1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga điều máy bay không người lái tới Trung Á "đấu" ảnh hưởng với Trung Quốc

(Dân trí) - Cả Nga và Trung Quốc đều đang ra sức tăng cường tầm ảnh hưởng ở Trung Á. Trong khi Mátxcơva chỉ có một đối sách là tăng cường các biện pháp quân sự, Bắc Kinh lại dùng sức mạnh kinh tế để đạt được mục đích của mình.

Nga điều máy bay không người lái tới Trung Á đấu ảnh hưởng với Trung Quốc

Thành viên của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) thực hiện một cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu hộ ở Alma - Ata, Kazakhstan. (Ảnh: Xinhua)

Theo Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc, kể từ sau tuyên bố của Bắc Kinh về sáng kiến Vành đai và Con đường, Nga đã quyết định triển khai các phương tiện bay không người lái tới Trung Á - một động thái nhằm đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. 

Các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan đều đã tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập. Đây được coi là “nguồn sữa” chính của dự án “Một vành đai, một con đường”. 

Bài viết cũng cho biết do hiện nay kinh tế Nga phụ thuộc chủ yếu vào mối quan hệ giao thương với Trung Quốc, nên các biện pháp ngăn ngừa quân sự được coi là phương tiện duy nhất giúp ông Putin đối phó với ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Trung Á.

Bộ Quốc phòng Nga mới dây đã ra thông báo về kế hoạch tăng lực lượng ở Tajikistan lên 9.000 quân trong tương lai gần. Không quân Nga cũng sẽ bổ sung các phương tiện bay không người lái đến đây. 

Mátxcơva coi các hành động triển khai quân là biện pháp ngăn chặn tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và bất cứ cuộc tấn công khủng bố nào có thể xảy ra tại khu vực. 

Báo Trung Quốc nhận định: “Hiển nhiên là các tổ chức khủng bố đã trở thành lý do tuyệt vời cho Nga để họ củng cố và tăng cường ảnh hưởng quân sự tại vùng này.” 

Trong khi báo Đài Loan WCT dẫn lời các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng: dù sao đi nữa thì sự hiện diện của quân đội Nga cũng sẽ rất cần thiết trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực trong khu vực, nhất là khi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên cùng với đà tăng cường hợp tác kinh tế giữa họ với các quốc gia Trung Á.

Bắc Kinh xem ra thậm chí còn cảm thấy mừng khi Nga gửi quân tới những vùng này khi mà họ chưa sẵn sàng để huy động quân đội thực thi  nhiệm vụ gìn giữ ổn định trong khu vực.
 
Cả hai nước đều có thể "nhẫn nhịn" để cùng hưởng lợi từ chính sách đó - Thời báo Hoàn Cầu nhận xét.

Trần Khánh 
Theo WCT