1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ không từ bỏ chính sách ngoại giao với Triều Tiên

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 13/9 cho biết Washington sẽ không từ bỏ việc sử dụng chính sách ngoại giao nhằm thuyết phục Triều Tiên kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quân nhân Triều Tiên (Ảnh: NBC)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quân nhân Triều Tiên (Ảnh: NBC)

“Ngoại giao, chúng tôi sẽ không từ bỏ chính sách đó. Đó vẫn là chính sách đầu tiên, trên hết và là cách tiếp cận ưu tiên của chúng tôi”, Yonhap dẫn lời bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu trong cuộc họp báo với các phóng viên nước ngoài ngày 13/9.

Theo bà Nauert, Bộ Ngoại giao Mỹ không chỉ “thực tế” mà còn “lạc quan” khi tin rằng chính sách ngoại giao sẽ giải quyết được vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, trong trường hợp các chính sách ngoại giao thất bại, Bộ Tài chính Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương, còn Bộ Quốc phòng cũng có “một danh sách các phương án mà cơ quan này chắc chắn sẽ tiến hành” để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Ngoài ra, bà Nauert cũng ca ngợi nghị quyết trừng phạt mới nhất do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua ngày 11/9 đối với Triều Tiên. Đây được xem là nghị quyết lịch sử với những biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất mà cộng đồng quốc tế từng áp đặt lên Bình Nhưỡng.

“Có được số phiếu đồng thuận với sự ủng hộ của cả Trung Quốc và Nga… chúng tôi cảm thấy rằng mình đang ở một vị trí vững chắc để có thể thúc đẩy một chiến dịch gây sức ép hòa bình”, bà Nauert cho biết thêm.

Đây không phải lần đầu tiên Mỹ để ngỏ sử dụng biện pháp ngoại giao trong việc xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Hồi cuối tháng 8, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng nói rằng Washington sẵn sàng đàm phán và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo Yonhap