1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga công bố “thủ phạm” khiến tàu thám hiểm sao Hỏa gặp nạn

(Dân trí) - Nga hôm qua cho rằng các tia vũ trụ đã gây tác động làm lỗi máy tính, khiến sứ mệnh thám hiểm sao Hỏa của họ vào tháng 11 năm ngoái thất bại.

 
Nga công bố “thủ phạm” khiến tàu thám hiểm sao Hỏa gặp nạn - 1


Tàu thám hiểm sao Hỏa của Nga đã gặp trục trặc ngay sau khi được phóng đi vào ngày 9/11 vừa qua.
 

Thông báo kết quả điều tra ban đầu về sự thất bại của sứ mệnh tàu thám hiểm mặt trăng sao Hỏa Phobos-Grunt, cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cũng tiết lộ kế hoạch phóng tàu vũ trụ có người lái tiếp theo lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) sẽ bị hoãn lại do trục trặc kỹ thuật.

 

Tàu thám hiểm Phobos-Grunt, với mục tiêu mang mẫu đất trên mặt trăng lớn nhất trong hai mặt trăng của sao Hỏa, đã bị đâm trở lại trái đất vào giữa tháng 1 vừa qua, sau khi bị mắc kẹt trong quỹ đạo trái đất ngay sau khi được phóng đi vào tháng 11.

 

“Theo ý kiến của ủy ban điều tra, lý do khả quan nhất là ảnh hưởng của các phân tử nặng từ trong vũ trụ lên hệ thống máy tính trên tàu”, người đứng đầu Roscosmos, ông Vladimir Popovkin cho biết trên hãng thông tấn RIA Novosti.

 

Tàu vũ trụ không người lái được phóng đi vào ngày 9/11 năm ngoái, trong sứ mệnh đầy tham vọng nhằm vươn tới mặt trăng Phobos của sao Hỏa. Đây là bước tiến đầu tiên trong giấc mơ đưa người lên sao Hỏa của Nga.

 

Nhưng nó đã bị mắc kẹt trong quỹ đạo thấp của trái đất, trước khi dần dần rơi trở lại và đâm xuống Thái Bình Dương vào ngày 15/1.

 

Theo người đứng đầu Roscosmos, các tia trong vũ trụ có vẻ như đã khiến hệ thống máy tính trên tàu bị gặp trục trặc về bộ nhớ sau khi tàu được phóng. Sau khi tàu được phóng, các bộ phận của hệ thống máy tính sẽ tái khởi động và được mặc định ở chế độ tiết kiệm năng lượng.

 

Nhân viên ở nhà máy phóng tên lửa đã bị phạt vì vụ phóng hỏng tàu, ông Popovkin cho biết thêm.

 

“Thực hiện một nhiệm vụ lớn và dài hơi như vậy, lẽ ra họ phải tính đến ảnh hưởng của vũ trụ đối với thiết bị trên một trạm liên hành tinh”, ông nói. Ông cũng đổ lỗi cho các vi mạnh không đạt tiêu chuẩn hoặc ngoại nhập giả được sử dụng trên tàu. Ông tiết lộ hơn 60% vi mạch không được thiết kế để dùng trong vũ trụ.

 

“Đây là những thiết bị nhập khẩu và dĩ nhiên đây có thể là một nguyên nhân”, ông Popovkin cho hay.

 

Kết quả điều tra vô lý?

 

Trước đó, Nga nghi ngờ sóng radar của Mỹ có thể khiến tàu thám hiểm sao Hỏa của họ ngưng hoạt động.

 

Song một nguồn tin trong ngành không gian cho biết trên RIA Novosti rằng “hoàn toàn nực cười” khi cho rằng các nhà phát triển không tính đến ảnh hưởng của các tia trong vũ trụ, những tia liên tục “dội” xuống bầu khí quyển trái đất.

 

“Họ không làm một chiếc máy hút bụi, nhưng tàu vụ trụ phải bay được trong môi trường khắc nghiệt của vũ trụ và thật không thể tin là họ không tính đến điều này”, nguồn tin cho biết.

 

Hãng thông tấn Interfax dẫn lời Lev Zeleny, thuộc Viện nghiên cứu vũ trụ, cho biết dự án dài hơi đã trải qua vô vàn lần sửa chữa không được thử nghiệm trong vũ trụ. “Thực tế là con tàu mới được xây dựng…và tôi nghĩ đó là một trong những nguyên nhân chính cho thất bại”.

 

“Có hàng loạt lỗi có thể thấy rõ trong việc thiết kế con tàu, khiến nó không thể sử dụng được”, Igor Lisov, tạp chí Space News (Tin tức Không gian) cho biết trên đài phát thanh FM Kommersant.

 

Ông Popovkin cũng xác nhận chuyến bay có người lái tiếp theo lên ISS, dự kiến vào ngày 30/1, sẽ bị hoãn lại một tháng do có lỗi trong quá trình thử khoang vũ trụ Soyuz.

 

Trước đó, cũng vào ngày hôm qua, người đứng đầu chương trình vũ trụ có người lái tại Roscosmos, Alexei Krasnov, cho biết khoang trở lại trái đất của tàu vũ trụ Soyuz TMA-04M bị phát hiện không được bịt kín. Vì vậy họ phải thay thế khoang này bằng khoang dự định dùng cho sứ mệnh sau đó, dự kiến vào ngày 30/5.

 

Trong một năm qua, ngành hàng không vũ trụ Nga đã trải qua hàng loạt thất bại bị coi là bẽ mặt, trong đó có vụ đâm tàu chở hàng cung ứng cho ISS.

 

Vào ngày hôm qua ông Popovkin cho biết chương trình không gian của Nga tới năm 2030 sẽ tiêu tốn khoảng từ 4,9 tỷ USD đến 6,6 tỷ USD mỗi năm.

 

Phan Anh

Theo AP