1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ: Trung Quốc đang áp đặt từng bước trên Biển Đông

(Dân trí) - Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố bản báo cáo thường niên về các diễn tiến an ninh và quân sự của Trung Quốc. Bản báo cáo nêu rõ ràng rằng Trung Quốc đang tiến hành chiến thuật "áp đặt từng bước" để chiếm Biển Đông.

Mỹ công bố báo cáo thường niên trình Quốc hội về quân đội Trung Quốc. (Ảnh:

Mỹ công bố báo cáo thường niên trình Quốc hội về quân đội Trung Quốc. (Ảnh: Diplomat)

Tờ Diplomat nhận định bao trùm bản báo cáo năm 2015 của Lầu Năm Góc là mối lo ngại sâu sắc của Mỹ về tiến trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc. Bản báo cáo tập trung vào đối tượng chính là hải quân Trung Quốc, các hoạt động và tiến trình hiện đại hóa của lực lượng này. Trong khi đó, báo cáo chỉ có vài đoạn nhỏ viết về bộ binh Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). 

Diplomat nhận định dường như báo cáo 2015 của Bộ Quốc phòng Mỹ đã chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bản báo cáo cùng năm của Cơ quan Tình báo hải quân Mỹ (lần đầu tiên được công bố sau 6 năm qua) nêu chi tiết về tiến trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc.

Bản báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nhắc lại là cho dù Trung Quốc hiện đang tiến hành các hoạt động đòi hỏi chủ quyền tại phần lớn Biển Đông và trên Biển Hoa Đông (quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản) thì động lực hàng đầu của tiến trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc vẫn là nhằm phòng ngừa các “xung đột tiềm tàng tại eo biển Đài Loan”. 

Theo hướng này, báo cáo của Lầu Năm góc đã nêu rõ tình hình tại eo biển Đài Loan, trong đó trình bày rõ về cán cân so sánh lực lượng giữa hai bờ, nhận định hiện Trung Quốc đang có rất nhiều lợi thế. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện lớn gấp 10 lần của Đài Loan và được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng.

Đồng thời, bản báo cáo cũng không bỏ qua hoặc xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của các hành động mà Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Báo cáo này nêu ra một thông tin quan trọng, đó là chiêu trò “áp đặt từng bước” ở Biển Đông. 

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng mô tả việc Trung Quốc sử dụng các tàu tuần tiễu của Lực lượng phòng vệ bờ biển để củng cố các yêu sách trên Biển Đông mà không làm leo thang căng thẳng đến mức xung đột quân sự. 

Việc công bố bản báo cáo lần này ngẫu nhiên trùng với khoảng thời gian một năm trước khi Trung Quốc quyết định hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Động thái ngang ngược của Trung Quốc đã khiến các tàu cảnh sát biển Việt Nam phải tự vệ trước các tàu hải giám Trung Quốc. Giới phân tích đánh giá việc hạ đặt trái phép Hải Dương-981 cũng như ngầm báo trước sự áp đặt ngày càng gia tăng của Bắc Kinh đối với khu vực.

Bên cạnh đó, bản báo cáo đã phân tích tình hình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và phạm vi hoạt động của nước này. Trung Quốc đã mở rộng giới hạn địa lý hoạt động quân sự của mình, đặc biệt ở khu vực Ấn Độ Dương. Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định các tầu ngầm hạt nhân lớp Thương và lớp Tống của Trung Quốc đã được triển khai ở Ấn Độ Dương (tàu ngầm lớp Tống đặc biệt gây chú ý vào cuối năm 2014 khi nó nổi lên ở cảng Colombo của Sri Lanka). 

Báo cáo này còn khẳng định Trung Quốc tiếp tục nhắm các pháo hạng nặng và tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) vào Đài Loan. Bắc Kinh hiện sở hữu 1.200 tên lửa loại này trong đó có tên lửa DF-16 có tầm bắn 800-1.000 km. Các tên lửa đạn đạo tầm trung (MRBM) của Trung Quốc tiếp tục được gia tăng, bao gồm cả loại DF-21D tên lửa đạn đạo chống hạm ASBM.
 
Tàu khu trục lớp Jiangkai-II. (Ảnh:

Tàu khu trục lớp Jiangkai-II. (Ảnh: AP)

Ý cuối cùng của bản báo cáo đề cập đến sự tiến bộ nhanh chóng cả về khả năng và năng lực của nền công nghiệp đóng tàu Trung Quốc như một hệ quả của quá trình hiện đại hóa hải quân nhanh chóng và sâu rộng của nước này.

Báo cáo cho rằng trong những năm tới, Trung Quốc có thể bắt đầu xuất khẩu các tàu lớn cho nước ngoài. Trung Quốc hiện đang tìm cách bán các tàu khu trục lớp Jiangkai-II cho Nga, bởi hiện các xưởng đóng tàu của Trung Quốc có khả năng đóng các tàu khu trục nhanh gấp 7 lần Nga. 

Từ năm 2009-2013, Trung Quốc đã xuất khẩu 14 tỷ USD vũ khí thông thường và con số này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng nhanh. Pakistan và các nước châu Phi phía Nam sa mạc Sahara hiện là khách hàng mua vũ khí thông thường lớn nhất của Trung Quốc.

Minh Châu
Theo Diplomat