1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ muốn can dự sâu hơn vào Syria?

Trong khi Nga từng bước rút lực lượng ra khỏi Syria thì Mỹ lại đưa thêm quân tới Syria dưới cái “cớ” huấn luyện các tay súng Syria chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng, theo chương trình mới.

Tình hình Syria được dự báo sẽ thêm phức tạp khi cùng tồn tại nhiều lực lượng đều có khả năng “đánh trận”. Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ muốn can dự sâu hơn vào Syria.

Mỹ thay đổi chương trình huấn luyện các tay súng Syria

Từ đầu tháng 4-2016, quân đội Mỹ thông báo bắt đầu huấn luyện hàng chục tay súng đối lập Syria mà Washington cho là "ôn hòa" để chiến đấu chống tổ chức IS tự xưng. Đây là một phần trong chương trình huấn luyện và đào tạo mới của Mỹ nhằm thay thế cho chương trình cũ, vốn hứng chịu nhiều chỉ trích về tính hiệu quả hồi năm ngoái.

Những chiến binh thuộc phe đối lập ở Syria được Mỹ huấn luyện. Ảnh: News.yahoo.com
Những chiến binh thuộc phe đối lập ở Syria được Mỹ huấn luyện. Ảnh: News.yahoo.com

Theo đó, thay vì rút toàn bộ lực lượng các tay súng đối lập khỏi tiền tuyến để huấn luyện và sau đó quay trở lại chiến đấu như trước đó, chương trình mới sẽ lựa chọn một nhóm nhỏ các tay súng để đào tạo nhằm bảo đảm tính hiệu quả.

Trong đợt đầu tiên, Mỹ sẽ huấn luyện cách xác định mục tiêu để hỗ trợ các cuộc không kích của liên minh chống IS do Washington đứng đầu. Đại tá Lục quân Mỹ Steve Warren, người phát ngôn của liên minh chống IS có trụ sở ở Baghdad, nhận định "kế hoạch này sẽ cho phép chúng tôi tăng đáng kể hỏa lực trong bất cứ cuộc đụng độ hay trận chiến nào diễn ra trên khắp lãnh thổ Syria".

Lầu Năm Góc từ chối tiết lộ địa điểm diễn ra chương trình huấn luyện, song một số quan chức Mỹ giấu tên cho biết hoạt động này diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, chương trình huấn luyện quân sự và vũ trang cho hàng nghìn quân nổi dậy Syria để chống lại IS đã vấp phải sự chỉ trích của dư luận khi nhiều binh sĩ mang theo vũ khí của Mỹ bỏ sang hàng ngũ của tổ chức khủng bố IS. Mỹ sau đó quyết định chỉ hỗ trợ vũ khí và các chiến dịch không kích cho một số nhóm nổi dậy nhất định, đặc biệt ở miền Bắc Syria.

Theo các chuyên gia phân tích, việc huấn luyện từng nhóm nhỏ đồng thời với thông tin liên quan cho rằng Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc kế hoạch tăng mạnh số lượng lính đặc nhiệm Mỹ triển khai tới Syria cho thấy Mỹ một lần nữa muốn can dự sâu hơn trong cuộc chiến với lực lượng IS tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, hiện không ai rõ những tính toán phía sau của chiến lược tăng quân này là gì.

Các quan chức trực tiếp nắm được chi tiết của kế hoạch này đã từ chối tiết lộ sẽ có bao nhiêu binh sĩ được tăng cường tới Syria. Nguồn tin từ một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, số lượng sẽ lớn hơn nhiều lần so với nhóm 50 binh sĩ được triển khai đến Syria mới đây.

Kế hoạch này là một trong những giải pháp quân sự mà Tổng thống Obama đã tính tới. Kế hoạch được coi là tín hiệu mới nhất cho thấy Mỹ ngày càng tin tưởng vào khả năng của các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn tại Syria và Iraq.

Nga cáo buộc 3 tổ chức phi chính phủ của Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu vũ khí cho IS

Để rộng đường hơn cho các hoạt động của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 1-4 đã có cuộc điện đàm về cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Tại cuộc điện đàm, hai bên thảo luận các biện pháp cụ thể củng cố lệnh ngừng bắn tại Syria, mở rộng cứu trợ nhân đạo và chống khủng bố, trong đó vai trò chủ yếu thuộc về phối hợp quân sự Nga-Mỹ. Hai nhà ngoại giao Nga và Mỹ cũng khẳng định tiếp tục ủng hộ các cuộc đàm phán giữa các bên Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), trong đó người Syria cần phải tự quyết định tương lai nhà nước của mình.

Trong quá trình điện đàm, Ngoại trưởng Nga lưu ý phía Mỹ rằng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria vẫn bị sử dụng để đưa các tay súng từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, nhấn mạnh cần phải đóng cửa đường biên giới này thông qua việc sớm thỏa thuận các biện pháp cần thiết, kể cả thông qua Hội đồng bảo an LHQ (HĐBA LHQ).

Trước đó, trong một lá thư trình HĐBA LHQ công bố ngày 1-4, Nga đã cáo buộc 3 tổ chức phi chính phủ (NGO) của Thổ Nhĩ Kỳ buôn lậu trang thiết bị quân sự cho IS và các nhóm thánh chiến khác ở Syria. Trong lá thư đề ngày 18-3, Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin chỉ trích: "Nguồn cung cấp vũ khí và các trang thiết bị quân sự cho các tay súng IS là Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua các tổ chức phi chính phủ".

Theo ông Churkin, quỹ Besar, quỹ Iyilikder, Quỹ vì Nhân quyền và Tự do là ba tổ chức gửi các đoàn xe cung cấp trang thiết bị cho các nhóm vũ trang. Đại sứ Nga cũng tiết lộ 3 tổ chức này là bình phong cho hoạt động tình báo của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, đồng thời nêu tên 2 công ty Tevhid Bilisim Merkezi và Trend Limited Sirketi-cùng có trụ sở tại Sanliurfa-cung cấp các chất hóa học và kíp nổ cho các tay súng ở Syria.

Nhà Trắng hiện chưa bình luận gì về thông tin này.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân