1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản ráo riết tăng cường quan hệ

(Dân trí) - Mỹ và Australia vừa lần đầu tiên công khai khuyến khích Ấn Độ thực hiện chính sách “Hướng Đông”. Mỹ cũng đang ráo riết thúc đẩy cơ chế đối thoại an ninh tay ba với Ấn Độ và Nhật Bản. Còn Nhật Bản không giấu ý định tăng cường quan hệ với Ấn Độ.

 
Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản ráo riết tăng cường quan hệ - 1
Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ và Australia trong cuộc gặp ở San Francisco hồi tuần trước.

Phải chăng 4 cường quốc khu vực đang lập “thế liên hoàn” trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng tại châu Á?

Dấu hiệu mới nhất

Thứ 5 tuần trước, Mỹ và Australia đã mở cuộc đối thoại thường niên cấp bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, tại San Francisco, Mỹ. Nhân dịp này, hai nước đã bổ sung vào bản hiệp định phòng thủ chung, được ký từ năm 1951, một lĩnh vực hợp tác mới: đấu tranh chống chiến tranh tin học.

Phát biểu nhân dịp này, Thủ tướng Australia Julia Gillard nhấn mạnh vị trí của Australia trong "Thế kỷ châu Á-Thái Bình Dương" sẽ là thách thức an ninh quốc gia lớn nhất mà Canberra sẽ phải đối mặt trong những năm sắp tới, đồng thời khẳng định sự ổn định kinh tế của Mỹ mang tính sống còn đối với an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Còn theo giới phân tích, cuộc đối thoại thường niên lần này có mục đích xác định lại vai trò của Mỹ và Australia trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Nam Thái Bình Dương vào lúc Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng tại đây.

Hai bên đã đúc kết nhiều thỏa thuận quan trọng về phương diện quốc phòng. Động thái này được đánh giá là bước tiến lớn nhất trong quan hệ quân sự Mỹ-Australia từ 30 năm nay. Các thỏa thuận này sẽ mở đường để quân đội Mỹ tự do tiếp cận các căn cứ tại Australia, tạo cho Mỹ một chỗ đứng vững chắc ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Một quan chức quốc phòng cấp cao, yêu cầu giấu tên, đã tiết lộ rằng quân đội Mỹ có thể bố trí sẵn thiết bị của họ trên đất Australia và được phép sử dụng các cơ sở và hải cảng của nước này.

Trong thông cáo chung, Washington và Canberra còn chính thức kêu gọi Ấn Độ đẩy mạnh chính sách hướng sang phía Đông. Đồng thời, Australia và Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy việc hình thành một khu vực kinh tế trong khuôn khổ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó không có Trung Quốc.

 Xu hướng củng cố liên minh quân sự Mỹ và Australia, nước đóng vai trò bản lề trong khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là ví dụ cụ thể và mới nhất cho thấy các cường quốc châu Á-Thái Bình Dương đang xích lại gần nhau hơn, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.

Australia hiện có khoảng 1.500 binh sĩ triển khai tại Afghanistan, là một trong những nước đóng góp quân nhiều nhất nằm ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang giữ vai trò chỉ huy Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF).

Hiện nay, lực lượng Mỹ đang sử dụng căn cứ không quân tại Nam Australia và hợp tác chặt chẽ với quân đội Australia trong lĩnh vực vận tải.

“Mạng lưới” các mối quan hệ đang giăng

Australia và Mỹ cũng đang thắt chặt quan hệ với Nhật Bản và Ấn Độ.

Ngày 12/9, tại Washington đã diễn ra cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Ấn lần thứ 4 về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, hai cường quốc này còn thảo luận về cuộc họp đầu tiên của cơ chế đối thoại tay ba Mỹ-Nhật-Ấn.

Ngày 14/9, trong phiên họp toàn thể của Hạ viện, Thủ tướng Nhật Bản Noda khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là trụ cột trong chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia của Nhật Bản và là cơ sở để thúc đẩy sự ổn định và thịnh vượng không chỉ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn cả thế giới. Còn có tin tháng 11 tới, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ công du New Delhi để thắt chặt thêm quan hệ Nhật-Ấn.

Thời gian gần đây Nhật Bản không che giấu ý định tăng cường quan hệ với Ấn Độ để giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh. Theo hãng tin Kyodo, tại New Delhi, ông Noda sẽ thảo luận với người đồng nhiệm Manmohan Singh về ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Stephen Smith ngày 28/7 đã kêu gọi trao cho Ấn Độ một vai trò lớn hơn ở châu Á, đồng thời khẳng định quốc gia được coi là nền dân chủ lớn nhất thế giới này là một lực lượng tích cực trong một khu vực mà bấy lâu nay mọi sự chú ý đặt trọng tâm vào Trung Quốc. Tuyên bố này được ông Smith đưa ra tại Washington chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton có những phát biểu tương tự trong chuyến thăm Ấn Độ, đất nước có dân số hơn một tỷ người mà bà cho rằng "có tiềm năng định hình tích cực" tương lai của châu Á.

Ngoài ra, tuy Nhật Bản và Australia không phải đồng minh, nhưng hai nước ngày càng tăng cường hợp tác quốc phòng mang tính chiến lược kể từ Tuyên bố chung về hợp tác an ninh giữa hai nước năm 2007.

Theo các nhà quan sát, chính các hành động gần đây của Trung Quốc là nguyên nhân thúc đẩy thế liên kết này.

Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội. Trung Quốc cũng ngày càng lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông và một số nơi khác, tăng cường tiềm lực hải quân, đồng thời có động thái đe dọa hầu hết các nước có tranh chấp với họ, từ Việt Nam, Philippines cho đến Nhật Bản và mới đây là Ấn Độ.

Đó chính là chất xúc tác thúc đẩy Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Australia, đồng minh thân thiết lâu đời của Mỹ ở khu vực.

Các nhà quan sát cho rằng một khi quan hệ Nhật Bản-Ấn Độ được thắt chặt, sự kiện đó sẽ củng cố thế liên hoàn giữa bốn cường quốc Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia.

Nguyễn Viết
Tổng hợp