1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga- NATO có thực sự hàn gắn được quan hệ sau Brexit?

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố nước này sẵn sàng đáp trả việc tăng cường hiện diện của NATO ở biên giới song không chạy đua vũ trang.

Hôm 30/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố nước này sẽ đáp trả việc tăng cường hiện diện quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song Moskva sẽ không bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang.

Phát biểu với các nhà ngoại giao Nga, ông Putin nhấn mạnh hành động của NATO làm suy yếu sự cân bằng quân sự. Theo ông, Nga sẽ tự bảo vệ mình mà không cần tham gia một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém.

Thay vào đó, vị Tổng thống cáo buộc ngược lại NATO tiến hành các hoạt động quân sự gần biên giới với Nga.

"Chúng ta liên tục bị cáo buộc rằng chúng ta thực hiện các hoạt động quân sự. Ở đâu chứ? Ngay trên lãnh thổ của mình. Còn thực tế những gì phát triển trên biên giới của chúng ta thì là chuyện "bình thường", ông Putin nói.

Tổng thống Nga phát biểu trong cuộc họp với các đại sứ Nga tại Thủ đô Moscow ngày 30/6.
Tổng thống Nga phát biểu trong cuộc họp với các đại sứ Nga tại Thủ đô Moscow ngày 30/6.

"Ở Ba Lan, ở các nước vùng Baltic họ triển khai lực lượng phản ứng nhanh, bổ sung các kho vũ khí tấn công. Tất cả đều nhằm mục đích phá hoại nguyên tắc quân đẳng được gây dựng hàng chục năm nay", Tổng thống Nga tiếp.

Trước đó một hôm, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nêu rõ Mỹ và các quốc gia thành viên khác của NATO tiếp tục xây dựng năng lực quân sự của họ tại các quốc gia láng giềng của Nga sẽ làm suy yếu ổn định ở châu Âu và buộc Nga trước mắt phải thực hiện các biện pháp đáp trả theo hướng chiến lược phía Tây.

Ông Shoigu cũng cho biết thêm rằng "hơn 2.000 đơn vị thiết bị mới và hiện đại" sẽ được triển khai ở quân khu miền Tây nước Nga trong năm nay.

Trong khi đó, bên cạnh việc gia tăng các lực lượng quân đội ở biên giới, mới đây Nga cũng đã tham gia nối lại hội đàm trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO sau hội nghị thượng đỉnh của liên minh quân sự này tại Thủ đô Warsaw của Ba Lan vào tháng tới.

Đây là kết quả của cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở Thủ đô Paris.

"Nga đã đưa ra sự chấp thuận, song muốn cuộc đàm phán diễn ra sau hội nghị thượng đỉnh ở Warsaw để có thể kiểm chứng những quyết định được đưa ra trong hội nghị sắp tới của NATO", ông Jean-Marc Ayrault nói.

Tại hội nghị thượng đỉnh của NATO sắp tới, các quốc gia thành viên của liên minh quân sự này sẽ quyết định xem đâu là cách tốt nhất để đối phó với Nga sau khi Moskva tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine năm 2014.

Brexit thực sự làm nên việc lớn

Việc gia tăng quân sự về phía biên giới giáp mặt với EU và những tín hiệu mới trong cuộc hội đàm Nga-NATO sắp tới cho thấy quyết tâm của Moscow trong vấn đề bảo vệ biên giới trong tình hình nóng hơn là can thiệp vào ranh giới địa lý với các nước khác.

Một phần làm nên tín hiệu mới trong cuộc hội đàm Nga-NATO là sự ảnh hưởng rõ rệt từ tài chính đổ vào ngân sách quốc phòng của những nước châu Âu bị ảnh hưởng một phần ở vụ "ly hôn" của Anh.

Kể cả Ngoại trưởng Mỹ trấn an tinh thần, NATO vẫn phải mềm dẻo.
Kể cả Ngoại trưởng Mỹ trấn an tinh thần, NATO vẫn phải mềm dẻo.

Theo nhận định của Tổng biên tập tạp chí The Nation, bà Christine van den Heyvel cho rằng Brexit có thể giúp tránh xung đột giữa Nga và NATO.

"Kết quả trưng cầu dân ý của Anh buộc EU và Mỹ xem xét lại nền tảng cơ bản trong chính sách của họ- liên quan đến chính sách khắc khổ, chính quyền kỹ trị, di dân, kinh tế cũng như đối ngoại", bà nói.

Bà nhấn mạnh phải xem lại cả chính sách của NATO trong quan hệ với Liên bang Nga, đồng thời nêu rõ những gì diễn ra gần đây giữa khối liên minh quân sự và Moskva là "cú trượt dốc nguy hiểm" xuống một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Nhà báo trên cho rằng trong mấy năm qua, quan hệ Mỹ-Nga đã xấu đi rõ rệt, trong đó báo chí Phương Tây luôn mô tả Nga như "kẻ hiếu chiến duy nhất" chứ không nói lời nào về vai trò của EU và NATO trong khủng hoảng Ukraine.

Kể cả lời trấn an của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đối với những thành viên của Tổ chức Hiệp ước bắc Đại Tây dương rằng sau hội nghị thượng đỉnh tới đây sẽ có một "NATO thậm chí hùng mạnh hơn ở phía trước", song việc Pháp đích thân mời Nga tham gia hội đàm trong hội nghị này đã khẳng định thêm nữa vào mối quan hệ có thể hạ nhiệt với Nga.

Có thể những quyết tâm của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg về một "NATO thậm chí trở nên quan trọng hơn, đóng vai trò như một nền tảng cho sự hợp tác giữa châu Âu và Bắc Mỹ cũng như hợp tác quốc phòng và an ninh giữa các đồng minh NATO ở châu Âu" cũng chỉ là những câu nói trong lời tổng động viên tinh thần thành viên mà thôi.

Theo Đông Phong (Tổng hợp)

Đất Việt