1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ thực sự cần “một cuộc cách mạng” về phòng không và tên lửa

Dù đổ tới 24 tỷ USD trong 15 năm qua để mua sắm vũ khí phòng không và tên lửa, Mỹ vẫn cần “một cuộc cách mạng” thực sự trong lĩnh vực này.

Theo National Interest, điều này là bởi, lực lượng phòng không và tên lửa của Mỹ được cho là không đủ năng lực đánh chặn các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình hay các loại vũ khí dẫn đường do đối phương phóng đồng thời với số lượng lớn.

Một quả tên lửa tầm trung RIM-161 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được phóng từ tàu tuần dương USS Shiloh của Mỹ. Ảnh Wiki
Một quả tên lửa tầm trung RIM-161 thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis được phóng từ tàu tuần dương USS Shiloh của Mỹ. Ảnh Wiki

Quá tập trung cho hệ thống phòng thủ tầm xa

Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai, khả năng dồn dập tung ra các đòn tấn công chính xác của địch khi xảy ra xung đột hoàn toàn có thể “vùi dập” hệ thống phòng không và tên lửa của Mỹ.

Trong khi đó, trong thời bình, việc thiếu các hệ thống phòng không và tên lửa sẽ khiến khả năng trấn an các đồng minh và răn đe đối phương của Mỹ suy giảm nghiêm trọng.

Sự thiếu hụt này ngày càng trở nên rõ rệt hơn một phần là do quân đội Mỹ chưa bao giờ phải đối mặt với kẻ thù được trang bị các loại vũ khí truyền thống có khả năng thực hiện những “cú đánh chính xác từ rất xa”.

Tuy nhiên, giờ đây, cả Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đều đang phát triển và sở hữu một số lượng lớn vũ khí dẫn đường cực kỳ chính xác có khả năng đe dọa sức mạnh thực sự của quân đội Mỹ.

Ngoài ra, khả năng đánh chặn một số lượng lớn các tên lửa được phóng cùng một lúc của Mỹ cũng bị hạn chế bởi từ trước đến nay Mỹ chủ yếu tập trung phát triển những loại vũ khí và tên lửa tầm xa đắt đỏ nhưng lại chỉ có thể đánh chặn được số lượng tên lửa ít ỏi của đối phương.

Hơn thế nữa, chiến lược “phòng thủ tên lửa theo lớp” mà quân đội Mỹ ưa thích cũng đặt nặng việc triệt hạ mục tiêu càng xa càng tốt bằng việc sử dụng hệ thống đánh chặn tầm xa rồi mới đến tầm trung và hệ thống đánh chặn tầm gần chỉ được sử dụng như một “giải pháp chẳng đặng đừng”.

Tuy nhiên, chiến thuật này chỉ phù hợp cho việc đánh bại một số lượng nhỏ các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình có thể mang tên lửa hạt nhân. Nếu phải đối đầu với một loạt tên lửa của địch, quân đội Mỹ rất dễ bị “xuống sức nhanh chóng” và trở thành “miếng mồi ngon” cho loạt tấn công sau của địch.

Làm suy yếu hỏa lực tập trung của địch

Rất may, Bộ Quốc phòng Mỹ đã tính tới việc cải thiện năng lực đánh chặn của lực lượng phòng không và tên lửa nước này để ngăn chặn khả năng địch phóng tên lửa tấn công ào ạt với số lượng lớn.

Trước hết, Mỹ cần phải tìm cách hạn chế việc địch có thể dồn tên lửa vào một mục tiêu bởi điều này cũng có hiệu quả tương đương với việc cải thiện năng lực đánh chặn nói trên trong khi lại tiết kiệm chi phí đáng kể.

Theo đó, Mỹ có thể dàn lực lượng phòng không và tên lửa của mình ra nhiều căn cứ khác nhau trên khắp cả nước. Điều này khiến cho địch buộc phải chia nhỏ số lượng tên lửa của mình cho nhiều mục tiêu khác nhau khiến Mỹ có thể dễ dàng đánh chặn.

Thậm chí, Mỹ có thể tính đến việc chuyển một số hệ thống phòng không và tên lửa đánh chặn của mình đến các căn cứ ngoài khơi nằm ngoài tầm bắn của tên lửa dẫn đường và chiến đấu cơ của địch. Việc sử dụng những căn cứ ở xa như vậy cũng khiến đối thủ của Mỹ phải đầu tư nhiều hơn vào các hệ thống trinh sát và tấn công tầm xa đắt tiền.

Ngoài ra, Mỹ cũng cần tính đến việc tập trung tăng cường khả năng đánh chặn tầm trung (từ 18-54km). Hải quân Mỹ đã thiết lập một hệ thống phòng thủ theo lớp cho phép các tàu chiến- bao gồm cả các tàu khu trục- có thể sử dụng các ống phóng thẳng đứng của mình để đánh chặn đồng thời 50 quả tên lửa- mỗi quả có giá khoảng 2 triệu USD- của địch.

my thuc su can
Tên lửa Chim sẻ biển phóng từ tàu chiến của Mỹ. Ảnh Hải quân Mỹ

Theo đó, 4 quả tên lửa “Chim sẻ biển” (ESSM) có thể được lắp vào một ống phóng thẳng đứng thay vì một quả tên lửa đánh chặn tầm xa SM-2 hay SM-6.

Các tên lửa tầm trung ESSM sẽ giúp hoàn thiện hệ thống tác chiến điện tử và hệ thống phòng thủ sử dụng các nguồn năng lực trực tiếp như tia laser và vi sóng năng lượng cao chủ yếu sử dụng để phòng thủ tầm gần.

Ưu tiên phát triển hệ thống phòng thủ tầm trung

Cũng giống như Hải quân, Lục quân, Không quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ có thể chuyển sang ưu tiên sử dụng hệ thống phòng thủ tầm trung nhằm “làm dày thêm” lưới phòng không của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tính đến việc mua sắm một số hệ thống đánh chặn tầm trung để bảo vệ các căn cứ trên đất liền và trên biển có giá chỉ bằng một nửa so với các loại vũ khí tầm xa mà Mỹ đang sở hữu.

Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang phát triển các loại đạn pháo tốc độ cao và đạn pháo dẫn đường có thể đánh chặn các loại vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao với chi phí chỉ 100.000USD/lượt- chỉ bằng 1/10 so với chi phí của một hệ thống đánh chặn tầm xa.

Nếu được cấp chi phí đầy đủ, chỉ trong vòng 5 năm, Mỹ có thể hoàn thiện hệ thống vũ khí laser (với nguồn năng lượng khoảng 150kW-500kW) có khả năng đánh chặn các máy bay không người lái và tên lửa hành trình và hệ thống vi sóng năng lượng cao có thể “dập tắt” cùng lúc nhiều mối đe dọa từ các loạt phóng tên lửa và vũ khí dẫn đường của địch./.

Theo Trần Khánh/VOV.VN