1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Mùa Hè “lạnh” trong quan hệ kinh tế Nga – Trung

Trong khi quan hệ chính trị giữa Nga và Trung Quốc vẫn duy trì sự ấm áp thì những liên kết kinh tế giữa hai cường quốc đang có dấu hiệu nguội dần đi.

Mùa Hè “lạnh” trong quan hệ kinh tế Nga – Trung - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ngày 9/5/2015 (Nguồn: IndiaTVNews)

Thế chiến thứ hai kết thúc tháng 9/1945... Trước đó 4 tháng, “bóng ma” Đức Quốc Xã cũng đã tuyên bố cáo chung tại châu Âu. Như vậy, Nga và Trung Quốc – những nước chịu nhiều tổn thất nhất trong cuộc chiến – lần lượt kỷ niệm chiến thắng vào đầu và cuối mùa Hè.

70 năm sau, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự lễ diễu binh tại Moscow ngày 9/5/2015 được đánh giá là bước đi nhằm xây dựng một trật tự thế giới mới của Nga và Trung Quốc. Nhân dịp này, lãnh đạo hai nước đã tuyên bố kết hợp “Sáng kiến Con đường tơ lụa mới” và “Liên minh Kinh tế Á – Âu”.

Bốn tháng đã trôi qua và mùa Hè 2015 này, tuy không chấn động như mùa Hè 70 năm về trước, nhưng cũng đang ảnh hưởng sâu sắc đến ổn định kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ kỷ niệm chiến thắng phát-xít tại quảng trường Thiên An Môn hôm 3/9 là dịp để đánh giá mối quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.

Có thể nói, trao đổi kinh tế giữa hai nước trong thời gian qua có phần nguội lạnh đã phản ánh những khó khăn nội tại của mỗi bên. Nếu tình hình này tiếp diễn thì đầu năm sau, kinh tế Nga có thể lâm vào suy thoái thực sự. Đồng Ruble đã suy yếu trong vòng 2 năm qua. Lạm phát ở Nga luôn duy trì ở mức trên 15%, cộng với các lệnh trừng phạt của phương Tây ngày càng gay gắt.

Bất chấp thực tế khó khăn, Tổng thống Putin luôn giữ quan điểm cương quyết trong vấn đề khủng hoảng Ukraine, đồng thời “xoay trục” chiến lược sang châu Á – Thái Bình Dương, tập trung xây dựng quan hệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, những kết quả Moscow đạt được là không nhiều. Trung Quốc chưa thể thay thế vai trò của phương Tây đối với nền kinh tế Nga, Bên cạnh đó, những liên kết thương mại – đầu tư được hai bên thúc đẩy trong 2 năm qua thậm chí có thể gây ra những phản ứng ngược - nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc.

Đối với dự án “Một vành đai, một con đường” (OBOR), tháng Tư năm nay, Trung Quốc đã đưa ra bản kế hoạch chi tiết và thiết lập một quỹ đầu tư trị giá 40 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho các nước tham gia sáng kiến này. Sau nhiều lần do dự, Điện Kremlin đã quyết định kết hợp “Liên minh Kinh tế Á – Âu” (EEU) do Moscow đứng đầu, với sáng kiến OBOR của Bắc Kinh, bất chấp hai sáng kiến này có mục tiêu hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, bản chất không bền vững của OBOR đã khiến ý tưởng này giống như xây lâu đài trên cát. Nhiều quốc gia đang phải “tranh giành” miếng bánh trị giá 40 tỷ USD và những lời hứa hẹn của Bắc Kinh cũng khó trở thành hiện thực. Từ nay đến năm 2025, Trung Quốc ước tính sẽ dành ra 1.400 tỷ USD đầu tư vào châu Á, thế nhưng nếu nước này sử dụng khoản dự trữ ngoại hối để “cứu” nền kinh tế đang gặp khó khăn, họ sẽ còn bao nhiêu tiền để phục vụ các mục tiêu đối ngoại?

Hiện nay, dự án chung duy nhất giữa EEU và OBOR là đề xuất xây dựng đường sắt cao tốc nối Moscow và Bắc Kinh. Tháng Sáu vừa qua, hai bên đã ký hợp đồng khởi công xây dựng đoạn đầu tiên của tuyến đường này, dài 480 dặm từ Moscow đến Kazan, dự kiến hoàn thành vào dịp diễn ra World Cup 2018. Tuy nhiên, các công ty đường sắt Nga luôn bị chỉ trích về sự không minh bạch, nên dự án nói trên cũng không lấy gì làm chắc chắn cả.

Vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga hiện chỉ khiêm tốn ở mức 8 tỷ USD. Bên cạnh đó, thỏa thuận mua bán khí gas trị giá 400 tỷ USD giữa hai nước cũng mới chỉ nằm trên bàn giấy. Hiện tại, tình hình kinh tế khó khăn của Nga khiến các nhà tài chính Trung Quốc e ngại đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ của xứ sở bạch dương.

Theo thống kê của The Economist, kim ngạch thương mại Nga – Trung đã sụt giảm 30% trong năm 2015, trong khi trao đổi biên mậu giữa hai bên cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các nhà kinh tế nhận định kim ngạch song phương Nga – Trung năm nay khó lòng đạt mức 95 tỷ USD như năm 2014, thậm chí còn không thể đạt mức 89 tỷ USD như hồi 2012 và 2013.

Tóm lại, 4 tháng qua đã phản ánh tính chất “ấm áp về chính trị, lạnh giá về kinh tế” trong quan hệ Nga – Trung. Tổng thống Putin vẫn đang tích cực “xoay trục” về châu Á, đa dạng hóa các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Điện Kremlin phải tập trung cải thiện quan hệ với phương Tây bởi những liên kết giữa Moscow và các nước châu Á khó có thể đem lại kết quả trong một sớm một chiều.

Theo Quang Chinh/The Diplomat

Thế giới và Việt Nam

Mùa Hè “lạnh” trong quan hệ kinh tế Nga – Trung - 2