1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mosul rực lửa: Đồng minh Mỹ thoát kiếp "bia đỡ đạn"

''Chúng tôi luôn đứng bên cạnh họ (quân đội Iraq). Khi có mối đe dọa đối với họ, chúng tôi nhìn nhận nó cũng giống như chính chúng tôi bị đe dọa''.

Thay đổi chiến thuật

Với chiến dịch giải phóng Mosul khỏi sự kiểm soát của IS, Mỹ đã điều chỉnh quy tắc của việc can dự khi đưa quân ''gần gũi'' hơn với lực lượng chiến đấu ở tiền tuyến. Thay vì yêu cầu hỗ trợ trực tiếp, các cuộc gọi như trên có khả năng được chuyển đến một trung tâm chỉ huy ở rất xa các khu vực chiến đấu.

Trong chiến dịch giành lại quyền kiểm soát sân bay chiến lược ở Mosul hôm 23/2, các cố vấn quân sự của liên quân do Mỹ đứng đầu đã nhúng tay sâu hơn vào hoạt động của các đơn vị phản ứng nhanh và lực lượng đặc biệt của Iraq. Kết quả thu được là rất khả quan khi phiến quân IS ở đây nhanh chóng thất thủ.

Hai sĩ quan giám sát các hoạt động ở Iraq giấu tên cho biết, để lực lượng Iraq có thể giương cờ chiến thắng tại sân bay Mosul ngày 23/2, lực lượng của liên quân đã can dự rất sâu, tư vấn trực tiếp về kế hoạch tấn công cho các đơn vị của Iraq.

Đặc nhiệm Mỹ selfie tại Mosul
Đặc nhiệm Mỹ selfie tại Mosul

Các quan chức quân sự của liên quân chống IS nói rằng, những thay đổi đang giúp quân đội Iraq đẩy nhanh bước tiến, nhưng nó cũng không chỉ cho thấy một sự ''leo thang ổn định'' can dự của Mỹ ở Iraq mà còn phản ánh những yếu kém ''trầm kha'' của lực lượng an ninh Iraq.

Trung tá Browning - cố vấn quân sự cấp cao của Mỹ ở Iraq - khi nói về lực lượng Mỹ đang làm nhiệm vụ ở Mosul, Iraq chia sẻ: ''Đã có những thay đổi trong mối quan hệ. Nó giúp chúng tôi có thể hiểu hơn về cách thức chúng tôi có thể làm để giúp họ (quân đội Iraq) khắc phục những hạn chế''.

Trung tá Browning cho biết thêm, theo chỉ thị của Trung tướng Stephen Townsend hồi tháng 12/2016 và một chỉ thị khác được đưa ra cách đây vài tuần, cố vấn quân sự ở cấp lữ đoàn như ông hiện nay đã có thể cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho những cuộc không kích và pháo kích của các đơn vị họ đang hợp tác.

''Điều này là một sự thay đổi lớn bởi trước đó, những quyết định tương tự phải được thông qua cả một bộ máy quan liêu và thông qua chính quyền ở Baghdad'', Trung tá Browning nói.

Trong khi đó, ở phần phía đông của Mosul, nơi được tuyên bố đã hoàn toàn giải phóng, hình ảnh lính liên quân xuất hiện trên đường phố cùng với các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Iraq đã không phải là chuyện hiếm.

Như vậy, thay vì lấy đồng minh ra làm "bia đỡ đạn" tại Mosul như trước kia, Mỹ đã hạn chế việc này bằng cách đưa ra một quyết định mang tính chiến lược và không kém phần mạo hiểm. Thông qua chiến dịch giải phóng Mosul, Mỹ đang gia tăng sự hiện diện của lực lượng nước này ở Iraq và chuyển các tiền đồn đến gần hơn những vị trí chiến đấu.

Hết kiên nhẫn

Trước đó, hai tháng sau khi chính thức phát động chiến dịch giải phóng Mosul – thành phố lớn thứ 2 của Iraq (10/2016), các lực lượng Iraq dường như đã bị sa vào thế trận không lối thoát. Chẳng những không tiến công được, họ còn phải chịu tổn thất về lực lượng đáng kể sau những đòn phản công của IS.

Trước khi các cuộc chiến này bắt đầu, nhiều người vẫn nghĩ rằng Mỹ có khả năng dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc đua này. Sự kết hợp giữa quân đội Iraq, liên minh người Kurd với người Mỹ (được trang bị các loại vũ khí lên tới hàng trăm triệu USD) được các chuyên gia tin tưởng có thể giải phóng thành phố Mosul nhanh chóng.

Khoảng hơn 100 ngàn người Kurd, quân đội Iraq cùng với Mỹ và hàng ngàn máy bay chiến đấu được chuẩn bị rất kỹ dự kiến sẽ giải phóng Mosul trong tháng 11/2016 (thậm chí họ còn khẳng định sẽ chiếm được thành phố này từ tay IS trước ngày 8/11 – ngày bầu cử tổng thống Mỹ).

Giao tranh tại ngoại ô thành phố Mosul ngày 25/2/2017
Giao tranh tại ngoại ô thành phố Mosul ngày 25/2/2017

Tuy nhiên, cho đến trước khi Mỹ ''can thiệp sâu'' vào chiến dịch, lực lượng quân đội liên minh chỉ kiểm soát được một phần tư thành phố nhưng chỉ là các khu vực xung quanh.

Cái giá phải trả cho kết quả này là quân đội liên minh bị thiệt hại rất lớn, đặc biệt là thiệt hại về người của quân đội Iraq lên đến hàng trăm người mỗi ngày; đội quân huấn luyện chiến đấu của Mỹ để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, tham gia chiến đấu trong thành phố thiệt hại hơn một nửa.

Không chỉ vậy, tại Syria, lực lượng do Mỹ hậu thuẫn cũng liên tiếp gặp phải thất bại trước quân đội Assad, đau đớn nhất là tại Aleppo (cuối tháng 12/2016).

Trước tình thế ấy, ngày 26/12/2016, chỉ huy Lực lượng bộ binh Mỹ tại Iraq, Trung tướng Stephen Townsend đã có một chỉ thị mang tính chiến thuật khi điều thêm quân của liên minh từ những căn cứ sâu trong hậu phương ra tiền đồn, đi sâu vào Mosul và sát cánh với các đối tác Iraq.

Đến tháng 1/2017, Lầu Năm Góc lần đầu tiên xác nhận, lực lượng Mỹ đã hoạt động ngay trong thành phố Mosul.

Giới phân tích nhận định, nhận một loạt trái đắng tại Trung Đông, Mỹ đã hết kiên nhẫn mà ''xắn tay áo xông vào Mosul'' nhằm giành lại một chiến thắng danh dự trong trận đấu do chính họ khởi xướng.

Giành được Mosul, Mỹ sẽ hạn chế được những ảnh hưởng của Nga tại khu vực Trung Đông, làm suy yếu hình ảnh của Nga hoạt động ở khu vực Syria.

Mặt khác, bản thân ông Donald Trump cũng không muốn Mỹ tiếp tục chiến dịch dai dẳng và tốn kém này, đánh nhanh thắng nhanh là điều mà ông hướng tới ngay khi nhậm chức.

Can thiệp sâu vào Mosul có lẽ chính là phương án mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis chọn để làm kế hoạch mới đánh bại IS tại Mosul theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra trước đó.

Theo Hoàng Anh

Đất Việt