1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ: Vì sao phòng thí nghiệm quỹ đạo có người lái bị xóa sổ?

Thời đỉnh cao căng thẳng của cuộc Chiến tranh lạnh và cuộc chạy đua vào không gian giữa 2 "người khổng lồ" Liên Xô và Mỹ, Lầu Năm Góc bắt đầu triển khai một chương trình nguy hiểm - đưa gián điệp vào quỹ đạo trái đất. Những chi tiết của chương trình này chỉ mới vừa được tiết lộ.

Cuối những năm 60 thế kỷ trước, Không lực Mỹ tiến gần đến việc hoàn thành con tàu vũ trụ do thám có khả năng chụp những bức ảnh không thám Liên Xô với đường nét rõ đến từng chi tiết.

Con tàu này không chỉ là một vệ tinh bình thường mà dài đến 22m. Với tên gọi khác thường là Phòng thí nghiệm Quỹ đạo có người lái (MOL), con tàu được thiết kế để chở phi hành đoàn chỉ gồm 2 nhà du hành quân sự thực hiện nhiệm vụ kéo dài 40 ngày trên quỹ đạo trái đất, hướng những ống kính viễn vọng khổng lồ cùng với hệ thống radar tinh xảo xuống các mục tiêu dưới mặt đất. Có kích thước khổng lồ và được trang bị những công nghệ tiên tiến nhất thời đó, MOL được đánh giá là kỳ quan của kỷ nguyên không gian.

Mỹ: Vì sao phòng thí nghiệm quỹ đạo có người lái bị xóa sổ? - 1

Tổng thống Richard Nixon.

Tuy nhiên, MOL cũng là cơn ác mộng ngoại giao bởi vì người Mỹ lo sợ Liên Xô sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ. Cuối cùng, Tổng thống Richard Nixon ra quyết định hủy bỏ MOL vào năm 1969 sau khi chương trình đầy tham vọng này đã ngốn hết hơn 1,5 tỉ USD - tương đương 10 tỉ USD ngày nay -  và trong suốt nhiều năm dài đã tiêu tốn 17% (tức 1/5) ngân sách nghiên cứu và phát triển hàng năm của Không lực Mỹ.

Đại tá Ralph Ford, người nằm trong bộ phận chương trình không gian của Không lực Mỹ, viết trong báo cáo năm 1968 về quyết định của Tổng thống Nixon: "Chúng ta tin tưởng điều này sẽ giới hạn sự phê chuẩn một số chương trình nghiên cứu và phát triển cực kỳ quan trọng khác của Không lực Mỹ".

Thật ra, MOL chưa bao giờ là chương trình bí mật thật sự. Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara từng công khai thông báo về kế hoạch triển khai MOL vào tháng 12/1963. Nhưng mãi cho đến tháng 10/2015 công chúng mới biết đến chương trình gián điệp không gian này của Lầu Năm Góc sau khi Cơ quan Do thám Quốc gia Mỹ (NRO) - tổ chức giám sát hệ thống kính viễn vọng và thiết bị tinh vi khác của MOL - cho giải mật 825 hồ sơ liên quan đến kế hoạch phát triển vệ tinh.

Mỹ: Vì sao phòng thí nghiệm quỹ đạo có người lái bị xóa sổ? - 2

Những phi hành gia ứng viên cho chương trình MOL.

MOL có nguồn gốc từ cuối thập niên 50, giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa Mỹ và Liên Xô trên không gian vũ trụ. Người Liên Xô phóng vệ tinh có người lái đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik vào tháng 10/1957. Mỹ cũng nỗ lực chạy đua đưa vệ tinh đầu tiên của nước này vào quỹ đạo vào tháng 1/1958.

Ngày 23/4 cùng năm, tướng H.A. Boushey - chỉ huy thứ 2 trong Chương trình nghiên cứu và phát triển không gian của Không lực Mỹ - báo cáo trước Quốc hội về viễn cảnh khai thác không gian vũ trụ của Mỹ đang gặt hái những "tiến  bộ vượt bậc trong công nghệ kính viễn vọng và độ phân giải chụp ảnh". Ông ta quả quyết: không bao lâu nữa kính viễn vọng sẽ được sử dụng cho vệ tinh và "với kính viễn vọng có đường kính chỉ 101.6cm có thể phát hiện thấy các vật thể có kích thước chưa đến 61cm trên mặt đất". Chương trình MOL được triển khai vào 2 năm sau đó và Lầu Năm Góc muốn MOL đi vào quỹ đạo năm 1967. Không lực Mỹ mô tả MOL là dự án khoa học "phi thường" nhằm làm mờ nhạt đi những sứ mạng quân sự của nó. Đồng thời các mục tiêu của chương trình MOL cũng được xếp loại "MẬT".

Tháng 4/1966, Lầu Năm Góc vẫn còn lạc quan tự tin vào con tàu vũ trụ do thám có người lái - chủ yếu so sánh với những vệ tinh không người lái. Tuy nhiên, chương trình MOL cũng vấp phải nhiều sự nghi ngờ. Tháng 8/1965, Ngoại trưởng Dean Rusk viết thư gửi đến Bộ trưởng Quốc phòng McNamara để cảnh báo ông ta về khả năng gây mất ổn định trên trường quốc tế của MOL. Năm 1963, Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết cấm các vũ khí trên không gian - và Washington cũng như Moscow cùng cam kết tuân thủ. Do đó, rõ ràng chương trình MOL đe dọa ngấm ngầm phá hoại thỏa thuận này.

Robert Kranich, quan chức kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Mỹ, tuyên bố vào tháng 1/1966: "Người Xôviết có thể coi MOL là vấn đề nghiêm trọng và họ đánh giá đây là một trong những chính sách của Mỹ nhằm gia tăng quân sự hóa hơn là giải giáp". Cụ thể là, chương trình MOL có thể làm rối tung sự cân bằng quyền lực. Theo trang web của NRO, MOL cũng dần bị "thất sủng" do sự tiến bộ của tàu vũ trụ tự động ít tốn kém tiền bạc hơn nhiều cũng như sức ép tài chính đáng kể đến từ sự gia tăng phát triển chương trình Apollo của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Trong báo cáo gửi đến Tổng thống Nixon vào tháng 4/1969, Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó là Melvin Laird đánh giá những hệ thống vệ tinh tự động không người lái "sẽ giúp cho chúng ta tiết kiệm ít nhất 350 triệu USD trong số 525 triệu USD dành cho MOL trong năm tài khóa 1970". Melvin Laird cũng nhấn mạnh rằng NRO có thể sử dụng các hệ thống camera được phát triển cho MOL bằng cách tích hợp chúng vào các vệ tinh tự động hóa. Ngày 10/6/1969, Tổng thống Richard Nixon chính thức xóa sổ chương trình MOL. Trang web NRO cho biết "chương trình MOL hoạt động trong 5 năm rưỡi và đã tiêu tốn 1,56 tỉ USD".

Theo Duy Ân (tổng hợp)

An ninh thế giới

Mỹ: Vì sao phòng thí nghiệm quỹ đạo có người lái bị xóa sổ? - 3