1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ trước thực tế tàu sân bay "nằm bẹp" vì "đói tiền"

(Dân trí) - "Nằm bẹp" tại cảng ở Virginia thay vì tuần tra vùng Vịnh Péc-xích, tàu sân bay USS Harry Truman cùng 3.360 sỹ quan và thủy thủ trên tàu vào cuối tuần qua nằm trên tiền tuyến của cuộc xung đột mới nhất mà nước Mỹ sa lầy.

Mỹ trước thực tế tàu sân bay nằm chết gí vì đói tiền


 

 

Tuy nhiên, chiến trường không phải liên quan đến quân đội, mà là ngân sách, khi sức mạnh của tàu hạt nhân Truman bị phủ bóng bởi cuộc chiến mới giữa Tổng thống Obama và các đối thủ đảng Cộng hòa.

 

Hai “chiến tuyến” đang đối đầu trong cuộc chiến tài chính dường như không có hồi kết về triết lý vai trò chính trị cũng như tài chính của chính phủ. Kết quả của cuộc chiến về cắt giảm chi tiêu, tăng thuế chắc chắn sẽ thống trị nhiệm kỳ 2 tại Nhà Trắng của Obama.

 

Với bế tắc trong thỏa thuận mới để đối phó với nợ quốc gia, con số cắt giảm chi tiêu liên bang bắt buộc của Mỹ là 85 triệu chính thức có hiệu lực vào cuối tuần qua.

 

Lầu Năm Góc phải “gánh” hơn một nửa số tiền đó. Trong số những khoản tiếp kiệm gây tranh cãi nhất là ngưng triển khai tàu Truman tới Trung Đông, thậm chí khi căng thẳng ở điểm nóng này về chương trình hạt nhân Iran tăng cao.

 

“Hãy để tôi nói rõ, sự bấp bênh này đặt khả năng hoàn thành mọi sứ mệnh của chúng ta vào nguy hiểm”, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuk Hagel cho biết. “Chúng ta sẽ bị buộc phải chấp nhận thêm rủi ro”.

 

Đối với Lầu Năm Góc, khi buộc phải cắt giảm 46 tỷ USD, ông Hagel cho biết 4 nhánh không quân của hải quân sẽ dần dần phải ngừng bay, khi Không quân sẽ phải cắt giảm ngay giờ bay, quân đội sẽ giảm giờ huấn luyện và gần như toàn bộ 800.000 công nhân dân sự của Bộ quốc phòng sẽ phải nghỉ không lương.

 

Tuy nhiên, phe Cộng hòa lập luận rằng chính quyền Obama đang chơi bài chính trị đối với an ninh quốc gia bằng cách buộc các dự án quan trọng phải “chịu trận”, như cắt giảm triển khai tàu sân bay thay vì cắt giảm các khoản chi tiêu lãng phí khác.

 

Theo luật, Tổng thống Obama đã buộc phải ký sắc lệnh vào cuối ngày thứ sáu vừa qua, yêu cầu cắt giảm 85 tỷ USD ngân sách của các cơ quan chính phủ tới cuối năm tài khóa niên bang, tức vào 30/9, theo cụm từ được gọi là tịch thu tạm thời.

 

Ngoài ra, sẽ có những khoản cắt giảm bắt buộc khác trong 1 thập niên tới, với tổng số là 1,2 nghìn tỷ, nếu đảng Cộng hòa và Dân chủ không nhất trí được cách thức giảm khoản nợ quốc gia 16 nghìn tỷ USD của Mỹ.

 

Bế tắc tài chính này đe dọa làm mờ hi vọng của Obama cho chương trình nghị sự đầy tham vọng trong nhiệm kỳ hai, trong đó có cải cách hệ thống nhập cư và kiểm soát súng, khi cuộc chiến ngân sách sẽ tiếp tục tiêu tốn nhiều thời gian và công sức của tổng thống và quốc hội, đồng thời khiến chia rẽ đảng phái ở Washington bị khoét sâu thêm.

 

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo nguy cơ khó phục hồi nền kinh tế toàn cầu. “Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ phải đánh giá lại dự đoán phát triển cho Mỹ và các dự đoán khác”, người phát ngôn IMF cho hay.

 

Obama cho biết việc cắt giảm sẽ làm mất 750.000 việc làm, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế vốn đã chậm chạp của Mỹ 0,5%. Nhưng những con số này bị phe đảng Cộng hòa cho rằng chỉ là những thủ thuật gây báo động, do những con số cắt giảm chỉ bằng 2,4% của 3,55 nghìn tỷ USD ngân sách liên bang.

 

“Tổng thống đã sẵn sàng làm cho khoản cắt giảm đó đau đớn nhất có thể- để gửi thông điệp đơn giản tới công chúng rằng: “Bạn muốn kiểm soát chi tiêu của Washington, nước Mỹ? Được thôi, hãy để tôi cho bạn thấy tôi có thể khiến nó đau đớn thế nào”, Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số của Cộng hòa ở Thượng viện cho hay.

 

Ngay tức thời, các cơ quan chính phủ vào tuần này sẽ bắt đầu gửi đi lá thư “nghỉ phép” tới hàng trăm ngàn nhân viên, thông báo cho họ biết họ sẽ bị buộc nghỉ không lương, khoảng 1 ngày/tuần và bắt đầu vào tháng 4.

