1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - Mỹ và cuộc đua giành trái tim thế giới Hồi giáo

Moscow sẽ sử dụng niềm tin và cách ứng xử để đấu chọi với tiềm lực và lối hành xử của Washington trong nâng tầm quan hệ với thế giới Hồi giáo...

Hãng tin Al Arabiya ngày 21/5 đưa tin, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo tổ chức tại thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi đã kết thúc với thông điệp: chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan trên thế giới sẽ bị đánh bại.

Tại Hội nghị, Quốc vương Salman đã nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ hợp tác để chấm dứt sự tồn tại của chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan dưới mọi hình thức và cách thức của nó. Hồi giáo đã và sẽ tiếp tục là một tôn giáo của khoan dung và hòa bình".

Đáp lại, phát biểu trước 55 nhà lãnh đạo của thế giới Hồi giáo, Tổng thống Donald Trump cho biết: "Tôi mang theo thông điệp tình yêu từ Mỹ - đó là lý do tại sao tôi chọn Ả Rập Saudi cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên.

Tầm nhìn của Mỹ là hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Trung Đông và trên toàn thế giới".

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo

Theo Quốc vương Ả Rập Saudi, đã có một thỏa thuận lịch sử với Mỹ nhằm theo dõi và tấn công vào các nguồn tài trợ cho khủng bố. Một liên minh chống khủng bố tại Trung Đông với lực lượng khoảng 34.000 binh sĩ sẽ được thành lập vào năm 2018.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo diễn ra trong bối cảnh cuộc họp của Nhóm Tầm nhìn Chiến lược Nga-Thế giới Hồi giáo và Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế quốc tế lần thứ 9 giữa Nga-Thế giới Hồi giáo vừa kết thúc ngày 20/5 tại Kazan.

Điều đó cho thấy, Moscow và Washington đang tích cực hướng về thế giới Hồi giáo với cả tầm nhìn chiến lược lẫn kế hoạch hành động mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thực tế đó khiến giới phân tích cho rằng một cuộc cạnh tranh giữa Nga và Mỹ nhằm tạo ảnh hưởng với thế giới Hồi giáo đã hình thành.

Vậy nước nào sẽ giành phần hơn trong cuộc cạnh tranh đặc biệt này?

Niềm tin của Nga và tiềm lực của Mỹ

Có thể khẳng định ngay rằng, nước Mỹ không thể kết nối với cả thế giới Hồi giáo nếu không có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị tại xứ cờ hoa, song với nước Nga thì hoàn toàn có thể.

Căn nguyên của vấn đề nằm ở nguyên tắc nền tảng vận hành của hệ thống chính trị.

Nguyên tắc tự do – dân chủ truyền thống phương Tây mà Mỹ là trung tâm, được xây dựng dựa trên nền tảng Nhân Quyền. Điều đó khiến cho nguyên tắc tự do - dân chủ ấy sẽ mang tính phổ quát trên toàn thế giới, xóa nhòa đi tính đặc thù được hình thành bởi những yếu tố tự nhiên, xã hội khác.

Nguyên tắc này đối lập, thậm chí đối nghịch với rất nhiều nguyên tắc vận hành hệ thống chính trị của hầu hết các quốc gia trong thế giới Hồi giáo, trong đó có vấn đề ảnh hưởng của giáo luật đối với pháp luật trong điều hành và quản lý đất nước.

Tổng thống Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo
Tổng thống Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo

Đây là rào cản mang tính mặc định không thể xóa nhòa giữa thế giới phương Tây nói chung, nước Mỹ nói riêng, với thế giới Hồi giáo.

Thực tế đó thể hiện quá rõ trong lời nhận định của Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi, Adel al-Jubeir, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hồi giáo.

"Chúng tôi muốn chuyển tải thông điệp đến thế giới phương Tây rằng thế giới Hồi giáo không phải là kẻ thù", Al Arabiya tường thuật.

Trong khi đó, nguyên tắc nền tảng vận hành hệ thống chính trị tại nước Nga hiện nay được xây dựng trên nền tảng Dân Quyền. Điều này đảm bảo sự kết hợp giữa nguyên lý chung với yếu tố đặc thù của từng quốc gia, dân tộc.

Như vậy, ngay trong nguyên tắc nền tảng giữa Nga và thế giới Hồi giáo đã không có những rào cản mang tính mặc định, cả hữu hình và vô hình.

Do đó, trong việc kết nối với thế giới Hồi giáo, người Nga chỉ cần khẳng định niềm tin với thế giới Hồi giáo, còn người Mỹ thì phải liên tục xác lập lại những chuẩn mực cho niềm tin với thế giới Hồi giáo.

Mà thể hiện ra là thay đổi tỷ lệ giữa tương đồng và khác biệt trong nguyên tắc nền tảng hình thành và vận hành của hệ thống chính trị quốc gia.

Và người Mỹ làm điều đó thông qua những cam kết, thỏa thuận mà lợi ích - cả lợi ích kinh tế lẫn lợi ích chính trị - được xem là yếu tố quan trọng tạo ra niềm tin cho thế giới Hồi giáo trước những đổi thay của nước Mỹ.

Nghĩa là niềm tin của Mỹ được xác lập qua việc đáp ứng những mong đợi của thế giới Hồi giáo hướng về họ và nước Mỹ có đủ khả năng cũng như tiềm lực để thực hiện điều đó.

