1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mổ xẻ nguyên nhân thất bại của tên lửa Triều Tiên

(Dân trí) - Cắt ngang chương trình thường lệ 4 giờ đồng hồ sau vụ phóng mà Triều Tiên không truyền hình, một phát thanh viên thông báo vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong-3 đã không vào được quỹ đạo và các chuyên gia khoa học đang điều tra nguyên do thất bại.

 
Mổ xẻ nguyên nhân thất bại của tên lửa Triều Tiên
Đồ họa vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Giới chức ở Seoul, Tokyo và Washington cho rằng tên lửa của Triều Tiên, tên lửa TaepoDong-2,  đúng là đã được phóng đi, nhưng không bay được bao xa, do bị nổ tung sau khi rời bệ phóng Tongchang-ri. Họ cho biết tên lửa đã được vệ tinh theo dõi trên đường bay phía nam, nơi tầng đầu của hỏa tiễn rơi xuống Hoàng Hải. Cơ quan Chỉ huy Phòng vệ Hàng không Bắc Mỹ cho biết hai tầng kia đã không tiếp tục bay được, và không hề gây ra bất kỳ mối đe dọa nào.


Phát biểu với các phóng viên tại bộ quốc phòng, thiếu tướng quân đội Hàn Quốc Shin Won-sik cho rằng tên lửa bắt đầu rơi trở lại trái đất ở độ cao 151 km, vỡ thành nhiều mảnh và rơi một cách vô hại xuống Hoàng Hải, cách bờ khoảng 100 tới 150 km.

 

Trục trặc kỹ thuật?

 

Triều Tiên cho biết các nhà khoa học nước này đang tìm hiểu nguyên nhân khiến vụ phóng hỏa tiễn tầm xa được phô trương rầm rộ của họ thất bại ngay sau khi được phóng.

 

Nhiều nguồn tin cho rằng tên lửa đã vỡ tung khoảng 90 giây sau khi được phóng đi, ngay trước khi tầng một của tên lửa được tách và tầng hai được đốt cháy. Chính vì vậy có nguồn tin đã cho biết thấy ánh sáng chói khác thường phát ra từ tên lửa.

 

Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ, cơ quan đã theo dõi sát vụ phóng, nói rằng hai tầng cuối của hỏa tiễn dường như đã thất bại, khiến cho phi đạn lao thẳng xuống biển.

 

Morris Jones, một phân tích gia không gian độc lập, người theo dõi các chương trình hỏa tiễn ở châu Á, cho rằng sự thất bại dường như đã xảy ra khi tầng đầu của hỏa tiễn cố tách ra khỏi hai tầng cuối.

 

Theo ông giải thích có phần chắc chắn nhất là đã có trục trặc khi tách tầng đầu khỏi tầng thứ hai của tên lửa. Tầng đầu dường như đã hoạt động khá tốt, nếu không thì hỏa tiễn sẽ không thể bay xa như vậy được.

 

Các giới chức Nhật Bản, đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao vì khả năng các mảnh vỡ của hỏa tiễn rơi xuống, nói rằng hỏa tiễn này đã bay lên không trung khoảng 1 phút, đạt tới độ cao 120km, trước khi tách thành 4 mảnh.

 

Ông Jones nói rằng nếu những số liệu này là đúng, thì tên lửa Triều Tiên về mặt kỹ thuật đã đạt được đến tầm “vũ trụ.” Nhưng theo ông tầng đầu của tên lửa dường như không cung cấp đủ động lượng để nó bay vào quĩ đạo.
 
Trong khi đó, nhà phân tích quân sự của Nhật, Chiaki Akimoto, cho rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không thành công có thể do nguyên nhân tầng thứ hai của tên lửa quá cũ. Theo nhà phân tích Nhật, tầng thứ hai của tên lửa được cho là sử dụng đạn đạo của tàu ngầm từ thời Liên Xô cũ. Và chính nó có thể đã gây nên sự cố khiến tầng thứ nhất và tầng thứ hai không thể tách khỏi nhau.
 

Thời gian quá gấp?

 

Trong trường hợp tương tự, một công ty của Mỹ sẽ phóng tên lửa vào tháng tới trong sứ mệnh cung cấp hàng thương mại đầu tiên cho trạm vũ trụ quốc tế. Công ty này, với tất cả chuyên môn và nguồn đầu tư sẵn có, đã phải tiến hành 4 vụ phóng trước khi có được một hệ thống hoạt động được.

 

Còn Triều Tiên là nước đang bị cô lập, cả về mặt trí tuệ và thiết bị, chính vì vậy mà theo các chuyên gia vũ trụ nước này cần phải nỗ lực thậm chí còn lớn hơn.

 

Và xét về mong muốn của giới chức Bình Nhưỡng, muốn phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 (Quang Minh Tinh 3) vào quỹ đạo trùng với lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhật nhà lãnh đạo sáng lập Kim Nhật Thành, Triều Tiên có thể sẽ phải rút ra bài học từ vụ việc. Các chuyên gia vũ trụ phương Tây luôn nói rằng lịch trình không bao giờ đẩy nhanh được tiến độ vụ phóng. Đôi khi nó làm điều ngược lại. Vội vàng chuẩn bị để đáp ứng một ngày đẹp sẽ có thể mang tới thảm họa.

 

Mặc dù vụ phóng ngày hôm nay thất bại, nhiều nước lo ngại kiên trì quyết tâm của Bình Nhưỡng cuối cùng sẽ mang lại kết quả, các kỹ sư nước này cuối cùng sẽ phát triển được các hệ thống tên lửa có khả năng hoạt động được.

 

Tetsuo Kotani, chuyên gia nghiên cứu về chính sách an ninh Nhật Bản, thuộc viện nghiên cứu Okazaki, đánh giá mặc dù Triều Tiên vừa mới tuyên bố là cuộc phóng thử đã thất bại, nhưng trong chương trình phát triển tên lửa, họ có thể học được nhiều điều từ thất bại này. Các nhà khoa học vẫn có thể học được kinh nghiệm từ lần này và do đó đối với Triều Tiên thất bại cũng có khía cạnh tích cực.

 

Vũ Quý

Tổng hợp