1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ "đau đầu" việc nhận dạng hài cốt binh sĩ được Triều Tiên trao trả

(Dân trí) - Quân đội Mỹ sẽ đối mặt với một nhiệm kỳ rất khó khăn trong việc nhận dạng hài cốt của các binh sĩ Mỹ mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), trong bối cảnh Lầu năm góc chuẩn bị nhận lại các bộ hài cốt từ Triều Tiên trong những ngày tới, các chuyên gia và các quan chức cho biết.


Các binh sĩ Triều Tiên khiêng quan tài chứa hài cốt được tin là của binh sĩ Mỹ trong lễ bàn giao hài cốt năm 1998 (Ảnh: Reuters)

Các binh sĩ Triều Tiên khiêng quan tài chứa hài cốt được tin là của binh sĩ Mỹ trong lễ bàn giao hài cốt năm 1998 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại thượng đỉnh lịch sử ở Singapore hồi tuần trước, ngày 21/6 cho hay Bình Nhưỡng đang trong quá trình hoàn trả hài cốt của các binh sĩ Mỹ mất tích trong cuộc chiến.

Lầu năm góc cho biết giới chức Triều Tiên trước đây tiết lộ họ có hài cốt của tới 200 binh sĩ Mỹ, và bản thân ông Trump cũng nhắc tới con số đó.

Giới chức Mỹ cho hay các hài cốt dự kiến được chuyển cho Trung tâm chỉ huy Liên hợp quốc tại Hàn Quốc ở căn cứ không Osan gần Seoul, sau đó được chuyển tới Trung tâm không quân Hickam tại Hawaii.

Tại Hawaii, các chuyên gia pháp y sẽ đối mặt với thách thức nhằm nhận dạng các hài cốt. Các kỹ thuật mà họ có thể sử dụng là phân tích các bức ảnh cũ, so sánh ADN từ các hài cốt với ADN của người thân các binh sĩ mất tích và phân tích nha khoa.

Một quan chức nắm rõ về tiến trình nhận dạng cho biết các hài cốt có thể không được tách rời từng người và có thể bao gồm những người không phải công dân Mỹ.

Quan chức giấu tên trên cho hay có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, để nhận dạng các hài cốt.

Ông Luis Fondebrider, chủ tịch Nhóm pháp lý Argentine, một tổ chức phi chính phủ chuyên áp dục khoa học pháp y vào điều tra các vụ vi phạm nhân quyền, cho biết những trường hợp hài cốt bị dính vào nhau là khó nhất, vì các chuyên gia cần xác định phần xương nào thuộc về cùng một người.

Độ vỡ của xương cũng rất quan trọng, và sự hư hỏng, như do nằm ở dưới đất, cũng ảnh hưởng tới việc có lấy được ADN hay không, ông Fondebrider nói thêm.

Trong quá khứ, quân đội Mỹ khó nhận dạng các hài cốt mà Triều Tiên chuyển giao, dù Triều Tiên cũng bàn giao các thẻ thông tin cùng với các hài cốt, theo một báo cáo nghiên cứu của Tập đoàn RAND năm 1994.

Từ năm 1990 đến 1992, Triều Tiên đã ban giao 46 bộ hài cốt, theo báo cáo trên.

“Các thông tin của Triều Tiên liên quan tới các hài cốt đã cho thấy không chính xác. Ví dụ 46 bộ hài cốt nhưng thực chất là các mảnh xương của hơn 70 cá nhân”, báo cáo cho hay. Các phân tích pháp y cho thấy không số nào trong đó là người Mỹ.

Richard Downes, người có cha mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên và hiện là chủ tịch Liên minh các gia đình có tù binh và người mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Lạnh, lạc quan rằng thượng đỉnh Trump-Kim có thể dẫn tới việc trao trả thêm nhiều hài cốt khác.

“Chúng ta đã nhìn thấy điều này trước kia, và đó là khi các ngôn từ trên giấy và những lời hứa được đưa ra, và giờ là hành động”, ông nói.

Một cách thức hiệu quả hơn nhằm hồi hương các hài cốt là thành lập một ủy ban chung giữa các nhà nghiên cứu Mỹ và quân đội Triều Tiên, ông Downes nói.

Mỹ đã tiến hành các hoạt động tìm kiếm chung từ năm 1996 đến 2005. Biện pháp này cho phép các nhà nghiên cứu giữ các hài cốt nguyên vẹn và bảo vệ các manh mối liên quan.

Các số liệu của quân đội Mỹ cho thấy khoảng 7.700 quân nhân Mỹ vẫn mất tích trong Chiến tranh Triều Tiên. Hơn 36.500 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.

An Bình

Theo Reuters