1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Màu da trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ

(Dân trí) - Cách đây bốn năm, ông Barack Obama vẫn chỉ là một chính khách vô danh. Thế mà hiện thời, ông đang chuẩn bị bước vào một cuộc phiêu lưu tới một nơi trước đó chưa có người Mỹ da màu nào đến được.

Song với việc Thượng nghị sĩ Barack Obama giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu chọn ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng, Đảng Dân chủ đang chấp nhận một rủi ro.

 

Chủ đề thảo luận miễn cưỡng

 

Tại một quốc gia, nơi chủng tộc vẫn là một vấn đề gây chia rẽ sâu sắc, hầu hết các nhà phân tích chính trị đều miễn cưỡng thảo luận công khai về việc liệu màu da của Obama có được chứng minh là gây bất lợi cho những hy vọng "tái chiếm" Nhà Trắng của đảng Dân chủ hay không. Ông Obama đã "khuấy động" chính trường Mỹ với cam kết hòa giải và đánh cược rằng khát vọng thay đổi của người Mỹ sẽ lấn át sự thiếu kinh nghiệm của ông.

 

Chỉ có điều, Đảng Dân chủ sẽ phải tìm cách đánh bại ứng cử viên tổng thống John McCain của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống  tháng 11 tới. Những thất bại trước bà Clinton ở các bang quan trọng như Ohio, Pennsylvania, Indiana and Virginia Tây cho thấy ông Obama vẫn chưa tiếp cận được số lượng lớn các cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động.

 

Theo nhà phân tích Anthony Greenwald của Khoa Tâm lý chính trị thuộc Đại học Washington, các cuộc bầu cử sơ bộ cấp bang vừa qua rõ ràng cho thấy chủng tộc vẫn là yếu tố rất lớn trong bức tranh bầu cử. Trong một nghiên cứu do Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố, bà Hillary Clinton đã đánh bại Obama với hơn 8% số phiếu ủng hộ tại 9 trong tổng số 18 cuộc bầu cử sơ bộ. Ông nói: "Rõ ràng là vấn đề chủng tộc không chỉ là một yếu tố mạnh trong các cuộc bầu cử cấp bang ở Mỹ, mà tác động của nó phần lớn phụ thuộc tỷ lệ chủng tộc tại mỗi bang".

 

Về phần mình, ông Obama đã trực tiếp đề cập tới vấn đề chủng tộc trong một bài phát biểu mạnh mẽ hồi tháng 3 vừa qua. Ông đã bác bỏ ý kiến cho rằng chủng tộc của ông sẽ đóng một vai trò nào đó trong bầu cử. Nhưng trên chính trường Mỹ, hiện tượng này vẫn tồn tại thậm chí còn có cả tên là "Hiệu ứng Bradley", theo tên cựu Thị trưởng Los Angeles Tom Bradley, một người gốc Phi, đã bị đánh bại trong cuộc chạy đua vào chức Thống đốc California năm 1982, ngay cả khi ông dẫn điểm rất xa trong các cuộc thăm dò dư luận. Nhiều cử tri từng nói với những người đi thăm dò ý kiến họ thấy không có vấn đề gì đối với một vị thống đốc người Mỹ gốc Phi, nhưng khi số phiếu đã được kiểm thì rõ ràng cho thấy họ đã nói dối. Lịch sử sẽ lặp lại?

 

Da đen = Nghi ngại

 

Khi được tin, ông Obama giành chiến thắng trước bà Hillary Cliton, đương kim Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tuyên bố: "Việc Thượng nghị sỹ Barack Obama trở thành ứng cử viên trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của một chính đảng lớn cho thấy nước Mỹ đã có một bước tiến xa". Thế nhưng thực tế có thể khác xa tuyên bố của ông Bush, một người... Cộng hoà.

 

Ví dụ, khi bà Hillary đánh bại ông Obama tại cuộc bầu cử sơ bộ ở Kentucky ngày 20/5, có đến 20% cử trí nói rằng chủng tộc là một nguyên nhân cho cho chọn lựa của họ. Các cuộc thăm dò ngoài phòng bỏ phiếu đã cho thấy 40% những người ủng hộ bà Hillary nói rằng họ sẽ quay sang bỏ phiếu cho ứng cử viên của Đảng Cộng hoà John McCain vào tháng 11 tới sau khi cựu đệ nhất phu nhân bị đánh bại. Cử tri Hannah Woodard, một người đã bỏ phiếu cho ông Obama tại Covington, Bắc Kentucky nói: "Thật đáng buồn là nhiều người không thể nào bỏ phiếu cho một ứng cử viên da đen - giờ đã là năm 2008 rồi".

 

Sự nghi ngại của cử tri đối với ông Obama, người có thể là vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ, có căn nguyên từ lịch sử của đất nước nơi hàng triệu người Châu Phi đã từng bị bắt làm nô lệ và hiện chiếm khoảng 13% dân số nhưng vẫn phải chịu các thiệt thòi về kinh tế và xã hội. Thậm chí cho đến giữa thập niên 60 thế kỷ trước, tại miền Nam nước Mỹ người da đen vẫn không có quyền bầu cử.

 

Các chuyên gia phân tích cho rằng ông Obama, năm nay mới 46 tuổi sẽ phải hứng chịu các thành kiến rằng ông ta sẽ không yêu nước Mỹ và thiếu kinh nghiệm bởi ông còn quá trẻ và không phải là... người da trắng. Giáo sư Mark King của Khoa Xã hội học tại Morehouse College nói: "Vì chủng tộc của ông ta, người dân có thể hoài nghi về sự chân thành tôn giáo và tình cảm yêu nước cũng như những cáo buộc rằng ông ta thì có vẻ thời thượng hơn là thực chất".

 

Giáo sư Terry Madonna của Franklin & Marshall College tại Pennsylvania lại nhận định: "Không phải vì ông ta da đen mà người ta không bầu mà vì ông ấy tự do hơn về mặt văn hoá và non về kinh nghiệm. Đối với một bộ phận cử tri, ông ấy dường như không thuộc về nước Mỹ".

 

Giờ thì có lẽ Thượng nghị sĩ Obama đang bay bổng với giấc mơ bước vào Nhà Trắng và cả nước Mỹ đang nói về ''hiện tượng Obama''. Nhưng liệu người dân Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận một tổng thống da màu, nhất khi là đối thủ của ông ở chặng đua quyết định là chính trị gia sừng sỏ John McCain, 72 tuổi, của đảng Cộng hòa? Liệu một hình ảnh trẻ trung, nhiệt tình, sôi nổi có đủ sức thuyết phục để ông Obama trở thành người đứng đầu nước Mỹ? Cho đến nay, trong mọi cuộc thăm dò dư luận, ông Obama luôn dẫn điểm khá xa ông McCain, nhưng hình ảnh một chính trị gia cứng rắn và kinh nghiệm mà ông McCain đã tạo dựng vẫn có thể sẽ là sự lựa chọn số một đối với cử tri Mỹ so với việc chọn một tổng thống da màu hoặc một nữ tổng thống.

 

 

N.S (Tổng hợp)