1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga buộc Mỹ đóng cơ quan viện trợ ở Mátxcơva

(Dân trí) - Chính phủ Mỹ ngày 18/9 cho hay Nga đã buộc nước này đóng cửa cơ quan viện trợ tại Mátxcơva, trong động thái mà Mỹ cho rằng là đòn giang mạnh đối với nỗ lực cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.

 
Nga buộc Mỹ đóng cơ quan viện trợ ở Mátxcơva
Tổng thống Nga Putin chủ trì cuộc họp  ngân sách liên bang tại Bocharov Ruchei, Sochi, ngày 18/9.

Nga cho Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ  (USAID) đến ngày 1/10 tới phải ngừng hoạt động. Phía Mỹ cho biết USAID đã hoạt động tại Nga được 2 thập niên và đã chi hơn 2,6 tỷ USD cho cuộc chiến chống bệnh tật, bảo vệ môi trường, củng cố các mối quan hệ xã hội dân sự và hiện đại hóa nền kinh tế.

 

Khi công bố quyết định đóng cửa USAID ở Nga, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chính phủ Nga cảm thấy không nên là người nhận viện trợ nước ngoài nữa.

 

Giới phân tích cũng đề cập đến động cơ chính trị của vụ việc, cho rằng Điện Kremlin muốn giảm sự ủng hộ của nước ngoài đối với các nhóm chống đối tại Nga.

 

Sau khi lên nắm quyền hồi tháng 5, Tổng thống Nga Putin đã thúc đẩy luật mới nhằm nâng mức phạt đối với người biểu tình, siết chặt trừng phạt cho tội bôi nhọ chính phủ và kiểm soát chặt các nhóm được nước ngoài hỗ trợ.

 

Khi lên nắm quyền ở Mỹ, Tổng thống Obama đã tìm kiếm “tái khởi động” mối quan hệ với Nga và đã đạt được một số kết quả, như hiệp ước kiểm soát vũ khí năm 2010. Mặc dù vậy, hai nước vẫn bất đồng trên nhiều vấn đề, từ bạo lực tại Syria, chương trình hạt nhân của Iran, tới kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ và phong trào Mùa Xuân Ả rập.

 

Khi công bố quyết định đóng cửa, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết USAID sẽ vẫn tiếp tục khuyến khích dân chủ và xã hội dân sự mặc dù không còn văn phòng ở Nga. Một quan chức chính phủ Mỹ cho biết quyết định đóng cửa văn phòng sẽ ảnh hưởng tới 13 nhà ngoại giao Mỹ và 60 nhân viên địa phương.

 

Những nhóm ở Nga bị ảnh hưởng nhất gồm có GOLOS, giám sát hoạt động bầu cử, và Memorial, tổ chức theo dõi nhân quyền.

 

Trước quyết định trên, thượng nghị sỹ Cộng hòa John McCain cho rằng: “Quyết định của chính phủ Nga nhằm chấm dứt hoạt động của USAID tại nước này là xúc phạm Mỹ và là một cái thọc tay vào mắt chính quyền Obama”.

 

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Obama bày tỏ thất vọng về quyết định. “Chúng tôi rất buồn khi chúng tôi sẽ không thể làm những việc chúng tôi đã và đang làm”, quan chức giấu tên cho hay.

 

USAID có ngân sách gần 50 triệu USD cho năm 2012 tại Nga, với hơn một nửa chi cho nhân quyền và hoạt động dân chủ. Khoảng 40% được chi trực tiếp cho các tổ chức của Nga.

Vũ Quý

Theo AP