Chỉ riêng việc Ả Rập Saudi đứng ra tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hồi giáo ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump, trong khi Washington vẫn quyết hồi tố trách nhiệm của Riyadh trong vụ 11/9 với đạo luật Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố, đã cho thấy tác động từ lợi ích Mỹ mạnh mẽ như thế nào.

Tổng thống Putin gặp gỡ Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran - một thực thể mà Mỹ luôn cho là đối nghịch
Tổng thống Putin gặp gỡ Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran - một thực thể mà Mỹ luôn cho là đối nghịch

Với Nga, dù niềm tin có sẵn và chỉ cần khẳng định là có thể nâng tầm quan hệ với thế giới Hồi giáo, song điều đó lại không dễ dàng với Moscow, mà nguyên nhân quan trọng nhất chính là khả năng và tiềm lực của nước Nga chưa thể rải lợi ích cho các đối tác trong thế giới Hồi giáo.

Mà niềm tin dù có vững chắc đến mấy nhưng nếu không thể chuyển hóa thành lợi ích cho đối tác thì lâu dần sẽ bị mai một, thậm chí sẽ dẫn đến mất niềm tin.

Đây là bài toán rất hóc búa với Tổng thống Putin khi Tổng thống Trump chọn gia tăng kết nối với thế giới Hồi giáo trong thời điểm hiện nay.

Lối hành xử của Mỹ và cách ứng xử của Nga

Có thể nhận diện, khi nền tảng đã khác biệt mà lại có tiềm lực vững mạnh, điều đó vừa là điểm mạnh nhưng cũng đồng thời là điểm yếu của Mỹ, đó chính là lối hành xử, mà thể hiện cụ thể trong việc tận dụng công hiệu của “củ cà rốt Mỹ” và “cây gậy của Washington”.

Nền tảng khác biệt khiến cho Washington luôn có phân biệt đối xử trong thế giới Hồi giáo và điều đó gây hệ lụy rất lớn với uy tín, thậm chí cả uy lực của Mỹ.

Việc Washington phát động cuộc tấn công chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà bỏ quên chủ quyền quốc gia là một lối hành xử khiến cho nước Mỹ luôn đối mặt với nhiều kẻ thù trong thế giới Hồi giáo.

Tuyên bố của tấn công khủng bố mà quên mất chủ quyền quốc gia là một lối hành xử của Mỹ gây mất niềm tin của thế giới Hồi giáo
Tuyên bố của tấn công khủng bố mà quên mất chủ quyền quốc gia là một lối hành xử của Mỹ gây mất niềm tin của thế giới Hồi giáo

Chính vì vậy mà giới phân tích đã cho rằng nhiều nước tham gia Liên minh Quân sự Hồi giáo do Ả Rập Saudi làm "chủ xị" chỉ nhằm giải tỏa nỗi lo thường trực, là chủ quyền quốc gia sẽ bị tước bỏ bất cứ lúc nào bởi một hành động của chính lực lượng chống khủng bố do Mỹ cầm đầu.

Không những vậy, sự khác biệt khác biệt về nền tảng cộng với tiềm lực vững mạnh khiến Washignton có những hành xử mang tính áp đặt, từ đó tạo ra nhiều mâu thuẫn cho chính thế giới Hồi giáo, chứ không phải tạo ra một liên minh vững chắc cho những người theo đạo Hồi.

Chỉ riêng việc Tổng thống Trump kêu gọi tất cả các nước Hồi giáo cùng hợp tác để cô lập Iran, cáo buộc nước cộng hòa Hồi giáo này thúc đẩy các vụ hỗn loạn, xung đột giáo phái và khủng bố, đã khiến cho niềm tin mà thế giới Hồi giáo hướng về Mỹ luôn không thể vững vàng.

"Cho đến khi chế độ ở Iran chưa sẵn sàng trở thành một đối tác vì hòa bình, tất cả các quốc gia có lương tâm phải hợp tác để cô lập họ. Iran phải chịu trách nhiệm về sự bất ổn trong khu vực. Họ tài trợ vũ khí, huấn luyện các nhóm du kích gây ra sự hỗn loạn và làm nhiễu loạn tại Trung Đông".

Trong khi đó, những hành xử của Moscow, nhất là dưới thời Tổng thống Putin đều khiến cho thế giới Hồi giáo yên tâm hơn khi bắt tay với nước Nga trong những ván cờ tại các khu vực Trung Đông cũng như trên toàn thế giới.

Riêng việc quân đội Nga chỉ xuất hiện tại Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad có lời kêu gọi hỗ trợ chống khủng bố, thể hiện sự tôn trọng chủ quyền của một thực thể chính trị, là một hành động có thể gây thiện cảm rất lớn với cả thế giới Hồi giáo, chứ không chỉ những thực thể đứng về phía Moscow.

Việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là cách ứng xử trong ngoại giao quốc tế của Nga gây nhiều thiện cảm
Việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là cách ứng xử trong ngoại giao quốc tế của Nga gây nhiều thiện cảm

Do vậy, theo giới phân tích, Moscow sẽ sử dụng niềm tin và cách ứng xử để đấu chọi với tiềm lực và lối hành xử của Washington trong việc gia tăng kết nối và nâng tầm quan hệ với thế giới Hồi giáo – một lực lượng đang đóng vai trò ngày một lớn hơn trên vũ đài chính trị thế giới.

Mỹ hay Nga sẽ chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh gây tầm ảnh hưởng đặc biệt này, chúng ta cùng chờ xem.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt