1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mỹ cho phép phi công bắn hạ máy bay Nga nếu cần

Dù không tuyên bố về quy tắc giao chiến nhưng Mỹ tiết lộ chiến hạm và phi công của họ đều có quyền bắn máy bay Nga trong trường hợp nguy hiểm.

Mỹ cảnh báo

Lầu Năm Góc cho biết, việc tiêm kích Su-27 Nga chặn máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ trên vùng Biển Baltic hôm 29/4 có thể dẫn đến một cuộc leo thang căng thẳng giữa hai bên.

Phát ngôn viên Lầu Năm góc Michelle Baldanza cho biết: "Điều này là không an toàn và không chuyên nghiệp. Hành động của Nga có khả năng gây ra thiệt hại và tổn thương cho tất cả các bên. Ngoài ra, việc hành xử thiếu tính toán của phi công có thể dẫn đến leo thang căng thẳng không cần thiết giữa hai nước".

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, máy bay trinh sát RC-135 thực hiện “chuyến bay thường lệ trong không phận quốc tế” và đã bị chặn lại bởi tiêm kích Su-27 của Nga trong “khoảng cách không an toàn và không chuyên nghiệp”.

Vị phát ngôn viên này cũng nhắc lại sự cố xảy ra chỉ vài ngày sau khi tàu khu trục Donald Cook của hải quân Mỹ cũng gặp phải tình huống tương tự. Quan chức Lầu Năm Góc khẳng định, việc máy bay chiến đấu của Nga tiếp cận các máy bay và tàu chiến Mỹ đã gây ra những mối lo ngại nghiêm trọng đối với vấn đề an ninh.

“Chúng tôi rất quan ngại về hành vi này”, Baldansa cho biết. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai trong vòng 2 tuần, các máy bay Nga tiếp tục chạm trán máy bay Mỹ trên vùng Biển Baltic.

Đại tá hải quân Daniel Hernandez, phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh quân đội Mỹ đặc trách châu Âu, cho biết, một chiếc máy bay trinh sát RC-135 của Mỹ đã bị chặn bởi chiến đấu cơ Nga trên vùng Biển Baltic hôm 14/4.

Su-24 áp sát chiến hạm USS Donald Cook trên Baltic
Su-24 áp sát chiến hạm USS Donald Cook trên Baltic

Theo Đại tá Daniel Hernandez, thời điểm bị Su-27 Nga chặn, chiếc RC-135 đang bay trong không phận quốc tế và khẳng định máy bay chiến đấu của Nga “thực hiện hành động bất thường và hung hăng”.

Những vụ ngăn chặn máy bay Mỹ của Nga không chỉ diễn ra trên biển Baltic, hôm 21/4, tiêm kích MiG-31 của Nga cũng thực hiện vụ áp sát với máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ ở khoảng cách chỉ 15m trên bầu trời gần Bán đảo Kamchatka.

Người phát ngôn Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ Dave Benham đã nói rằng: "P-8 Poseidon của Mỹ bị chặn khi đang thực hiện sứ mệnh bay thông thường trên không phận quốc tế. Tuy nhiên, thay vì gây ra một vụ đụng độ căng thẳng, máy bay của Mỹ đã hành xử một cách an toàn và chuyên nghiệp".

Được quyền bắn hạ

Theo Đại úy Jeff Davis - người phát ngôn của Lầu Năm Góc cho biết những vụ máy bay Nga áp sát chiến hạm và máy bay Mỹ trong thời gian gần đây là cực kỳ nguy hiểm và hành động này hoàn toàn có thể xảy ra đụng độ giữa hai bên.

Vị phát ngôn viên này cho biết, dù Mỹ thường không công khai các quy tắc giao chiến để đề phòng đối phương lợi dụng kẽ hở nhưng quan chức này tiết lộ "mọi sĩ quan chỉ huy trên tàu chiến và phi công Mỹ đều được trao quyền ra các quyết định liên quan đến hành động tự vệ bắn hạ máy bay đối phương khi bị nguy hiểm".

Vị này nói thêm rằng, trong trường hợp của tàu Cook hồi đầu tháng 4/2016, "sĩ quan chỉ huy đã nhận thấy các hoạt động bay (của Nga) không an toàn và thiếu chuyên nghiệp, tuy nhiên, do không cảm thấy bị đe dọa nên con tàu đã không đáp trả bằng các loại vũ khí chiến thuật".

Đại úy Hải quân về hưu Rick Hoffman đã tán dương viên sĩ quan chỉ huy tàu Cook. Trao đổi với CNN, ông Hoffman khen ngợi: "chỉ huy của chiếc tàu khu trục đã vô cùng chuyên nghiệp và kiềm chế cực độ".

Theo ông Hoffman, hành động của Nga có lẽ đã đủ để Mỹ cân nhắc khả năng bắn hạ. Tuy nhiên, "trong trường hợp này, theo quan điểm của mình, tôi cho rằng anh ấy đã hành động đúng đắn và thể hiện sự điềm tĩnh chuyên nghiệp".

Khi được hỏi tại sao máy bay Nga lại hành động như vậy, ông Hoffman cho rằng "đó rõ ràng là chính sách đối nội của Tổng thống Putin"...

Còn theo Chuyên gia Heather Conley đến từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đối với những đồng minh châu Âu của Mỹ, Kremlin đang gửi đi thông điệp rằng Mỹ không thể bảo vệ họ trước Nga một khi Nga muốn dùng tới sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng việc Mỹ bắn hạ máy bay Nga khó có khả năng xảy ra và không bên nào muốn điều đó xảy ra cả.

Dù sĩ quan trên hạm và phi công Mỹ được quyền bắn hạ máy bay Nga để tự vệ nhưng bà Conley nhận định, tình huống duy nhất buộc Mỹ bắn hạ máy bay trong trường hợp này là Nga nổ súng trước.

Theo Tuấn Hưng (tổng hợp)

Đất Việt