 

Một trong những ảnh hưởng nhãn tiền đầu tiên chắc chắn là tại các sân bay, khi nhân viên trạm điều khiển không vận bị cắt giảm. Cơ quan hàng không liên bang Mỹ cũng dự kiến công bố kế hoạch đóng cửa 168 tháp điều khiển không vận của các nhà thầu vào ngày 1/4 và 21 tháp khác cho tới ngày 30/9.

 

Nhưng ngân sách quốc phòng mới là “kẻ” chịu báng nặng nhất. “Quân đội sẽ giảm huấn luyện cho tất cả các đơn vị ngoài trừ những đơn vị triển khai tới Afghanistan, tức sẽ ảnh hưởng tới gần 80% đơn vị”, ông Hagel cho hay.

 

Nhạy cảm nhất là kế hoạch thay đổi triển khai khí tài của hải quân. Các chỉ huy quân sự đã yêu cầu 2 trong số 10 tàu sân bay được phái tới Vịnh Péc-xich vào thời điểm căng thẳng trong chương trình hạt nhân Iran tăng cao. Nhưng Lầu Năm Góc giờ đây quyết định vì lý do ngân sách, họ chỉ có thể có đủ tiền triển khai một chiếc tàu tới đó trong cùng một thời điểm.

 

Chính vì vậy mà Truman giờ đây phải nằm bẹp ở quê nhà, trong khi công tác bảo dưỡng trên tàu sân bay khác, USS Abraham Lincoln, cũng bị đình trệ vì cuộc khủng hoảng.

 

Các quan chức quân sự đã cảnh báo tác động của việc cắt giảm sẽ rất lớn. Ngân sách Lầu Năm Góc đang phải đối mặt với tổng giảm chi tiêu lên tới gần 500 tỷ USD trong vòng 10 năm, nếu toàn bộ khoản cắt giảm 1,2 nghìn tỷ trong chi tiêu liên bang được áp dụng trong khoảng thời gian đó.

 

Trong lời kêu gọi Tổng thống và quốc hội hành động, hơn 30 cựu chính trị gia Cộng hòa nổi bật và lãnh đạo an ninh quốc gia gần đây cho rằng việc cắt giảm sẽ “đem lại nguy cơ không thể chấp nhận cho an ninh quốc gia Mỹ”.

 

Trong lá thư mở gửi cho cơ quan Sáng kiến chính sách đối ngoại, họ cho biết, việc cắt giảm “sẽ hạ thấp khả năng bảo vệ các đồng minh của chúng ta, khả năng ngăn chặn sự hiếu chiến và khuyến khích cũng như bảo vệ các lợi ích kinh tế của Mỹ. Nó sẽ làm giảm độ tin cậy trong những cam kết theo hiệp ước của chúng ta ở nước ngoài. Đây sẽ là vết thương tự gây ra cho sức mạnh và sự lãnh đạo của Mỹ trên thế giới”.

 

Nhà thầu quân sự lớn nhất Mỹ Lockheed Martin cũng bày tỏ quan ngại. “Bất kỳ sự chậm trễ nào trong nguồn tài chính cho các chương trình sản xuất cũng đe dọa đến sự ổn định của chuỗi cung ứng của chúng tôi, làm tăng giá thành, kéo dài kế hoạch chuyển giao và cuối cùng làm yếu vị thế an ninh quốc gia của chúng ta”, công ty này ra tuyên bố cho biết.

 

Nhà Trắng đã liệt kê danh sách dài những khó khăn và nguy hiểm việc cắt giảm ảnh hưởng tới khắp cả nước, như trẻ em sẽ bị “tống” khỏi trường để về nhà sớm bởi trợ giảng bị sa thải, an ninh ở các vùng biên giới yếu đi do nhân viên hải quan, biên giới bị cắt giảm; giờ mở cửa các công viên quốc gia, hay số nhân viên kiểm tra thịt cũng bị giảm, và giảm cả việc chụp chiếu ung thư vú và cổ tử cung đối với phụ nữ thu nhập thấp; cắt trợ cấp cho các trang trại và trợ cấp thất nghiệp dài hạn.

 

Ngoài ra “chắc chắn việc cắt giảm sẽ phá hủy nghiêm trọng an ninh quốc gia, đầu tư nội địa và các chức năng cơ bản của chính phủ”, văn phòng quản lý và ngân sách của chính quyền Obama cho hay.

 

Trong khi đó đảng Cộng hòa cho rằng chính quyền Obama đã “khéo” chọn những dự án nhạy cảm về chính trị mà không cắt giảm những chương trình lãng phí cũng như không cần thiết khác khi đối phó với khoản nợ và thâm thủng ngân sách ngày một phình to.

 

Với tình hình hiện nay, khi Tổng thống Obama không đưa ra được sáng kiến nào nhằm giải quyết bế tắc, không hề có dấu hiệu cho thấy sẽ có một cuộc đàm phán mới giữa hai đảng, do hai bên đã đào hào “trực chiến” quá sâu.

 

Vũ Quý

Theo AP