1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mổ xẻ "cuộc cách mạng" bộ máy cầm quyền của Triều Tiên

(Dân trí) - Trong 2 năm dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un tại Triều Tiên, tổng cộng 31 quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền, nội các và quân đội đã bị phế truất, giáng chức hoặc về hưu và 52 nhân vật mới thăng tiến, một báo cáo của chính phủ Hàn Quốc cho hay.

Dưới thời Kim Jong-un, Triều Tiên đã cách chức 31 người và thay bằng 52 nhân vật mới.

Dưới thời Kim Jong-un, Triều Tiên đã cách chức 31 người và thay bằng 52 nhân vật mới.

Tờ JoongAng Ilbo của Hàn Quốc đã có được một tài liệu nội bộ có tiêu đề "Phân tích cuộc cải tổ nhóm quyền lực dưới thời Kim Jong-un", được giới chức tình báo Hàn Quốc soạn thảo. Báo cáo chia ban lãnh đạo Triều Tiên thành 2 nhóm: những ngôi sao đang lên và những ngôi sao đang tàn.

Báo cáo cho biết nhà lãnh đạo trẻ đã tiến hành một sự thay đổi nhân sự trên diện rộng, thay thế các nhân vật cũ hơn bằng các quan chức tương đối trẻ, hạ thấp tuổi trung bình của các nhóm nòng cốt từ 76 xuống còn 62.

"Các quan chức cấp cao trong đảng và giới chức quân đội ở độ tuổi 70 - những người có ảnh hưởng trong thời đại Kim Jong-il - giờ đây dường như đã mất quyền lực thực sự", báo cáo cho biết. "Tốc độ chuyển dịch quyền lực nhanh hơn dự đoán".

Một trong những ví dụ của cuộc cải tổ là ông Jon Pyong-ho, 87 tuổi, Chủ nhiệm cục chính trị của nội các. Ông này dường như đã bị giáng chức từ các vị trí quyền lực hơn mà ông từng nắm giữ như bí thư đảng chịu trách nhiệm về công nghiệp thời chiến hoặc phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng quốc gia. Danh sách những ngôi sao đang lên gồm tổng cộng 52 người.

Báo cáo nêu ra 4 quan chức cấp bộ trưởng-thứ trưởng của đảng Lao động cầm quyền là những nhân vật đáng chú ý nhất: Kim Byong-ho - phó chủ nhiệm Ủy ban ủng hộ và tuyên truyền; Pak Tae-song - phó chủ nhiệm Ủy ban chỉ đạo và tổ chức; Hong Yong-chil - phó chủ nhiệm Ủy ban công nghiệp máy móc; Ma Won-chun - phó chủ niệm Ủy ban kế toán và tài chính.

"Trong đảng cầm quyền, các nhà kỹ trị này được nhà lãnh đạo Kim Jong-un ủng hộ. Ông Kim Jong-un đã đưa họ cùng đi trong vài chuyến thăm và dường như muốn sử dụng các chuyến thăm này để công khai các gương mặt mới trong cuộc thay đổi quyền lực.

Những người thường xuyên tháp tùng ông Kim Jong-un trong các chuyến thị sát được cho là sẽ thăng tiến trong nhóm nòng cốt. Vì vậy chúng ta phải theo dõi chặt chẽ các nguồn tin tình báo liên quan tới vấn đề này", báo cáo viết.

Quân đội Triều Tiên đã trải qua một cuộc cải tổ lớn hơn bất kỳ cơ quan nào, báo cáo cho hay. Tài liệu tập trung vào 25 tướng lĩnh cấp cao mới được bổ nhiệm, vốn được thăng chức trong thời Kim Jong-un.

"Hầu hết họ chuyên về các chiến dịch và có kinh nghiệm như các chỉ huy chiến trường. 15 người trong số họ đã được tuyển chọn kỹ càng nhờ khả năng hơn là nền tảng gia đình và bằng cấp".

Các ngôi sao mới nổi trong quân đội có Kim Won-hong, bộ trưởng an ninh quốc gia, và 2 phó chủ tịch Tổng cục chính trị của quân đội, Yom Chol-song và Kim Su-gil. Họ được cho là đã chỉ đạo vụ phế truất và xử tử nhân vật quyền lực số 2 tại Triều Tiên, Jang Song-thaek, chú dượng ông Kim Jong-un.

Một ngôi sao đang lên khác là Ri Song-guk, chỉ huy Quân đoàn số 4 chuyên giám sát các đơn vị tiền tuyến phía tây của Hàn Quốc. Ông Ri mới 44 tuổi và từng là cựu chỉ huy sư đoàn 39 của quân đội Triều Tiên.

Tình báo Hàn Quốc "đói" thông tin
 
Tuy nhiên, báo cáo của chính phủ Hàn Quốc cũng thừa nhận rằng Seoul vẫn thiếu các nguồn tin và các thông chi tiết về những ngôi sao đang lên trong quân đội Triều Tiên.

"Ngoại trừ Kim Kyok-sik, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội vốn được biết đến với chủ trương diều hâu, chúng ta vẫn thiếu các thông tin để phân biệt xem ngôi sao đang nổi nào chủ trương diều hâu, ai chủ trương hòa bình. Chúng ta sẽ chú trọng tới vấn đề này kể từ bây giờ", báo cáo viết.

Báo cáo cho biết thêm, 17 quan chức quân đội cấp cao, những người từng được ca ngợi là "thế hệ của chính sách Songun (quân đội là trên hết) và được thăng chức dưới thời lãnh tụ Kim Nhật Thành đã bị sa thải. 13 người trong số họ thực chất là vị phế truất và 4 người còn lại đã về hưu.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng Triều Tiên đã tái bổ nhiệm vài nhà kinh tế, trong đó có Thủ tướng nội các Pak Pong-ju, người từng bị sa thải vì thất bại trong việc áp dụng chính sách cải cách và các biện pháp kinh tế mới hồi năm 2002.

Ông Pak từng là kỹ sư của một kế hoạch cải cách khi đó, vốn cố gắng trao nhiều quyền lực hơn cho các doanh nhân. Nhưng một số nhân vật cứng rắn trong quân đội được cho là đã phản đối động thái của ông, khiến ông bị sa thải.

Sau khi kế hoạch cải cách bị hủy bỏ,  ông Pak đã bị giáng cấp xuống một nhà máy dệt vào năm 2007 nhưng đã trở lại Bình Nhưỡng năm 2013 để làm Thủ tướng nội các.

"Nếu các nhà kinh tế mới một lần nữa không thể phát triển kinh tế, họ sẽ phải nhận trách nhiệm về thất bại", báo cáo viết, ám chỉ rằng các nhà kinh tế này có thể đối mặt với số phận như các nhà hoạch định chính sách khác, điển hình là người chú dượng bị xử tử của ông Kim Jong-un.

An Bình
Tổng hợp