẽ chi hàng triệu USD vào việc nghiên cứu để chứng minh rằng một dãy núi ngầm - vốn giàu trữ lượng khoáng sản, dầu mỏ và khí đốt - là một phần thuộc lãnh thổ nước này.

Canada và Đan Mạch đã bác bỏ khẳng định trên, nói rằng dãy núi ngầm được biết tới với tên gọi Lomonosov Ridge, chạy vắt ngang qua biển Bắc Cực, là phần mở rộng lãnh thổ của họ.

An Bình
Tổng hợp