1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ ráo riết kêu gọi trừng phạt Triều Tiên mạnh nhất từ trước đến nay

(Dân trí) - Mỹ đang kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhanh chóng thông qua nghị quyết trừng phạt mới mạnh tay nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9.

Vũ khí Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Vũ khí Triều Tiên tham gia lễ diễu binh tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)

Theo AP, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thực thi cách tiếp cận hoàn toàn mới trong việc đề xuất dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên lần này. Washington đã công bố dự thảo nghị quyết do nước này chuẩn bị vào ngày 5/9 và đề xuất bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ 6 ngày sau đó.

Trong khi đó, với các dự thảo nghị quyết trước đây, Mỹ thường dành hàng tuần, thậm chí hàng tháng để đàm phán với Trung Quốc, sau đó mới công bố dự thảo này với các nước thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bổ phiếu thông qua.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Matthew Rycroft, người ủng hộ lệnh trừng phạt mới và mạnh tay đối với Triều Tiên, ngày 8/9 cho biết các đề xuất trừng phạt của Mỹ là “lời đáp trả tương xứng” cho “thái độ liều lĩnh và phi pháp” của Triều Tiên.

Theo Đại sứ Rycroft, trong dự thảo nghị quyết mới, Mỹ dự tính cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu mỏ và xuất khẩu may mặc của Triều Tiên, đồng thời cấm người Triều Tiên ra nước ngoài làm việc. Washington cho rằng đây chính là những hoạt động góp phần tạo ra nguồn tiền để giúp Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt do Mỹ đề xuất còn bao gồm việc đóng băng tất cả các tài sản ở nước ngoài của chính phủ Triều Tiên cũng như nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Dự thảo nghị quyết cũng nêu rõ, 9 con tàu đã bị phát hiện có các hoạt động vi phạm nghị quyết trừng phạt Triều Tiên trước đây của Liên Hợp Quốc.

Theo đó, theo đề xuất của Mỹ, bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc cũng có quyền chặn 9 tàu này trên biển mà không cần tới sự đồng ý của chủ tàu, đồng thời sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để tiến hành việc khám xét và lai dắt những con tàu này về bất kỳ một cảng nào đó.

Sự vội vã của Mỹ

Đại sứ các nước tại Liên Hợp Quốc giơ tay biểu quyết về lệnh trừng phạt Triều Tiên tại trụ sở Liên Hợp Quốc hồi tháng 6 (Ảnh: AP)
Đại sứ các nước tại Liên Hợp Quốc giơ tay biểu quyết về lệnh trừng phạt Triều Tiên tại trụ sở Liên Hợp Quốc hồi tháng 6 (Ảnh: AP)

Đại sứ Rycroft nhấn mạnh các nước phải “gây sức ép mạnh nhất có thể” đối với Triều Tiên để thay đổi thực trạng, đồng thời tạo cơ hội đàm phán ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

Giáo sư Joseph DeThomas tại Đại học bang Pennsylvania, cựu Đại sứ Mỹ kiêm cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề Triều Tiên, nhận định việc Mỹ muốn nhanh chóng thông qua một nghị quyết trừng phạt mới là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Trump đang thực sự nghĩ rằng, “không còn thời gian” cho vấn đề Triều Tiên.

Theo một số nhà ngoại giao, việc Mỹ vội vã hối thúc Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên lần này là nhằm gây sức ép mạnh nhất với Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, đồng thời cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng của Washington đối với vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao giấu tên cho biết tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an đã thảo luận dự thảo nghị quyết trừng phạt Triều Tiên mới hôm 8/9, trong đó cả Nga và Trung Quốc dường như đều sẵn sàng tham gia đàm phán dự thảo này.

Hiện chưa có thông tin về kết quả của các cuộc đàm phán giữa các nước thành viên của Hội đồng Bảo an, cũng như chưa rõ liệu các đề xuất thay đổi của phái đoàn của Nga và Trung Quốc có được Mỹ chấp thuận hay không.

Thành Đạt

Tổng hợp