1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Nhật thử tên lửa có tầm bắn gấp đôi SM-3

Dù phiên bản tiêu chuẩn SM-3 có độ cao đánh chặn tới 500km, nhưng trần bắn này chỉ bằng 1 nửa so với phiên bản do Mỹ - Nhật phát triển.

Theo tờ The Asahi Shimbun ngày 28/9, các đơn vị liên quan của hai nước Mỹ và Nhật bắt đầu sản xuất các thành phần của tên lửa đánh chặn SM-3 Block 2A tại Nhật Bản.

Tên lửa đánh chặn mới sẽ tiếp tục được thử nghiệm vào đầu năm 2017 trên các tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tại một địa điểm gần Hawaii.

Thông tin về việc sản xuất tên lửa đánh chặn mới được đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên công bố video thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Các nhà phân tích cho rằng, động thái mới của Washington và Tokyo là một phản ứng trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Mỹ thử nghiệm tên lửa SM-3 Block 2A
Mỹ thử nghiệm tên lửa SM-3 Block 2A

Theo tiến sĩ Lawrence, giám đốc kỹ thuật của Raytheon, hiện nay, SM-3 2A do công ty Raytheon chế tạo trong khuôn khổ chương trình hợp tác Mỹ - Nhật, với tổng chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ USD.

Chúng sẽ được sử dụng trong các hệ thống tác chiến Aegis do công ty Lockheed Martin của Mỹ phát triển. Mỹ và Nhật Bản, mỗi nước đóng góp 1 tỷ USD để thiết kế, thử nghiệm và sản xuất thế hệ tên lửa mới này, nhằm nâng cao khả năng bảo vệ quốc gia trước các nguy cơ bị tấn công tên lửa đạn đạo.

Mỹ sẽ trang bị chúng trên khoảng trên 100 chiến hạm, bao gồm các tuần dương hạm lớp Ticonderoga, khu trục hạm lớp Arleigh Burke và khu trục hạm lớp Zumwalt, còn Nhật Bản sẽ trang bị trên các tàu khu trục lớp Atago và các khu trục hạm thế hệ mới của mình.

Hồi tháng 6/2015, Hội nghiên cứu và phát triển công nghệ (TRDI), Bộ quốc phòng Nhật Bản và Cục phòng thủ tên lửa Hoa Kỳ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa đánh chặn SM-3 Block 2A tại bãi thử Point Mugu, ngoài khơi bang California vào ngày 6/6/2015.

Vụ phóng thử này đã đánh dấu lần đầu tiên thành công trong thử nghiệm tính năng bay; các chức năng của đầu đạn; khả năng kiểm soát chức năng của các tầng; khả năng phân tách của thiết bị trợ đẩy, các tầng đẩy thứ 2 và 3 của tên lửa SM-3 Block 2A.

Theo những thông số được công khai, phiên bản Block 1A/B có tầm phóng vào khoảng 700 km, độ cao đánh chặn 500km, tốc độ 3km/s; Block 2A tầm phóng 2500 km, độ cao đánh chặn khoảng 1000km, tốc độ hơn 4,5km/s.

Tên lửa SM-3 Block 2A là tên lửa đánh chặn với thiết kế 3 tầng chính và 1 tầng trợ đẩy, sử dụng động cơ đẩy nhiên liệu rắn. Tên lửa có trọng lượng 1,5 tấn, chiều dài 6,55m.

Sự khác nhau giữa các phiên bản SM-3.
Sự khác nhau giữa các phiên bản SM-3.

Các tên lửa SM-3 được sử dụng trên tàu chiến trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực Aegis kiểu 5.1 và hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng MK-41. Mỗi chiến hạm Aegis của Mỹ được trang bị từ 4 hoặc 6 quả tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3.

Quá trình đánh chặn của SM-3 chia làm 4 giai đoạn. 2 giai đoạn đầu, hệ thống động lực đẩy tên lửa bay vào tầng khí quyển, giai đoạn 3 nó điểm hỏa hai lần, đẩy tên lửa đánh chặn bay vượt lên trên tầng khí quyển trái đất.

Trước khi mỗi động cơ của tên lửa điểm hỏa, nó thu nhận và đọc dữ liệu định vị của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hiệu chuẩn đường bay đến mục tiêu. Giai đoạn 4 là nhiệm vụ của đầu đạn đánh chặn động năng ngoài tầng khí quyển hạng nhẹ (LEAP), có trọng lượng chỉ 23kg. Đầu tiên, nó sử dụng bộ cảm biến hồng ngoại để gây nhiễu mục tiêu, sau đó mới bắn hạ.

Cụ thể, tầng khởi động lúc bắt đầu phóng của tên lửa SM-3 Block 2A sử dụng động cơ khởi động nhiên liệu rắn MK-72. Sau khi rời hệ thống phóng thẳng đứng Mk-41, SM-3 Block 2A chủ yếu được dẫn đường bằng hệ thống quán tính.

Khi cháy hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách tầng thứ nhất là MK-72 và kích hoạt động cơ tăng tốc hành trình hai chế độ MK-104. Giai đoạn này, tên lửa được dẫn hướng thông qua radar Aegis SPY-1 bố trí trên tàu mẹ.

Với sự hỗ trợ của hệ thống định vị toàn cầu GPS, sau khi tách tầng đẩy MK-104, động cơ đẩy tăng cường MK-136 bắt đầu hoạt động. Hệ thống động cơ này hoạt động trong 30 giây sẽ kích hoạt và đưa tên lửa vượt ra ngoài tầng khí quyển.

Khi tầng đẩy MK-136 hết nhiên liệu, tên lửa sẽ tách lần cuối cùng và kết cấu tự dẫn sẽ đi vào hoạt động. Kết cấu tầng tự dẫn LEAP nặng 23kg được kích hoạt để kiểm soát và tấn công phá hủy mục tiêu.

Với việc Mỹ hợp tác sản xuất tên lửa SM-3 block 2A với Nhật Bản được nhiều chuyên gia cho rằng nó thể hiện quyết tâm xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ không chỉ nằm ở việc triển khai vũ khí, mà còn sản xuất những vũ khí mang tính chất răn đe cao dành cho đối thủ của Mỹ và đồng minh.

Clip Mỹ thử nghiệm tên lửa SM-3 Block 2A:

Theo Đan Nguyên

Đất Việt