1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Nhật ký thỏa thuận hợp tác quân sự giữa lúc căng thẳng với Trung Quốc

(Dân trí) - Mỹ và Nhật Bản đã ký một thỏa thuận song phương nhằm thúc đẩy hợp tác hậu cần giữa lực lượng quân đội hai nước trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực biển Hoa Đông đang có xu hướng leo thang.

Các tàu Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung (Ảnh: Sputnik)
Các tàu Mỹ và Nhật Bản trong một cuộc tập trận chung (Ảnh: Sputnik)

Theo Sputnik, Mỹ và Nhật Bản ngày 26/9 đã ký Thỏa thuận Thu nhận và Dịch vụ tương trợ (ASCA) sửa đổi nhằm thúc đẩy hợp tác hậu cần quân sự giữa hai nước sau khi luật an ninh mới của Tokyo bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3 năm nay.

Theo thỏa thuận ACSA, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) có thể cung cấp cho quân đội Mỹ thực phẩm, dầu mỏ, các dịch vụ vận tải cũng như các hoạt động hỗ trợ hậu cần. Mặc dù thỏa thuận ASCA sửa đổi vẫn loại trừ việc cung cấp vũ khí quân sự giữa hai nước nhưng nó cho phép Nhật Bản cung cấp đạn dược cho quân đội Mỹ liên quan đến các hoạt động chia sẻ thông tin, chống cướp biển hoặc tập trận.

“Thỏa thuận mới ký kết sẽ cho phép hai nước thực thi suôn sẻ hợp tác an ninh giữa hai nước, vốn đã được mở rộng theo luật an ninh mới của Nhật Bản”, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới có ý nghĩa quan trọng đối với sự hợp tác hiệu quả giữa Washington và Tokyo.

Theo Sputnik, thỏa thuận trên ra đời trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản ngày càng xích lại gần nhau trong một nỗ lực nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực. Ngày 25/9, Nhật Bản đã xuất kích chiến đấu cơ cảnh giác sau khi phát hiện 8 máy bay Trung Quốc lần đầu tiên bay qua khu vực giữa quần đảo Miyako và Okinawa. Quân đội Nhật Bản cho biết đã phát hiện 4 máy bay ném bom, 2 chiến đấu cơ và 2 máy bay trinh sát của Trung Quốc bay qua khu vực này. Quan hệ Trung - Nhật từ lâu trở nên căng thẳng do vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo trên biển Hoa Đông mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ hồi tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tuyên bố Nhật Bản ủng hộ các hoạt động tự do hàng không, hàng hải của Mỹ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố yêu sách chủ quyền hòng chiếm trọn vùng biển, và rằng Nhật Bản sẽ tăng cường hiện diện ở khu vực này.

Thành Đạt

Theo Sputnik